30/03/2016 5:18 PM
CafeLand – Thời gian gần đây, những dự án mà Tập đoàn FLC đầu tư xây dựng tại Hà Nội, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc,… đang được dư luận rất quan tâm. Bên cạnh bề nổi về sự hoành tráng, quy mô thì một số dự án ở các địa phương này cũng đang có những lùm xùm khi thông tin trên một số báo cho rằng chủ đầu tư đang có nhiều sai phạm trong đầu tư xây dựng.

FLC Garden City sai phạm kéo dài

9 tháng, FLC Garden City bị đình chỉ thi công 3 lần do chưa có giấy phép xây dựng. Dự án vẫn rầm rộ rao bán

Một trong những dự án xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông về việc sai phạm trong thi công, thực hiện dự án thời gian qua của Tập đoàn FLC là FLC Garden City. Chỉ trong 9 tháng, dự án này đã bị các cơ quan chức năng đình chỉ thi công 3 lần, nhiều lần xử phạt hành chính.

Dự án này có diện tích 7,8 ha với tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng, nằm tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Do thi công các hạng mục công trình trong khi chưa có giấy phép xây dựng, FLC Garden City đã từng bị các cơ quan chức năng địa phương đình chỉ thi công và xử phạt 40 triệu đồng vào ngày 13/5/2015.

Đáng nói là sau lần bị đình chỉ thi công và xử phạt hành chính, chủ đầu tư dự án không chấp hành, nhiều lần phớt lờ và có nhiều cách đối phó để tiếp tục vi phạm. Ngày 18/1/2016, trên cơ sở Thanh tra xây dựng quận Nam Từ Liêm tiếp tục phát hiện sai phạm tại dự án, Chủ tịch UBND phường Đại Mỗ đã ban hành quyết định đình chỉ thi công, yêu cầu các đơn vị liên quan cắt điện, nước. Sau đó vài ngày, quyết định xử phạt hành chính 50 triệu đồng chủ đầu tư dự án FLC Garden City cũng đã được đưa ra.

Đại diện chủ đầu tư dự án là ông Nguyễn Huy Thắng tại buổi làm việc với các cơ quan địa phương đã ký biên bản thừa nhận vi phạm và cam kết không thi công nữa cho đến khi hoàn thiện thủ tục cần thiết.

Tuy nhiên, sau nhiều lần bị đình chỉ, xử phạt, quyết định cũ còn chưa ráo mực thì đến ngày 7/3/2016, chủ đầu tư dự án lại tiếp tục bị lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu ngừng thi công do tự ý thi công tầng hầm tòa nhà hỗn hợp HH01, khoan cọc nhồi đại trà khu vực tòa nhà HH02 khi vẫn chưa có giấy phép. Ngày 8/3, UBND phường Đại Mỗ ra tiếp quyết định đình chỉ lần thứ ba với dự án này.

Đến nay, mọi sai phạm vẫn chưa được hoàn toàn xử lý dứt điểm.

Dự án ở Sầm Sơn, Vĩnh Thịnh bị dân phản đối

Vào đầu tháng 3/2016, hàng trăm người dân ở các phường Trung Sơn, Bắc Sơn, Trường Sơn và xã Quảng Cư (thị xã Sầm Sơn) đã tập trung trước trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa nhiều ngày liền để phản đối việc thu hồi bãi biển Sầm Sơn giao cho Tập đoàn FLC, khiến họ bị ảnh hưởng kế sinh nhai.

Theo nhiều người dân, những việc làm của Tập đoàn FLC như chặn đường ra biển, cấm không cho người dân khai thác thủy sản gần bờ trước mặt của khu nghỉ dưỡng đã được người dân phản ánh nhiều lần lên chính quyền xã và thị xã nhưng vẫn không được giải quyết triệt để, khiến họ bức xúc.

Người dân Thanh Hóa tụ tập phản đối việc thu hồi bãi biển Sầm Sơn giao cho Tập đoàn FLC thực hiện dự án

Trước áp lực của người dân, vào ngày 7/3/2016 ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh Thanh Hóa đã có cuộc gặp gỡ, đối thoại với người dân. Sau 3 giờ đối thoại có cả thương lượng, hòa giải ông Chiến chốt lại, “việc bà con đến đây để xin 1,5 km bờ biển để đi biển đánh bắt cá, tỉnh không có ý kiến yêu cầu thu hồi. Vậy đương nhiên bà con cứ làm như lâu nay vẫn làm thôi”.

Trong khi đó, FLC lại lên tiếng phủ nhận liên quan đến vụ khiếu kiện của người dân Sầm Sơn. Đại diện Tập đoàn FLC cho rằng, trách nhiệm về tình trạng khiếu kiện của người dân tại Sầm Sơn thuộc về chính quyền địa phương.

Được biết, dự án “Không gian du lịch ven biển phía đông đường Hồ Xuân Hương, thị xã Sầm Sơn” có tổng vốn đầu tư 315 tỷ đồng, do Tập đoàn FLC làm chủ thầu theo hình thức BOT. Theo quy hoạch của dự án, toàn bộ khu vực ven biển dài 3,5 km, tổng diện tích 32 ha sẽ được bố trí 13 khu vực chức năng, 15 kiôt, 20 điểm tắm tráng xây dựng khang trang, hiện đại, đảm bảo tiện ích, thẩm mỹ.

Ngoài vụ lùm xùm ở dự án “Không gian du lịch ven biển phía đông đường Hồ Xuân Hương, thị xã Sầm Sơn” nói trên, mới đây dự án FLC Vĩnh Thịnh Resort của Tập đoàn FLC lại xuất hiện trên mặt báo với thông tin khởi công khi chưa được phê duyệt.

Theo thông tin trên tờ Dân Việt, mặc dù chưa có quy hoạch chi tiết, chưa được phê duyệt dự án và chưa tiến hành đền bù, thu hồi đất, nhưng FLC vẫn ngang nhiên công bố khởi công giai đoạn 2 Dự án Quần thể du lịch sinh thái và vui chơi giải trí cao cấp FLC Vĩnh Thịnh - An Tường tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc với tổng mức đầu tư hơn 4.600 tỷ đồng. Cụ thể, dù mới có quy hoạch tổng thể 1/2000, chứ chưa có quy hoạch chi tiết 1/500 nhưng chủ đầu tư vẫn khởi công giai đoạn 2 dự án.

Việc làm trái ngược và tham vọng thâu tóm đất nông nghiệp của FLC khi chưa bàn với người dân đã và đang bị người dân phản đối kịch liệt, thậm chí họ khẳng định dù có đền bù cao họ vẫn không bán đất, "nhượng" đất cho Tập đoàn FLC...

FLC Vĩnh Thịnh Resort lấy nhiều ruộng của người dân?

Một số thông tin khác còn cho rằng nhiều dự án Tập đoàn FLC sau khi nhận đất, chuyển đổi mục đích sử dụng, thì không triển khai dự án, hoặc làm cầm chừng, khiến hàng nghìn ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang khi trở thành dự án treo. Đó là các dự án KCN Chấn Hưng, FLC Tower (Vĩnh Phúc), dự án sân golf – vui chơi giải trí cao cấp hồ Cẩm Quỳ (Ba Vì, Hà Nội),…

Trả lời phóng viên báo chí mới đây trước câu hỏi pháp lý dự án FLC Vĩnh Thịnh liệu “có vấn đề”, ông Bùi Minh Hồng, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định tất cả các bước đều đúng thủ tục pháp lý. Còn việc FLC lấy đất nông nghiệp của dân để xây khu công nghiệp nhưng bỏ hoang, vị này cho hay là do tỉnh chưa làm tốt vai trò của mình khi chưa bàn giao được một m2 đất nào cho chủ đầu tư để họ khởi công dù tiền đền bù giải phóng mặt bằng người dân đã nhận đến 98%. Ông cũng cho biết mong người dân hiểu và đồng thuận.

Có hay không những sai phạm của Tập đoàn FLC. Liệu người dân nằm trong diện bị thu hồi đất ở Vĩnh Phúc có “hiểu” và đồng thuận để giao đất cho FLC thực hiện dự án mà không xảy ra tình trạng tương tự như vụ “biểu tình” ở Sầm Sơn vừa qua?

M.Tâm
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.