Hiện nay, do mâu thuẫn giữa quyền lợi địa phương và quyền lợi chung của toàn vùng nên dẫn đến thiếu liên kết. Ngoài ra, còn khá nhiều trở ngại khác khiến các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam không phát huy hết tiềm năng lợi thế của từng tỉnh và toàn vùng.
Đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây là tuyến đường được kỳ vọng sẽ kết nối và giúp 3 địa phương là TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đẩy mạnh phát triển du lịch, công nghiệp...- Ảnh: Anh Quân

Thực trạng này được các chuyên gia và cơ quan quản lý nêu ra tại hội thảo “Quy hoạch và liên kết phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” được tổ chức tại TPHCM từ ngày 23 đến 25-10.

Tại hội thảo, ông Ngô Quang Hùng, Phó viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam, đã chỉ ra những khó khăn khiến các tỉnh vùng trọng điểm phía Nam thiếu liên kết.

Thứ nhất là mâu thuẫn giữa quyền lợi địa phương và quyền lợi chung toàn vùng đã dẫn đến định hướng phát triển đô thị, phát triển kinh tế của các tỉnh bị trùng lắp không phát huy hết tiềm năng lợi thế của từng tỉnh và toàn vùng.

Thứ hai là sự mất cân đối về tiềm năng và lợi thế phát triển của 8 tỉnh trong vùng. Về cơ sở hạ tầng, chiến lược phát triển hệ thống đường cao tốc, đường vành đai, đường sắt, cảng biển và sân bay chưa đồng bộ.

Hiện nay, việc phát triển mô hình mở rộng không gian đô thị theo mô hình “vết dầu loang” dọc các tuyến giao thông huyết mạch tạo nên sự chia cắt giữa các vùng trong cùng một địa phương.

Ngoài ra, các vấn đề về công bằng xã hội, đặc biệt là vấn đề nhà ở phù hợp khả năng chi trả của công nhân và các đối tượng thu nhập thấp với các đối tượng khác ở các tỉnh quá chênh lệch. Việc tập trung quá lớn vào vùng lõi trung tâm mà chưa chú ý đến các vùng xung quanh đang làm mất cân đối sự phát triển của vùng. Về vấn đề quản lý, hiện nay chưa có thể chế quản lý và kiểm soát phát triển toàn vùng.

Theo quy hoạch, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm 8 tỉnh, thành phố, TPHCM, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang. Đây là địa bàn có tốc độ phát triển kinh tế cao và có vai trò là cầu nối giữa vùng ĐBSCL và Tây Nguyên.

Về phía các địa phương, ông Lưu Đình Khẩn, Giám đốc Sở Xây dựng Long An cho biết, vấn đề khó khăn nhất trong việc liên kết giữa Long An với các địa phương thời gian qua là do chưa có ban điều phối của toàn vùng.

Bên cạnh đó, các địa phương hiện nay chưa có sự đồng thuận nên mới dẫn đến tình trạng địa phương nào thì chỉ biết địa phương đó. Ông dẫn ví dụ quốc lộ 50 phía Long An được đầu tư hoàn chỉnh đi lại thuận lợi, song phía TPHCM lại xuống cấp mà chưa được đầu tư dẫn đến việc kết nối giữa hai tỉnh, thành chưa được tốt.

Để việc liên kết vùng được tốt hơn và cùng nhau phát triển, ông Nguyễn Quang, Giám đốc chương trình Habitat của Liên hiệp quốc tại Việt Nam, đề xuất nên thành lập một ban điều phối cơ chế vùng.

Ông Quang cho rằng, để liên kết vùng thành công đòi hỏi nhiều yếu tố, thậm chí các địa phương phải từ bỏ một số lợi ích cục bộ để đảm bảo sự phát triển bền vững của vùng. Đồng thời, các địa phương phải chia sẻ lợi ích với các địa phương khác.

Tương tự, ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất cần có một mô hình quản lý vùng phù hợp với thể chế để phát triển tốt nhất. “Vai trò của cơ quan quản lý vùng là điều kiện đầu tiên để phát triển vùng. Hiện nay, có quá nhiều quy hoạch dẫn đến chồng chéo, trong khi quy hoạch được phê duyệt mà thực hiện chẳng bao nhiêu” ông nói.

Ông Quang cho rằng, sắp tới, cần xác định rõ trách nhiệm của người phê duyệt quy hoạch và việc quy hoạch sẽ phải tích hợp với đa ngành.

Hội thảo sẽ còn diễn ra đến ngày 25-10 với các chủ đề được bàn thảo chính là lồng ghép quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch giao thông, quản trị vùng kinh nghiệm quốc tế và áp dụng ở Việt Nam…

Lê Anh (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.