17/03/2017 3:51 PM
CafeLand - Dù đã xuất hiện trên thị trường khoảng 2 năm trở lại đây nhưng việc phát triển loại hình căn hộ văn phòng (Office–tel) đang gặp nhiều vướng mắc.

Office-tel cung cấp mô hình vừa kinh doanh, vừa lưu trú

5 vướng mắc

Phát biểu tại hội thảo “Thị trường căn hộ - văn phòng (Office-tel): Nhu cầu phát triển và những vướng mắc pháp lý cần tháo gỡ” diễn ra tại TP.HCM sáng nay (17/3) ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản cho rằng có 5 vướng mắc đối với việc phát triển Office-tel hiện nay.

Thứ nhất, chưa có khái niệm chính xác về Office-tel là văn phòng kết hợp ở hay văn phòng kết hợp lưu trú. Nếu văn phòng kết hợp lưu trú thì lưu trú ngắn hạn hay dài hạn cần phân định rõ ràng.

Thứ hai, vướng mắc về quyền sở hữu: Nếu coi đây là một dạng để ở thì người mua được quyền sở hữu ổn định lâu dài, nếu không thì người mua chỉ được sở hữu 50 năm.

Thứ ba, nếu xác định Office-tel là một dạng để ở thì chủ đầu tư dự án phải đóng tiền sử dụng đất khác hiện nay.

Thứ tư, vướng mắc về quy hoạch: Cần quy định rõ chủ đầu tư có được xây dựng Office-tel trên đất quy hoạch để xây dựng nhà ở hay chỉ được xây dựng trên đất được quy hoạch có chức năng hỗn hợp.

Thứ năm, theo Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam, căn hộ chỉ để sử dụng cho mục đích ở, nên thiết kế cầu thang, điện nước đủ để phục vụ cư dân trong chung cư đó. Nếu xây dựng Office-tel thì hạ tầng, điện nước, thiết kế cần phải thay đổi tương ứng cho phù hợp.

Trước những vướng mắc trong việc phát triển loại hình Office-tel, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu kiến nghị, về thời hạn sở hữu, Nghị định 01 của Chính phủ có sửa đổi quan trọng, đó là đối với chung cư hỗn hợp, khối đế thương mại, dịch vụ, thì chế độ sử dụng đất là lâu dài. Khi cho phép toàn bộ đất trong chung cư hỗn hợp được sử dụng ổn định lâu dài thì chế độ sở hữu đối với Office-tel cũng là vô thời hạn. Đồng thời, ông Châu cũng đề xất cho người nước ngoài được mua và sở hữu căn hộ Office-tel.

Nếu bí, cứ nhìn Tây làm

Theo PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Giảng viên chuyên ngành Luật kinh tế - Khoa Luật trường Đại học Quốc gia Hà Nội, để tìm được cách giải quyết những bất cập trong việc nên đăng ký Office-tel là căn hộ chung cư hay văn phòng cho thuê, cần nhìn lại việc hình thành nên Office-tel ở các nước phương Tây.

Theo đó, nếu như phần lớn căn hộ được dùng để làm nơi cư trú, bất động sản đó sẽ được xếp loại Residential Facilities (Nơi cư trú). Ngược lại, nếu phần lớn diện tích của bất động sản được dùng vào mục đích kinh doanh thì sẽ xếp loại Non-residential Facilities (nơi không phải để cư trú).

Căn cứ vào cách phân loại này, những bất động sản đa chức năng sẽ được điều chỉnh bởi những điều luật liên quan tới khu vực cư trú hoặc khu vực kinh doanh. Từ đó, các nhà quản lý có thể dễ dàng quản lý và áp dụng các quy phạm pháp luật đối với các bất động sản đa chức năng nêu trên.

Office–tel còn tồn tại những nhược điểm

Theo PGS.TS Doãn Hồng Nhung, bên cạnh những ưu điểm cung cấp mô hình vừa kinh doanh, vừa lưu trú trong một thời gian, tạo môi trường để kinh doanh thu lợi nhuận phục vụ cho doanh nhân, người nước ngoài thì Office–tel còn tồn tại những nhược điểm. Diện tích Office–tel tương đối nhỏ, chỉ từ 20 đến 50m2 nên thường chỉ đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các diện văn phòng công ty. Với trường hợp công ty có số lượng nhân viên đông đảo thì mô hình này khó có thể đáp ứng nhu cầu.

Ngoài ra, để sử dụng những tiện ích hiện đại thì các chủ căn hộ sẽ phải bỏ ra một số tiền không nhỏ cho phí dịch vụ và quản lý. Không những vậy, căn hộ Office–tel còn bộc lộ yếu điểm của mình trong chế độ sở hữu tối đa 50 năm. Đối với những người tìm kiếm sự ổn định lâu dài, Office–tel dường như kém hấp dẫn hơn các bất động sản khách trên thị trường.

Thanh Thịnh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.