Tòa nhà Petroland Tower tại quận 7 (TPHCM). Ảnh: PTOS.
Ngày 15-12, theo công bố thông tin từ đại diện của nhóm cổ đông lớn (nắm giữ tổng 37,1% cổ phần) tại Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (mã chứng khoán PTL – Petroland), nhóm cổ đông này muốn lập danh sách cổ đông có quyền tham dự đại hội cổ đông bất thường do nhóm cổ đông này triệu tập, dự kiến tổ chức vào ngày 25-1-2021.
Nhóm cổ đông lớn bao gồm bà Trần Thị Ngọc Cư (nắm giữ hơn 19,6 triệu cổ phiếu, tương ứng 19,63% cổ phần) và ông Đoàn Văn Đức (nắm giữ 17,47%), đại diện ủy quyền là ông Nguyễn Tấn Thụ.
Nhóm cổ đông này cho biết đã gửi văn bản yêu cầu triệu tập cuộc họp đại hội cổ đông bất thường vào ngày 6-10-2020, nhưng cho đến ngày 7-12 thì HĐQT và Ban Kiểm soát công ty đã không triệu tập đại hội cổ đông bất thường.
Theo diễn giải của nhóm cổ đông lớn, căn cứ theo quy định của Luật doanh nghiệp, nhóm này sẽ tiến hành triệu tập cuộc họp Đại hội cổ đông bất thường theo quy định.
Lý do triệu tập đưa ra là giải quyết những vấn đề tồn tại trong cuộc họp đại hội cổ đông thường niên tổ chức vào tháng 5 vừa qua. Tại cuộc họp khi đó, cổ đông đã phủ quyết nhiều vấn đề quan trọng.
Trích văn bản công bố thông tin gửi cho Ủy ban chứng khoán, Trung tâm lưu ký chứng khoán, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM và cổ đông Petroland.
Các nội dung không được thông qua gồm báo cáo của HĐQT về thực hiện nhiệm vụ 2019 và kế hoạch năm 2020, báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 2019 và kế hoạch 2020, phương án bổ sung ngành nghề hoạt động sản xuất kinh doanh, báo cáo về việc đề xuất chuyển chế độ làm việc đối với thành viên HĐQT.
Do đó, nhóm cổ đông này cho rằng nếu đại hội cổ đông không thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh thì sẽ khiến cho công ty không có định hướng để hoạt động, không có mục tiêu phát triển.
Liên quan đến vấn đề này, HĐQT Petroland cũng có công văn phản hồi ngày 10-12, khẳng định nhóm cổ đông này không đủ cơ sở pháp lý để triệu tập đại hội cổ đông theo quy định của Luật doanh nghiệp và điều lệ công ty.
Cụ thể, sau khi xem xét nội dung văn bản của nhóm cổ đông, HĐQT nhận thấy các vấn đề, lập luận của nhóm cổ đông đưa ra là không đủ căn cứ pháp lý cũng như không đủ bằng chứng để chứng minh HĐQT Petroland vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của người quản lý và cần thiết phải triệu tập cuộc họp Đại hội cổ đông bất thường theo yêu cầu của nhóm cổ đông.
Theo đó, HĐQT của Petroland ban hành Nghị quyết 826 ngày 4-11 về việc thông qua không triệu tập ĐHCĐ bất thường, đồng thời có văn bản số 829 phúc đáp kiến nghị với nội dung bác bỏ những cáo buộc mà nhóm cổ đông này đưa ra.
Các cáo buộc này bao gồm những sai phạm về dự án Tương Hiệp Bình (Bình Dương), các khoản tạm ứng của giám đốc công ty, việc ban hành Quyết định thu phí chuyển nhượng của giám đốc và việc HĐQT đã vi phạm nghĩa vụ về bảo đảm hoạt động của công ty tuân thủ theo pháp luật. Những vấn đề trên cũng từng được đưa ra thảo luận tại đại hội cổ đông thường niên hồi tháng 5.
Theo biên bản họp đại hội cổ đông thường niên hồi tháng 5, một nội dung quan trọng là bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT theo đề xuất của nhóm cổ đông lớn không được đưa vào chương trình đại hội. Theo đó, người dự kiến được bầu bổ sung vị trí thành viên HĐQT là ông Nguyễn Tấn Thụ (hiện là đại diện ủy quyền của nhóm cổ đông lớn ở trên) và vị trí Thành viên HĐQT độc lập là ông Dương Văn Bắc.
HĐQT hiện tại của Petroland mới được bầu bổ sung vào cuối năm 2019, khi lãnh đạo nhiệm kỳ trước có sai phạm. Theo đó, cựu chủ tịch cùng nhiều đồng phạm chịu cáo buộc tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" khiến Petroland thiệt hại hơn 50,6 tỉ đồng.
-
TP.HCM đưa ra giải pháp về gần 46.500 căn nhà ven kênh, rạch
Trên địa bàn TP.HCM hiện còn khoảng gần 46.500 căn nhà ven và trên kênh, rạch. Để di dời những căn nhà này, lãnh đạo thành phố yêu cầu các sở ngành, địa phương bám sát các dự án di dời, giải tỏa đang triển khai....
-
Lần thứ 8 Tân Tạo kiến nghị HoSE gỡ án đình chỉ giao dịch
Tập đoàn Tân Tạo cho biết đây là lần thứ 8 doanh nghiệp đề nghị HoSE xem xét và ban hành quyết định đưa cổ phiếu ITA ra khỏi diện cảnh báo theo quy định.
-
Sắp hoàn thiện báo cáo khả thi tuyến đường Vành đai lớn nhất phía Nam
Dự án đường Vành đai 4 TP.HCM có chiều dài hơn 200km, tổng vốn đầu tư dự kiến lên đến 136.000 tỉ đồng đang được TP.HCM và các địa phương gấp rút hoàn thiện báo cáo khả thi để trình cơ quan thẩm quyền....