Ngày càng xuất hiện nhiều vụ án tín dụng mà trong đó bên đi vay sử dụng tài sản thế chấp của người khác. Khi người vay tiền không trả nợ thì người có nhà đứng trước nguy cơ bị xiết nợ.

Tổng số tiền cả gốc và lãi Hưng Phát phải trả cho Seabank là 7,587 tỷ đồng

Vừa qua, TAND TP. Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ kiện đòi nợ giữa Seabank và CTCP Hưng Phát. Theo đơn khởi kiện của Seabank, năm 2007, ngân hàng này đã ký 2 hợp đồng tín dụng vào tháng 5/2007 và tháng 8/2007 với Công ty Hưng Phát. Theo đó, hợp đồng thứ nhất có hạn mức 5 tỷ đồng, hợp đồng thứ 2 hạn mức 700 triệu đồng. Từ đó đến nay, Hưng Phát đã trả được một phần nợ gốc, tính đến khi Tòa án đưa ra xét xử, hợp đồng thứ nhất còn nợ 6,77 tỷ đồng cả gốc và lãi, hợp đồng thứ hai còn nợ 817 triệu đồng cả gốc và lãi. Seabank đề nghị Tòa án buộc Công ty Hưng Phát trả toàn bộ nợ gốc và lãi, trong trường hợp Hưng Phát không trả được nợ, Seabank được quyền phát mại tài sản thế chấp để thu hồi nợ.

Được biết, khi ký hợp đồng tín dụng, Công ty Hưng Phát đã đưa vào một số tài sản thế chấp gồm quyền sử dụng đất và mọi tài sản gắn liền trên đất của bà Vũ Thị Sinh (Hoàng Mai, Hà Nội) với phạm vi bảo đảm là 2,4 tỷ đồng; quyền sử dụng đất của vợ chồng ông Vũ Mạnh Hùng (Trần Phú, Hà Nội), giới hạn bảo đảm là 1,24 tỷ đồng và quyền sử dụng đất của vợ chồng ông Gián, bà Thế. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án, cơ quan chức năng đã giám định và xác định chữ ký trên hợp đồng thế chấp không phải là chữ ký của ông Gián, bà Thế. Do đó, Seabank đã rút một phần yêu cầu khởi kiện, không yêu cầu phát mại đối với quyền sử đụng đất của vợ chồng ông Gián, bà Thế.

Đại diện Công ty Hưng Phát thừa nhận có vay tiền ngân hàng và tài sản bảo đảm là 3 nhà đất nói trên, nhưng cũng cho biết, trong quá trình giải quyết tranh chấp từ năm 2008 đến nay, công ty này không rõ gốc, lãi ra sao, không được kiểm tra số liệu. Theo đại diện Hưng Phát, công ty này đã trả cho Seabank 2,1 tỷ đồng, bao gồm khoản tiền 1,7 tỷ đồng gia đình bà Sinh đã trả và 400 triệu đồng bị Seabank trừ ngay tại tài khoản tiền gửi của Công ty.

Trước nguy cơ bị mất nhà, 2 hộ gia đình đã thế chấp nhà đất đều đề nghị Tòa án giải chấp. Gia đình bà Sinh cho biết, trong 5 - 6 năm qua, gia đình bà đã phối hợp tích cực với Ngân hàng để giải quyết nợ và đã trả 1,7 tỷ đồng, có biên bản chốt do Phó giám đốc Seabank Ba Đình ký xác nhận. Cán bộ ngân hàng hứa hẹn giảm lãi và giải chấp nhưng gia đình bà chờ mãi vẫn không thấy ngân hàng thực hiện, khi trực tiếp đến hỏi thì đại diện ngân hàng chỉ từ phòng giao dịch lên chi nhánh gặp hết cán bộ này đến cán bộ khác mà không giải quyết. Trong khi đó, Ngân hàng vẫn tính lãi quá hạn dẫn đến khoản nợ ngày càng tăng.

Đại diện Seabank không thừa nhận gia đình bà Sinh đã trả 1,7 tỷ đồng, chứng từ nộp tiền vào Ngân hàng thể hiện gia đình bà Sinh nộp 2 lần tổng cộng chỉ là 700 triệu đồng. Tuy nhiên, HĐXX lưu ý đại diện Seabank cần cân nhắc lại, bởi về nguyên tắc, người của pháp nhân đã ký xác nhận, đóng dấu thì pháp nhân sẽ phải giải quyết quyền lợi cho khách hàng, sau đó pháp nhân sẽ xử lý nội bộ sau.

Đáng ghi nhận nhất trong phiên xử là cả đại diện công ty cũng như các gia đình đều nhiều lần nói rằng, do thiếu hiểu biết về pháp luật, không hiểu các quy định của ngân hàng, do đó họ chỉ biết đến giao dịch, thấy nhân viên của ngân hàng là tin tưởng. Trường hợp này lại làm việc với Phó giám đốc Seabank Ba Đình nên họ trả tiền mà chỉ có biên bản xác nhận.

Riêng đối với gia đình ông Gián, bà Thế, do chữ ký được xác định là chữ ký giả, nên ông bà này đề nghị Tòa án buộc Ngân hàng phải trả lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đại diện Seabank không đồng ý với lý lẽ, vụ kiện này sẽ được giải quyết sau và giấy chứng nhận là một phần chứng cứ, hồ sơ nên không thể trả lại.

Sau khi xem xét chứng cứ các bên đưa ra, HĐXX chấp nhận đơn khởi kiện của Seabank, buộc Công ty Hưng Phát phải trả nợ, trong trường hợp Hưng Phát không trả được nợ thì được phát mại 2 quyền sử dụng đất. HĐXX chấp nhận số tiền mà gia đình bà Sinh đã trả cho Seabank là 1,7 tỷ đồng, trách nhiệm trả nợ thay còn lại là 700 triệu đồng. Riêng đối với đơn yêu cầu độc lập của gia đình ông Gián, do đơn yêu cầu này được gửi tới Tòa án sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử nên HĐXX không xem xét.

Hoàng Duy (Tin nhanh Chứng khoán)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.