Dự án nhà ở trong đô thị Thủ Thiêm đang được thi công. Ảnh: N.Đăng
Tuy nhiên, vẫn luôn là câu hỏi hết sức thiết thực được đặt ra là nhà đầu tư được hưởng lợi gì từ Luật Đầu tư 2014? Chúng tôi ghi nhận một số qui định sau đây mà nhà đầu tư có thể hưởng lợi từ Luật Đầu tư 2014.
Thời gian Nhà nước chậm bàn giao đất không tính vào thời hạn hoạt động dự án
Trên thực tế các dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, thì thời gian Nhà nước bàn giao đất cho nhà đầu tư thường kéo dài rất lâu tính từ khi nhà đầu tư được cấp giấy chứng nhận đầu tư vì nhiều lý do như bồi thường giải phóng mặt bằng kéo dài, việc chấp thuận, phê duyệt chậm so với qui định pháp luật, do đó thời gian nhà đầu tư có thể thực tế bắt đầu triển khai được dự án, cũng thời gian được cấp trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thường ngắn hơn nhiều so với thời hạn dự án được qui định trong giấy chứng nhận đầu tư. Điều này rõ ràng gây thiệt hại cho các nhà đầu tư. Vì vậy, với qui định thời gian Nhà nước chậm bàn giao đất không tính vào thời hạn hoạt động của dự án đầu tư tại Điều 43 Luật Đầu tư 2014, các nhà đầu tư có thể đề nghị cơ quan nhà nước xem xét, tính toán lại thời gian hoạt động dự án, thời gian giao đất, cho thuê đất để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Xác định rõ cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy CNĐKĐT trong trường hợp dự án thực hiện trên địa bàn nhiều tỉnh, dự án thực hiện cả trong và ngoài khu công nghiệp
Điều 38 Luật đầu tư 2014 qui định rõ Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi nhà đầu tư đặt hoặc dự kiến đặt trụ sở chính hoặc văn phòng điều hành để thực hiện dự án có thẩm quyền tiếp nhận, cấp, điều chỉnh, thủ hồi giấy CNĐKĐT đối với dự án đầu tư thực hiện trên địa bản nhiều tỉnh hoặc thực hiện cả trong và ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế. Qui định này đã tháo gỡ được các vướng mắc của Luật Đầu tư 2005 về thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư trong thực tế thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất rơi vào các trường hợp như trên.
Nhà Đầu tư biết rõ được phép đầu tư kinh doanh những ngành, nghề gì
Quyền tự do kinh doanh đã được qui định từ Hiến pháp 1992, đến Hiến pháp 2013 tiếp tục được khẳng định làm rõ tại Điều 33 là “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Luật Đầu tư 2005 và Luật Doanh nghiệp 2005 cũng đều đã có các qui định về quyền tự do đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư, doanh nghiệp đối với các lĩnh vực và ngành, nghề mà pháp luật không cấm.
Tuy nhiên, các qui định hiện hành chưa rõ khi không thể đưa ra được cho nhà đầu tư các lĩnh vực và ngành, nghề cụ thể nào, bị cấm tại văn bản nào. Trên thực tế cả nhà đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước đều thật sự lúng túng khi áp dụng các qui định này.
Luật Đầu tư 2014 đã làm được hai việc: một là, thu hẹp các ngành, nghề bị cấm đầu tư kinh doanh; hai là, qui định rõ, cụ thể và tập trung các ngành, nghề bị cấm đầu tư kinh doanh. Điều 5 Luật Đầu tư 2014 qui định rõ: “Nhà đầu tư được quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà Luật này không cấm”. Điều 6 Luật Đầu tư 2014 cũng xác định rõ 6 hoạt động đầu tư kinh doanh bị cấm. Điều 4 và Điều 8 của Luật Đầu tư 2014 cũng khẳng định rõ, nếu có sự qui định khác nhau về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh giữa Luật Đầu tư 2014 với các luật khác thì áp dụng Luật Đầu tư 2014 và việc sửa đổi, bổ sung ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh phải do Quốc hội chấp thuận.
Như vậy, với Luật Đầu tư 2014 nhà đầu tư chỉ cần xem qui định của Điều 6 Luật Đầu tư 2014 là biết rõ được phép đầu tư kinh doanh vào các ngành, nghề nào không bị cấm đầu tư kinh doanh mà không cần phải xem các văn bản pháp luật khác.
Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện bị kiểm soát chặt chẽ
Luật Đầu tư 2005 chỉ qui định có 9 lĩnh vực đầu tư có điều kiện nhưng rất chung chung và lại có qui định theo kiểu bỏ ngỏ “Một số lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật”, còn Luật Doanh nghiệp 2005 thì không đưa ra danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện mà chỉ qui định chung là áp dụng theo pháp luật chuyên ngành. Thực tế hiện nay các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được qui định tại rất nhiều các văn bản pháp luật khác nhau ở các cấp độ từ luật, pháp lệnh, nghị định đến quyết định của Thủ tướng Chính phủ và có xu hướng ngày càng tăng, rất khó kiểm soát.
Trên cơ sở rà soát tất cả các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện qui định trong các văn bản pháp luật hiện hành, Luật Đầu tư 2014 đã thống nhất danh mục toàn bộ các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện gồm 267 ngành, nghề, được qui định cụ thể tại Điều 7 và Phụ Lục 4 Luật Đầu tư 2014. Việc sửa đổi, bổ sung danh mục này phải được Quốc hội chấp thuận.
Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện này được áp dụng chung cho cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Việc qui định điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các ngành, nghề thuộc danh mục này phải đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan, tiết kiệm thời gian, chi phí tuân thủ của nhà đầu tư, và chỉ được quy định tại các Luật, Pháp lệnh, Nghị định và Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Với Luật Đầu tư 2014 nhà đầu tư có thể yên tâm là danh mục các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện đã được kiểm soát chặt chẽ, rất khó có khả năng tăng thêm về số lượng.
Và các thay đổi khác như: Nhà đầu tư trong nước không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy CNĐKĐT; Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy CNĐKĐT; Bỏ quy trình thẩm tra cấp Giấy CNĐKĐT,…