14/10/2014 10:21 AM
Dồn dập 5 dự án đổ về Khu Văn Nội, phường Phú Lương, quận Hà Đông (TP.Hà Nội) đã lấy đi phần lớn diện tích đất canh tác của những người nông dân.

Mất đất là mất đi sinh kế lâu dài. Hy vọng cuối cùng của người nông dân ở khoản tiền đền bù nhưng số tiền ấy cũng không thể đến với họ trọn vẹn.

Bớt xén một cách tinh vi

Kể từ năm 2009 -2013, cùng với việc sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội, hàng loạt dự án được phê duyệt triển khai tại phường Phú Lương: Dự án Trung tâm điều hành và xưởng sửa chữa Deport tuyến tàu điện Cát Linh – Hà Đông; dự án Trường Đại học Đại Nam; dự án Khu nhà ở TĐC Trại tạm giam T16; dự án Khu đô thị mới Phú Lương.

Việc 5 dự án đổ về dồn dập đã kéo theo hàng loạt những vấn đề bức xúc của nhân dân địa phương liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng.

Hàng trăm hộ dân thuộc diện bị thu hồi đất ở thôn Văn Nội cho rằng, chính quyền địa phương đã cố tình làm sai lệch hồ sơ giao đất nhằm rút bớt diện tích phải đền bù cho dân và liên tục gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng.

Theo đơn của bà Chung (ông Nguyễn Tuấn Sơn), ở thôn Văn Nội, phường Phú Lương thì chính quyền địa phương giao đất cho gia đình bà cùng với các hộ khác từ khi thực hiện khoán ruộng. Hạn mức giao đất cho một lao động chính là 1 sào, 3,5 thước (444 m2); lao động phụ là 1 sào (360m2).


Quyết định điều chỉnh phương án đền bù do “quy chủ nhầm” của UBND Quận Hà Đông

Khi có quyết định thu hồi đất, UBND quận Hà Đông đã tự rút ruộng của các hộ và chuyển toàn bộ số tiền bồi thường hỗ trợ chênh lệch sau khi rút ruộng của dân về phường Phú Lương và quận Hà Đông quản lý.

Cụ thể, gia đình bà Chung bị thu hồi đất sản xuất trong hai dự án: 193 m ở dự án Trường ĐH Đại Nam và 220 m2 ở dự án Đô thị mới Phú Lương. Theo quyết định thu hồi đất phục vụ dự án xây dựng khu Đô thị mới Phú Lương của UBND quận Hà Đông ngày 23/6/2011, gia đình bà Chung có 220,5 m đất và được đền bù trên 62 triệu đồng.

Ngoài ra bà còn được tiền bồi thường hỗ trợ chuyển đổi nghề nhưng khi khi hồi đất UBND quận đã rút mất 192 m2 và chỉ tính đền bù cho 33 m2 đất nông nghiệp.

Tương tự, gia đình ông, bà Nguyễn Bá Bàng, Lê Thị Sót, Đỗ Hữu Chung… đều khiếu nại vì đột nhiên bị UBND quận cắt đi không đền bù phần diện tích đất nông nghiệp họ đã canh tác nhiều năm.

Bà Chung cho biết, trả lời đơn khiếu nại của nhân dân, quận Hà Đông đưa ra lý do rất vô lý là “cán bộ có sai sót dẫn đến quy chủ nhầm” và trong hơn 220 m2 đất thu hồi của gia đình bà Chung chỉ có 33 m2 đất được cấp GCNQSDĐ (sổ đổ), còn lại 192 m2 đất là diện giao khoán cho các hộ, thuộc quỹ đất 2 do phường, quận quản lý nên không trả tiền đền bù.

Là người nông dân thuần túy, cả đời chỉ biết công việc đồng áng nên bà Chung nghĩ nát óc cũng không thể hiểu cách lý giải “xa xôi” mà UBND quận Hà Đông đưa ra.

Bà chỉ hiểu đơn giản một điều, khi nhận đất giao khoán cũng không có thửa ruộng nào “to” đến 33 m2 như lãnh đạo UBND quận Hà Đông nói, nên bà không hiểu con số 33 m2 đất người ta lấy ở đâu ra. Mà xưa nay đã có chính quyền địa phương nào giao 33 m2 đất để sản xuất nông nghiệp hay không?

Đành rằng Nhà nước thu hồi đất thì bà phải có trách nhiệm chấp hành nhưng mảnh đất nông nghiệp diện tích 220,5 m2 ấy gia đình bà đã được giao quản lý sử dụng được gần 30 năm, là kế sinh nhai nuôi sống cả gia đình xét cả về lý, về tình thì quyền quản lý sử dụng mảnh đất ấy không thể là ai khác ngoài gia đình bà.

Vậy tại sao UBND quận Hà Đông lại cho rằng đất đó thuộc quyền quản lý của phường Phú Lương để rút đi khoản trợ cấp ít ỏi mà đáng ra gia đình bà phải được hưởng?

Không minh bạch

Bức xúc trước việc, UBND quận Hà Đông rút bớt phần diện tích được nhận tiền đền bù mà các hộ dân đã được giao quản lý, sử dụng nhiều năm, người dân Phú Lương đã gửi đơn đề nghị UBND TP.Hà Nội làm rõ những dấu hiệu sai phạm.

Và đến tháng 7/2013, Thanh tra TP.Hà Nội đã có kết luận: Tổng diện tích đất nông nghiệp được bồi thường của gia đình bà Chung do UBND quận Hà Đông báo cáo với đoàn Thanh tra là 541 m2 và gia đình bà được bồi thường hỗ trợ theo đơn giá 201.600đ/m2.

Ngoài ra còn khoản tiền hỗ trợ ổn định sản xuất 35.000đ/m2; tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề 30.000đ/m2 thì tổng số tiền gia đình bà nhận được xấp xỉ 149 triệu đồng.

Đọc nội dung phương án tính tiền đền bù của gia đình mình trong kết luận thanh tra, bà Chung khẳng định số liệu mà UBND quận Hà Đông báo cáo với đoàn thanh tra hoàn toàn không đúng với phương án đền bù mà nhận được.

Phần diện tích 192 m2 mà chính quyền địa phương trả lời là “thuộc quỹ đất 2” nên không được nhận tiền đền bù nhưng thực tế vẫn báo cáo với đoàn thanh tra là đang chi trả cho gia đình bà.

Ngoài nội dung trên, bà Chung cùng các hộ dân trong thôn còn khiếu nại về việc áp dụng chính sách đền bù không thỏa đáng. Cùng một dự án nhưng cá biệt có người được hưởng chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp ở mức rất cao, lên tới vài trăm triệu đồng, còn đa số các hộ chỉ được nhận 30.000đ/m2.

Như trường hợp của bà Nguyễn Thị Hoa, ở tổ dân phố 3, khu Văn Nội bị thu hồi 116 m2 đất nông nghiệp. Tiền đền bù đất được 23 triệu đồng nhưng tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm được 254 triệu đồng.

Trong khi ông Nguyễn Văn Hùng, ở tố 4, khu Văn Nội mất 165 m2 đất được đền bù 33 triệu đồng và tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề chỉ có 5 triệu đồng. Tính ra ông Hùng bị thu hồi nhiều hơn bà Hoa trên 40 m2 mà số tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề ít hơn 249 triệu đồng?

Nam Phương (NNVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.