27/05/2012 8:22 AM
Khó tìm đầu ra cho sản phẩm nhà đất, cộng thêm chi phí lãi vay quá cao, khiến doanh số và lợi nhuận của các "ông lớn" như Hoàng Anh Gia Lai, Quốc Cường Gia Lai, FLC... sụt giảm thê thảm.

Hàng loạt công ty bất động sản, xây dựng niêm yết đã công bố báo cáo tài chính quý I năm nay. Theo đó, nhiều "ông lớn" thông báo lợi nhuận sụt giảm mạnh.

Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) lợi nhuận sau thuế giảm 78%, Quốc Cường Gia Lai (QCG) và Tập đoàn Tân Tạo (ITA) cùng bị "ngót" tới 85-86%, Công ty phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) sụt 64% lợi nhuận khi chỉ báo lãi 18,6 tỷ đồng. Cùng kỳ, KBC lãi ròng 51,2 tỷ đồng.

Không thua lỗ nhưng nhiều "ông lớn" địa ốc kém vui khi báo lãi lợi nhuận sụt. Ảnh: Vũ Lê.

Với QCG, khoản lãi 3,84 tỷ đồng của quý I năm nay chỉ bằng một phần chín thành tích cùng kỳ năm ngoái (lãi 28,8 tỷ). Doanh thu thuần giảm 75% chủ yếu do hoạt động kinh doanh bất động sản sụt giảm mạnh. Do đó, lợi nhuận gộp quý I giảm hơn 12 tỷ đồng. Xét cơ cấu doanh thu, bất động sản, xây dựng quý I chỉ đem về tổng doanh thu là 40,8 tỷ đồng (giảm gần một nửa so với quý I/2011).

Tương tự, ITA chỉ lãi 4,76 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với con số 31 tỷ đồng đạt được cùng kỳ. Công ty này lý giải: "Doanh thu chính là từ kinh doanh bất động sản và các dịch vụ phụ trợ trong khu công nghiệp. Nhưng thị trường bất động sản tiếp tục ảm đạm, lãi suất cho vay quá cao khiến doanh thu giảm mạnh, kéo theo sự sụt giảm lợi nhuận tương ứng".

Theo các chuyên gia bất động sản, chi phí tài chính, áp lực lãi vay lớn là nguyên nhân khiến lợi nhuận các công ty lớn giảm. FLC, HAG là ví dụ.

Công ty cổ phần Tập đoàn FLC khi quý I lãi của doanh nghiệp này giảm tới 93% so với cùng kỳ với 203,7 triệu đồng tiền lãi (cùng kỳ năm ngoái lãi 2,89 tỷ đồng). Theo giải trình của FLC, nguyên nhân chủ yếu khiến lãi giảm mạnh là do chi phí tài chính tăng lên.

Cũng vì lý do này mà lợi nhuận sau thuế quý I của HAG giảm 78% khi chỉ đạt 78,5 tỷ đồng (cùng kỳ đạt 370 tỷ). Trong quý, không những doanh thu tài chính của công ty phố Núi giảm 95 tỷ mà chi phí tài chính lại tăng hơn 40 tỷ đồng.

Tỷ lệ sụt giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp địa ốc niêm yết trên sàn chứng khoán so với cùng kỳ năm 2011. Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý I.

Nhận xét về khó khăn trên, lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản nói: "Trong bối cảnh thị trường hiện nay, lãi giảm mấy chục phần trăm là bình thường, lợi nhuận chưa ăn vào vốn là còn may mắn. Công ty quy mô càng lớn thì càng 'chết' nhiều do họ có nhiều dự án lớn nên chi phí, áp lực lãi vay càng nặng".

Một điểm chung trên bảng cân đối tài sản của các công ty địa ốc quý này là lượng hàng tồn kho ngày một cao thêm.

Theo thống kê dựa trên báo cáo tài chính, hàng tồn kho của 26 công ty địa ốc niêm yết đã trên 36.000 tỷ đồng. Điển hình như QCG, theo phản ánh của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Như Loan, công ty còn tới 500 căn hộ, nợ vay khoảng 1.000 tỷ đồng và phải chịu áp lực lãi suất vay rất lớn.

Không chỉ vậy, lợi nhuận giảm mạnh còn do thị trường đóng băng, doanh số không tăng nhưng chi phí vẫn phải trả. Ông Phạm Thanh Hưng, Giám đốc Công ty bất động sản CenGroup phân tích: "Nhất là với các công ty quy mô lớn, chi phí quản lý doanh nghiệp còn đồ sộ hơn nữa. Có doanh nghiệp mỗi tháng bán được 1, 2 căn, chưa kể còn rất nhiều dự án khác đang xây". Theo một số lãnh đạo doanh nghiệp, đầu ra thị trường kém cũng khiến giá bán chiết khấu của họ bị cắt giảm nhiều hơn trước nên lợi nhuận đương nhiên giảm.

Dù sao tình hình của các đại gia nói trên vẫn còn khả quan hơn nhiều công ty bất động sản lớn hiện nay.

Công ty cổ phần Địa ốc Dầu khí (PVL) ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm 6,2 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái PVL cũng lỗ 5,2 tỷ. Tình cảnh của Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico - Mã chứng khoán: SJS) cũng không mấy vui vẻ. Quý I, SJS lỗ 3,5 tỷ đồng vì hoạt động bán hàng. Dù cả năm 2011, SJS lỗ 82 tỷ đồng nhưng quý I năm ngoái vẫn lãi 927 triệu đồng. Trong khi đó, quý này SJS chỉ may mắn thoát lỗ trong gang tấc nhờ khoản hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính.

Theo VnExpress
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.