01/05/2013 5:40 PM
Thói quen mua vàng tích trữ trong dân khó bỏ, vì vậy giải quyết bất ổn của thị trường cần các biện pháp mang tính dài hạn hơn.

Từ hơn 3.000 năm trước đây, nhân loại đã biết đến vàng qua các tính chất cơ lý, hóa đặc biệt của chúng. Vàng trở thành hàng hóa. Nhưng chẳng bao lâu sau đó, vượt trên mọi loại hàng hóa khác, vượt khỏi phạm vị của một dân tộc, một lục địa, vàng trở thành phương tiện thanh toán, cất trữ xuyên biên giới.

Tại Việt Nam, từ thời xa xưa và hưng thịnh nhất dưới các triều đại phong kiến, vàng được coi là bảo vật quốc gia. Qua nhiều năm chiến tranh, đặc biệt từ thế kỷ 19 đến nay, vàng trở thành tài sản cất giữ cho nhiều thế hệ trong các chế độ chính trị-xã hội khác nhau. Khái niệm vàng tiền tệ đã chi phối vàng hàng hóa cho dù thời hiện đại kim loại quý này được dùng khá nhiều trong công nghiệp điện tử, nha khoa và nữ trang.

Ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc VGB.

Theo dòng thời gian, vàng trở thành phương tiện trao đổi, định giá trực tiếp trong thập kỷ 80 của thế kỷ 20 khi nước ta chứng kiến lạm phát cao. Tới đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, hơn 50% giao dịch nhà đất được quy thành vàng miếng SJC.

Ở khu vực nông thôn, nhẫn vàng, khâu vàng là vật bất ly thân của các bà mẹ dành cho con gái khi về nhà chồng, hay của bà mẹ chồng dùng để đồi lấy đôi bông tai, cái lắc tay cho con dâu mới, hoặc chỉ là vài phân vàng của một anh nông dân chuẩn bị lấy vợ vùng xa. Có thể nói rằng, cuộc sống người Việt đã gắn khá chặt với kim loại quý này.

Số liệu của Hội đồng Vàng thế giới cho thấy nhu cầu đầu tư vàng vật chất (chưa kể nữ trang) của thế giới tăng mạnh từ 3,6 tỷ USD năm 2003 lên 76,6 tỷ USD năm 2011, nhưng đang có xu hướng giảm từ cuối 2012. Tính chung cả năm 2012, nhu cầu đầu tư vàng toàn cầu đạt 67,4 tỷ USD. Tại Việt Nam, nhu cầu đầu tư vàng đạt khoảng 87,8 tấn, tương đương 4,56 tỷ USD trong năm 2011. Con số của năm 2012 là 65,6 tấn. Nếu tính cả nữ trang, nhu cầu đầu tư vàng tại Việt Nam năm ngoái vào khoảng 77 tấn, tương đương 4,13 tỷ USD, giảm 24% so với 2011.

Kỳ Duyên

Hiện nay, chức năng thanh toán, định giá của vàng không còn nhưng bất chấp giá trong nước cao hơn thế giới 5-6 triệu đồng một lượng, cứ mỗi lần giá giảm xuống chút ít thì người dân lại đi mua vàng vào. Vậy tại sao tổ chức và cá nhân lại giữ vàng, họ giữ để làm gì luôn là câu hỏi lớn được nhiều người quan tâm.

Để lý giải cho động thái này có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là do lạm phát kinh niên của Việt Nam luôn ở mức cao. Hiện nay chỉ số lạm phát tại Việt Nam thường xuyên thuộc loại cao trong khu vực và trên thế giới. Có một số chu kỳ lãi suất thực âm.

Thứ hai, các sản phẩm tài chính khác để bảo toàn vốn như chứng khoán và các công cụ phái sinh chưa phát triển, thiếu minh bạch, lại chưa tiếp cận được khu vực nông thôn (vốn chiếm hơn 60% dân số và đang có thu nhập ổn định nhưng ít hiểu biết nhiều về các chỉ số tài chính). Ngược lại, chính khu vực nông thôn này nguồn cầu vàng vật chất tương đối lớn. Cuối cùng là truyền thống giữ vàng làm của, thừa kế, hồi môn của người dân vẫn còn tồn tại.

Cất trữ vàng là thói quen nhiều đời của người dân Việt Nam, bất kể người già hay trẻ, cứ có vàng trong nhà là thấy yên tâm. Theo thống kê không chính thức, ước tính 200-300 tấn vàng, tương đương vài chục tỷ USD đang được cất trữ trong dân. Cơ quan quản lý đã đưa ra nhiều chính sách để dần lập lại trật tự thị trường và từng bước chống vàng hóa nền kinh tế.

Tuy nhiên, nếu sử dụng quá nhiều các công cụ hành chính để điều tiết thị trường, với bất cứ hàng hóa nào cũng vậy, sẽ tạo sự bất an về minh bạch thông tin. Từ đó, thị trường bị méo mó và rất dễ gây tổn thương một bộ phận chủ thể vốn không thể tiếp cận thông tin.

Thực tế hiện nay, kinh doanh vàng vật chất (vàng miếng) vẫn đang hút lượng lớn của cải vật chất xã hội với hơn 12.000 doanh nghiệp (trước khi thực hiện NĐ 24/2012/CP). Kinh doanh vàng vật chất (tiền tệ) vốn không sinh lợi, đó chỉ là sự chuyển hóa giá trị (nếu lấy một đồng tiền nào đó định giá).

Ngoài ra, việc hơn 12.000 doanh nghiệp kinh doanh vàng trải rộng khắp cả nước từng phát sinh nhiều hệ lụy, mà vụ Lê Văn Luyện thảm sát tiệm vàng Bắc Giang là một ví dụ. Hơn nữa là vàng tiền tệ có giá trị quá lớn, dễ cất giữ, thanh khoản nhanh, lại được tự do lưu thông làm cho việc chống tham nhũng đã khó càng thêm khó.

Qua 12 phiên đấu thầu của Ngân hàng Nhà nước có hơn 13 tấn vàng miếng đưa vào lưu thông, có thể thấy nỗ lực chống vàng hóa rất khó khả thi. Cho dù rồi đây khi tất toán xong trạng thái âm vàng trước ngày 30 tháng 6, các tổ chức tín dụng, vốn là những người mua chính, sẽ đưa vàng trực tiếp ra thị trường thì kênh bán vẫn đang còn là một ẩn số.

Nếu như trước đây việc mua-bán vàng theo xu hướng giá thế giới thường dễ tạo cho mọi chủ thể cùng tham gia. Hiện nay do có quá ít chủ thể được kinh doanh theo Nghị định 24, các chủ thể này thường có tâm lý cố thủ, mua được bao nhiêu mới dám bán bấy nhiêu. Và như phản ứng dây chuyền, vàng trong dân bị găm giữ, các doanh nghiệp cũng cố thủ. Khi giá xuống đã tích cực mua vào (như hơn một tháng qua) đến khi vàng lên lực mua càng khủng khiếp. Và như một hệ quả, vàng cứ phải được bán từ Ngân hàng Nhà nước ra xã hội, ngoại tệ ngày càng ít đi, vàng trong xã hội ngày càng nhiều lên, không sinh lợi, tạo ra lãng phí lớn.

Ngoài ra, mức chênh lệch siêu lớn giữa thị trường trong nước và thế giới từ năm 2012 cho đến nay, có lúc gần 7 triệu đồng một lượng (trung tuần tháng 4/2013), có thể tạo cơ hội cho nhập lậu vàng. Số vàng này có thể được chuyển hóa thành nguyên liệu cho ngành sản xuất nữ trang và mua sắm đầu tư nhỏ, đặc biệt khu vực nông thôn. Không ai có thể phủ nhận mặt tích cực của Nghị định 24 khi Ngân hàng Nhà nước kiểm soát gia công vàng miếng tại Công ty SJC. Việc này đã chặn đứng tỷ giá USD chợ đen nhảy múa mỗi khi giá vàng chênh lệch cao. Nhưng cũng khó ai ước lượng được bao nhiêu tấn vàng nhập lậu đã và đang thay thế cho vàng SJC vốn quá đắt đỏ đối với các tổ chức, cá nhân muốn tìm nơi trú ẩn cho tài sản của họ.

Nhu cầu tích trữ của dân là có thật, nên để lập lại trật tự trên thị trường, trong ngắn hạn, cần có nhiều doanh nghiệp hơn nữa tham gia đấu thầu. Hơn nữa khi có nhiều đơn vị tham gia có khi sẽ có người bán cùng với Ngân hàng Nhà nước, chứ không phải chỉ có mua. Có như vậy, nguồn vàng mới thực sự đi ra thị trường và phát huy hiệu quả làm giảm nhiệt giá.

Trong trung và dài hạn, cơ quan quản lý cần hỗ trợ tập trung phát triển kinh doanh vàng nữ trang và tính tới chuyện mở sàn giao dịch vàng quốc gia. Hiện nay, vàng nữ trang là một nguồn thu ngoại tệ rất lớn của các nước như Thái Lan, Ấn Độ... Phát triển ngành vàng nữ trang tại Việt Nam sẽ tạo công ăn việc làm, phát huy lợi thế lao động rẻ kết hợp tận dụng các mỏ đá quý, bán quý hiện đang khai thác trong cả nước.

Việc xuất khẩu nữ trang nếu có chiến lược dài hạn sẽ góp phần tăng cung ngoại tệ một cách bài bản và giá trị gia tăng từ những đồng ngoại tệ này chắc chắn sẽ cao hơn nhiều khi xuất khẩu hàng may mặc, giày dép, đồ điện tử.

Bên cạnh đó, Nhà nước có thể nghiên cứu thành lập một sàn vàng quốc gia, bởi đây là một giải pháp có thể hạn chế được cơn sốt vàng vật chất. Khi có sàn vàng,́ tâm lý găm giữ do hạn chế cung như hiện nay sẽ biến mất, nhường chỗ cho những khẩu vị rủi ro khác nhau trên thị trường.

Trên sàn vàng quốc gia, vốn tiền, vàng trong dân vẫn sẽ nằm mãi trong hệ thống ngân hàng. Vì các tổ chức, cá nhân phải ký quỹ khi giao dịch. Khi đó, vài trăm tấn vàng như các chuyên gia dự báo trước kia dễ dàng chảy vào hệ thống ngân hàng vì người cầm giữ thấy không còn sinh lợi nữa.

Khi thành lập sàn vàng quốc gia có thể thu hút thêm kênh đầu tư nước ngoài gián tiếp. Các nhà đầu tư này sẽ dễ dàng bỏ thêm tiền vào Việt Nam một khi họ dễ dàng chuyển đổi tài sản đầu tư bằng đồng Việt Nam sang một loại ngoại tệ (vàng) khác trên cùng thị trường.

Khi không còn những miếng vàng có giá trị cao nằm vắt vẻo trong những tủ kính tại vùng xa, vùng sâu, tính phiêu lưu của những Lê Văn Luyện sẽ ít còn đất sống. Cuối cùng, một khi người dân và các tổ chức hờ hững với vàng miếng, hiện tượng vàng hóa, hiểu theo nghĩa đen cũng biến mất.

Với sàn vàng quốc gia được quản trị rủi ro tốt, Ngân hàng Nhà nước sẽ không phải bận tâm nhiều đến những lo toan vênh giá, không phải lo bán vàng một chiều, cũng không phải xuất nhiều ngoại tệ để nhập vàng. Quan trọng hơn nữa, sau 3 đến 5 năm, cơ quan này phải lo kho quỹ để cất giữ hàng trăm tấn vàng do dân gửi lại, vì không còn hiệu quả khi đã mua vàng trên sàn. Khi đó, bất chiến tự nhiên thành, của cải xã hội được tập trung, nguồn vàng này dư sức cho hệ thống ngân hàng đảm bảo việc rút của dân khi có nhu cầu hoặc ký quỹ lấy ngoại tệ phục vụ quốc kế dân sinh.

Khuyết tật của các sàn vàng trước kia như cạnh tranh hạ tỷ lệ ký quỹ (tăng tính chất cờ bạc), không đầu tư hệ thống kỹ càng (sập sàn vô tình hay cố ý) sẽ dễ dàng được khắc phục vì chỉ có một sân chơi chung, với một mức ký quỹ cao vừa phải. Mức ký quỹ này cũng sẽ rất linh động theo biến động của giá vàng thế giới theo từng thời kỳ. Ngoài ra, để loại hẳn tỷ giá khi ấn định giá vàng giao dịch, sàn vàng quốc gia chỉ cần ấn định một tỷ giá cố định theo một thời gian dài nhằm loại bớt ảnh hưởng tỷ giá trong việc tính toán giá quy đổi.

Ông Trần Thanh Hải - Tổng giám đốc Công ty CP Kinh doanh và Đầu tư vàng Việt Nam (VGB)

VnExpress
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.