Một buổi đào tạo chứng chỉ kinh doanh bất động sản do Công ty Viboss (Hà Nội) tổ chức. Ảnh: NGUYỄN CẢNH
Học chứng chỉ dễ như... thò tay vào túi
Nghị định 153/2007/NÐ-CP ngày 15-10-2007 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: "Bắt đầu từ ngày 1-1-2009, tất cả cá nhân, tổ chức tham gia vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản phải tham gia khóa đào tạo và được cấp giấy chứng nhận của đơn vị đào tạo về môi giới, định giá bất động sản, quản lý và điều hành sàn giao dịch bất động sản...". Trong thời kỳ bất động sản sôi động, nhiều người dân có nhu cầu đua nhau đăng ký đi học. Ðiều này trở thành "cơ hội" để một số công ty đào tạo hành nghề kinh doanh bất động sản "hốt bạc", trục lợi.
Công ty cổ phần Ðào tạo bất động sản G.L (quận Cầu Giấy, Hà Nội) niêm yết học phí 1,5 triệu đồng/khóa học đào tạo hành nghề kinh doanh bất động sản, nhưng khi hỏi thủ tục, nhân viên ở đây khẳng định, giá thực tế chỉ còn 1,2 triệu đồng cùng lời quảng cáo: Chứng chỉ do Sở Xây dựng Hà Nội cấp, nên anh cứ yên tâm về chất lượng đào tạo cũng như giá trị chứng chỉ người học sở hữu. Ngoài ra, chứng chỉ này còn có hiệu lực trên toàn quốc cho nên không phải lo lắng khi chuyển sang địa phương khác công tác. Hiện công ty đang đào tạo ba loại hình là môi giới, định giá và quản lý sàn bất động sản. Thông thường mỗi khóa học sẽ kéo dài trong thời gian hai tuần, nhưng đa phần học viên đều đăng ký học cả ba khóa, mức giá tiếp tục được giảm xuống còn ba triệu đồng, trong thời gian năm tuần.
Tương tự, Công ty cổ phần Ðầu tư thương mại và Dịch vụ V.B (quận Thanh Xuân, Hà Nội) lại có cách làm "độc" hơn rất nhiều về loại hình đào tạo, thi cấp chứng chỉ kinh doanh bất động sản. Theo đó, những ai đăng ký học từ ba người trở lên sẽ được nhân viên tới tận nhà giúp đỡ việc học tập chứ không phải lên lớp như bình thường. Ðối với những người đến đăng ký, trước khi khai giảng năm ngày, sẽ được hưởng "khuyến mại" đặc biệt về học phí và cơ hội học tập. Ai có nhu cầu học nhanh, công ty này chuyển tên vào lớp đang học để được cấp chứng chỉ sớm hơn thời hạn (?!)
Không chỉ dễ dãi trong việc đăng ký học, thi và cấp chứng chỉ môi giới bất động sản, trong quá trình tìm hiểu vấn đề, chúng tôi giật mình trước thông tin về việc lấy chứng chỉ được "tinh giản" đến mức tối đa. Trong vai một người đang cần gấp chứng chỉ hành nghề kinh doanh bất động sản, chúng tôi đề cập tới việc "mua đứt" chứng chỉ mà không cần phải học cho mất thời gian. Tuy nhiên, nhân viên tư vấn Công ty cổ phần Ðào tạo bất động sản G.L tư vấn: "Thật ra, quy trình cấp chứng chỉ rất nhanh nên anh không cần phải mua. Anh chỉ cần mang một bản phô-tô-cóp-pi chứng minh nhân dân, bốn ảnh 4 x 6 cm và đóng tiền học phí là xong. Nếu bận, anh không cần đến lớp vì công ty hoàn toàn tạo điều kiện. Nếu đăng ký học ngay từ bây giờ, lâu nhất chỉ khoảng 10 ngày tới nửa tháng là anh có chứng chỉ. Chúng tôi không có thẩm quyền cấp mà phải trình danh sách về Sở Xây dựng Hà Nội để duyệt. Vì thế, không cần phải vội vàng làm gì".
Chứng chỉ "ma"
Anh Nguyễn Tuấn (trú tại Thạch Thất, Hà Nội) cho biết, do mối quen biết giới thiệu, cách đây hơn một năm, anh tìm tới Công ty Ðào tạo bất động sản V.B đăng ký cả ba khóa học về môi giới bất động sản, định giá bất động sản và quản lý, điều hành sàn giao dịch bất động sản với học phí trọn gói hơn ba triệu đồng. Kết thúc khóa học, anh đến công ty nhận chứng chỉ tốt nghiệp thì nhận được câu trả lời chưa có, cùng với lời hẹn một thời gian sau quay lại sẽ có đầy đủ cả ba chứng chỉ. Do công việc phải đi công tác xa, gần một năm sau anh Tuấn quay trở lại lấy chứng chỉ thì nhân viên ở đây trả lời đã quá thời gian lâu, chứng chỉ không còn hiệu lực. Khi anh đòi chứng chỉ, nhân viên trả lời không có, khiến anh hết sức hoang mang, lo lắng vì bỗng chốc tiền bạc, công sức học tập của mình bỗng dưng bị đổ xuống sông, xuống biển. Cực chẳng đã, anh Tuấn yêu cầu lấy lại hồ sơ lưu tại công ty thì đại diện công ty này phớt lờ. "Tôi đã nhiều lần liên lạc với lãnh đạo công ty nhưng đều nhận được câu trả lời đã quá hạn, muốn được cấp phải nộp thêm vài trăm nghìn đồng cùng lời hướng dẫn đưa thêm một vài triệu đồng làm thủ tục để Sở Xây dựng cấp chứng chỉ hành nghề luôn thể. Tôi không thể chấp nhận kiểu làm ăn như vậy. Trước khi vào học, họ hứa hẹn này nọ, thậm chí còn quảng cáo là công ty uy tín, cầm chứng chỉ đào tạo của công ty cấp, có thể ra xin việc ở bất kỳ công ty, sàn giao dịch bất động sản nào nhưng bây giờ thì ngược lại. Chứng chỉ mình còn chẳng nhận được nói gì tới xin việc, hành nghề" - anh Tuấn bức xúc.
Cùng chung tâm trạng, chị Nguyễn Ngọc Vân (một học viên của Công ty V.B) khẳng định: "Nếu cơ quan quản lý không kiểm tra, giám sát những đơn vị được cấp phép hoạt động mà để họ làm ăn sai trái, ảnh hưởng đến quyền lợi của học viên, sẽ rất nguy hiểm. Mới đầu chỉ là một vài trường hợp, sau đó là cả một hệ thống, sẽ gây ra những hệ lụy khó lường, ảnh hưởng trật tự xã hội". Ðó là chưa kể tới chuyện, mỗi công ty chuyên về đào tạo môi giới bất động sản, học viên đóng học phí ba triệu đồng/3 môn, mỗi lớp đào tạo 70 đến 80 người, đủ thấy họ đã thu bộn tiền từ các học viên. Với cách thức đào tạo dàn trải, thời gian ngắn chỉ trong 2 đến 3 tuần/khóa học, rõ ràng một số công ty đào tạo hành nghề bất động sản đã kiếm tiền theo kiểu "sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi". Chưa nói đến chất lượng đào tạo, ngay cả giấy chứng nhận họ cũng không cấp phát cho học viên. Không lẽ cơ quan quản lý chuyên ngành không biết?!
Ðóng cửa là do thị trường?!
Theo Trưởng phòng Quản lý Nhà và Kinh doanh bất động sản (Sở Xây dựng Hà Nội) Nguyễn Trọng Hiền, các công ty chuyên đào tạo môi giới bất động sản chỉ có chức năng đào tạo và cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp cho mỗi học viên còn chứng chỉ hành nghề phải do Sở Xây dựng cấp. Hiện tại, không phát sinh mới số lượng chứng chỉ hành nghề cần cấp, Sở cũng đang xử lý, giải quyết những bất cập, hạn chế cũ. Các thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề hiện quá đơn giản khi chỉ cần người dân có giấy chứng nhận đã qua đào tạo, cộng với đơn có xác nhận của UBND phường, xã nơi người đó sinh sống, nộp hai ảnh 3 x 4 cm gửi về Sở Xây dựng, sẽ được Sở tiếp nhận, cấp cho người dân. Sắp tới, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi, bổ sung) được ban hành, vấn đề đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề sẽ được siết chặt, quản lý hiệu quả hơn. Liên quan một số công ty, trung tâm đào tạo môi giới "bỗng dưng" mất tích trên thị trường, Cục trưởng Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Hà khẳng định: "Từ năm 2010 đến nay, thị trường bất động sản gặp khó khăn, do đó nhu cầu tham gia các khóa học đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về môi giới, định giá bất động sản và quản lý, điều hành sàn giao dịch bất động sản giảm mạnh. Vì vậy, nhiều cơ sở đào tạo không có học viên, không tiếp tục tổ chức đào tạo cũng là điều hết sức bình thường của thị trường. Tuy nhiên, những học viên nào đã học tại các cơ sở đào tạo được Bộ Xây dựng cho phép mở các lớp đào tạo, thực hiện đúng các quy định của pháp luật nêu trên, vẫn được cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa học. Nếu có nhu cầu và đủ điều kiện cấp chứng chỉ, học viên nộp hồ sơ về Sở Xây dựng địa phương, Sở Xây dựng vẫn cấp chứng chỉ cho các học viên này.
Hiện tại, Bộ Xây dựng đã chấp thuận cho phép 89 cơ sở đào tạo được phép đào tạo bồi dưỡng kiến thức về môi giới, định giá bất động sản, quản lý điều hành sàn giao dịch bất động sản đủ điều kiện theo quy định của Quyết định 29/QÐ-BXD. Hằng năm, Bộ Xây dựng có văn bản yêu cầu và phối hợp các địa phương tiến hành thanh tra, kiểm tra việc đào tạo về môi giới, định giá bất động sản, quản lý điều hành sàn giao dịch bất động sản để kịp thời uốn nắn các cơ sở đào tạo chưa tuân thủ nghiêm chỉnh quy định của pháp luật để nâng cao chất lượng đào tạo.