07/02/2016 8:56 AM
CafeLand - Trong năm 2015, hoạt động mua bán sát nhập dự án (M&A) đóng góp một phần rất lớn vào sự sôi động của thị trường bất động sản. Những người trong ngành dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục bùng nổ trong năm 2016, và đây sẽ là sân chơi của các đại gia đích thực. 2016 sẽ là năm có sự góp mặt của những “ông lớn” địa ốc thế giới hứa hẹn sẽ tạo ra cuộc đua tranh khốc liệt để thâu tóm quỹ đất.

Đại gia trong nước lên tiếng

Năm 2015 khép lại, thị trường bất động sản bất ngờ với hàng loạt thương vụ M&A “khủng” diễn ra tại nhiều khu vực trên cả nước. Trong đó, phải kể đến sự trở mình mạnh mẽ của những “ông lớn” trong nước như Vingroup, FLC, Novaland, Hưng Thịnh…

Tại thị trường TP.HCM, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, trên địa bàn có khoảng 1.400 dự án bất động sản thì có tới 500 dự án đang ngưng thi công hoặc nằm đắp chiếu nhiều năm trời. Đây chính là chiếc bánh hấp dẫn đối với những doanh nghiệp trong hoạt động M&A.

Câu chuyện “cá lớn nuốt cá bé” sẽ tiếp tục được kể trong năm 2016. Nhiều doanh nghiệp như Vingroup, FLC, NovaLand, Hưng Thịnh, Khang Điền, BRG… đang vươn mình mạnh mẽ, trở thành đối trọng với các nhà đầu tư ngoại. Do đó, M&A sẽ trở thành công cụ đắc lực để các đại gia này thực hiện tham vọng thâu tóm quỹ đất của mình.

Sau khi đã “xưng vương” ở khu vực quận 9 và quận 2 về các dự án nhà phố, biệt thự, Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền đang tiếp tục đẩy mạnh việc thâu tóm quỹ đất để phát triển thêm dự án. Mới đây, Khang Điền đã mua cổ phần chi phối Công ty Đầu tư xây dựng Bình Chánh (BCCI). Đây là bước đi nhắm tới quỹ đất rất lớn mà BCCI đang nắm giữ.

Thông qua hoạt động M&A, Novaland đang nắm trong tay quỹ đất “khủng” với khoảng 25 dự án tọa lạc tại nhiều vị trí đắc địa. Hiện nay, tập đoàn này đã thực hiện một loạt dự án lớn như Sunrise Cityview, Sunrise Riverside, Golden Mansion, Newton Residence, Duxton Residence…

Trong năm 2015, Hưng Thịnh cũng đã trình làng nhiều dự án mới như Florita (quận 7), Lavita Graden (quận Thủ Đức), đáng chú ý là dự án Vũng Tàu Melody (Vũng Tàu). Với những dự án mới này, Hưng Thịnh đang vươn rộng ra nhiều khu vực trong TP.HCM và các tỉnh lân cận.

Tương tự, Công ty Cổ phần Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn cũng đánh dấu chiến lược phát triển mới bằng việc hợp tác phát triển dự án Western Dragon với Công ty CP Đầu tư – Xây dựng Bình Chánh (BCCI), trong đó Hoàng Anh Sài Gòn hiện diện với vai trò là đơn vị hợp tác đầu tư. Western Dragon gồm 3 tòa tháp chia làm 2 block, mỗi block cao 18 tầng với 463 căn hộ, được chào bán với giá từ 1,5 đến 2 tỷ đồng/căn.

Những dự án “đắp chiếu” nhiều năm có cơ hội sống lại nhờ M&A. Ảnh: Trần Kiều

Theo ông Nguyễn Bá Sáng, Tổng giám đốc An Gia Investment, sở dĩ hoạt động M&A được đẩy mạnh trong năm qua là do phù hợp với quy luật phát triển của thị trường. Những nhà đầu tư mới muốn có quỹ đất sạch và rút ngắn thời gian phát triển dự án đi theo con đường này. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp đang có sẵn quỹ đất, hoặc dự án thi công dang dở nhưng cạn tài chính, không đủ khả năng để phát triển có nhu cầu tìm kiếm một đối tác để bán hoặc hợp tác phát triển tiếp dự án. M&A cũng là cách để giảm tồn kho nhanh chóng cho thị trường bất động sản.

“Thông thường, để phát triển một dự án nhà đầu tư phải mất khoảng 3 đến 5 năm, trong đó phần lớn thời gian là dành để tìm quỹ đất và làm thủ tục pháp lý. Do đó, để rút ngắn thời gian và triển khai dự án nhanh họ có nhu cầu mua lại các dự án đã có sẵn quỹ đất sạch. Vị trí dự án đóng vai trò rất quan trọng trong M&A. Những dự án có vị trí đắc địa, nằm gần các khu trung tâm thành phố sẽ là ưu tiên hàng đầu”, ông Sáng chia sẻ

Quỹ ngoại sôi sục

Bên cạnh sự lớn mạnh của doanh nghiệp nội, thị trường năm 2015 ghi nhận dòng vốn ồ ạt từ các nhà đầu tư ngoại. Tính đến tháng 11 năm 2015, lĩnh vực bất động sản đứng thứ 3 về thu hút vốn từ nhà đầu tư nước ngoài với 29 dự án đầu tư mới và 10 dự án tăng vốn, với số vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,32 tỷ USD chiếm 11,5% tổng vốn đầu tư.

Tháng 11/2015, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang đã ký kết hợp tác với Quỹ đầu tư Genesis Global Capital (Singapore) để phát triển chuỗi căn hộ Diamon Lotus (quận 8). Theo thỏa thuận, Genesis Global Capital sẽ đổ vào Diamon Lotus khoảng 300 triệu USD.

Trước đó, An Gia Investment đã “bắt tay” với quỹ đầu tư lớn từ Nhật Bản là Creed Group để đầu tư hợp tác lâu dài. Theo thỏa thuận, Creed Group cam kết đầu tư 200 triệu USD vào An Gia Investment để mua lại cổ phần của công ty này, đồng thời đầu tư vào các dự án nhà ở của An Gia Investment với tỷ lệ 50% trên tổng vốn đầu tư dự án.

Thương vụ mua lại dự án Celadon City (quận Tân Phú) của Gamuda Land (Malaysia) cũng gây nhiều chú ý. Dự án có quy mô hơn 82,5ha, tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu khoảng 25.000 tỷ đồng do liên doanh giữa Sacomreal, Thành Thành Công và An Phú Gia làm chủ đầu tư.

Công ty Nam Long cũng hợp tác với 2 nhà đầu tư đến từ Nhật Bản là Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad cùng phát triển dự án Flora Anh Đào (quận 9) trị giá khoảng 500 tỷ đồng. Hay như Global Emerging Market - GEM (một quỹ đầu tư từ Mỹ) cũng đã cam kết sẽ rót 20 triệu USD vào Công ty Địa ốc Hoàng Quân.

Ông Nguyễn Vĩnh Trân, Giám đốc điều hành Quỹ Jen Capital, cho biết bất động sản Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của các dòng vốn ngoại. Tuy nhiên, phần lớn nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang trong giai đoạn thăm dò, tìm hiểu thị trường.

Theo ông Trân, điều đầu tiên và tối quan trọng trong quá trình lựa chọn đối tác và dự án của nhà đầu tư nước ngoài là chữ tín. Các nhà đầu tư ngoại rất tôn trọng chữ tín và thực hiện nghiêm ngặt các quy tắc theo cam kết với tiêu chí “đất dự án phải là quỹ đất sạch, không vướng mắc về pháp lý, chủ đầu tư uy tín, có năng lực và cách làm việc chuyên nghiệp là những tiêu chí hàng đầu được nhà đầu tư ngoại quan tâm”, ông Trân nói.

Ông Jeff Foo, Chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Singapore, cho biết với những chính sách mở, đặc biệt là việc cho phép người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở Việt Nam đã khiến cho thị trường bất động sản Việt Nam hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Hiện nay, các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chọn hình thức liên doanh hoặc mua lại các công ty trong nước để tiến vào thị trường nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, họ đang gặp phải nhiều vướng mắc về thủ tục, không an tâm về tính minh bạch của thị trường cùng với đó là sự thiếu ổn định của các chính sách của nhà nước.

Mặc dù còn nhiều băn khoăn nhưng với những tín hiệu lạc quan từ thị trường, cùng cú hích khi Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được ký kết sẽ thúc đẩy dòng vốn ngoại đổ mạnh vào thị trường, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản công nghiệp.

Do đó, 2016 là năm hứa hẹn sẽ có những cuộc đua tranh khốc liệt giữa các đại gia trong nước với nhau, và sự cạnh tranh mạnh mẽ của làn sóng nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, với thế mạnh sân nhà, những doanh nghiệp nội có tiềm lực, thông thạo thị trường sẽ dễ dàng thâu tóm được dự án tốt, sẽ là người làm chủ cuộc chơi trên thị trường.

Nguyễn Văn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.