Đấu tranh từ phí gửi xe
Hầu hết, cư dân và chủ đầu tư khi không đi đến tiếng nói chung đều xảy ra những vụ biểu tình nhỏ của cư dân nhằm phản đối những quy định thu phí trái ngược của người dân.
Mới đây, cư dân chung cư 16B Nguyễn Thái Học tọa lạc tại quận Hà Đông, Hà Nội ngày đã căng băng rôn, biểu ngữ tại tòa nhà phản đối chủ đầu tư về một số bất đồng chưa giải quyết thấu đáo.
Theo các cư dân ở đây, ban quản lý (BQL) tòa nhà thu các loại phí đều cao hơn, ít nhất cũng bằng mức "kịch trần" cho loại phí đó so với quy định của UBND TP.Hà Nội.
Cụ thể: phí gửi xe máy là 60.000 đồng/xe/tháng; phí trông giữ ô tô 1,8 triệu đồng/xe/tháng; phí dịch vụ quản lý sử dụng, vận hành tòa nhà 4000 đồng/m2. Sau nhiều lần kiến nghị, mới đây phí gửi xe máy mới giảm xuống còn 45.000 đồng/xe/tháng; phí dịch vụ trông giữ xe ô tô giảm xuống 1,5 triệu đồng/xe/tháng.
Tranh chấp về phí gửi xe, cư dân tại chung cư 16 B Nguyễn Thái Học, Hà Đông, HN đấu tranh phản đối |
Mức phí này vẫn cao hơn phí trông giữ xe ô tô tại chung cư ở một số khu đô thị trên địa bàn quận Hà Đông: Tại khu đô thị Văn Quán, giá trông giữ xe ô tô tại các chung cư chỉ giao động từ 800.000 đồng đến 1,1 triệu đồng/xe/tháng; khu đô thị Xa La 800.000 đồng/xe/tháng; phí dịch vụ quản lý sử dụng, vận hành tòa nhà tại các tòa chung cư trên địa bàn Hà Đông hiện nay bình quân 1500 - 2000 đồng/m2.
Chung cư 16B Nguyễn Thái Học nằm trên địa bàn phường Yết Kiêu, quận Hà Đông, Hà Nội được khởi công xây dựng từ tháng 9 năm 2008 do Cty TNHH MTV Duyên Hải làm chủ đầu tư.
Chung cư gồm 23 tầng nhà ở, 02 tầng sinh hoạt chung (nhà trẻ, khu dịch vụ công cộng, phòng y tế, …), 01 tầng hầm, 01 tầng bán hầm (tầng trệt) và tầng mái với 368 căn hộ. Cuối tháng 10 năm 2011, CC 16B Nguyễn Thái Học chính thức được bàn giao và đưa vào sử dụng. Tính đến nay, tòa CC này đã có gần 200 hộ chuyển đến sinh sống.
Đưa vào sử dụng gần 1 năm nay nhưng tại CC nay đã và đang xảy ra nhiều mâu thuẫn, tồn tại không được giải quyết triệt để, gây nên nhiều bức xúc cho cư dân.
Đến phí quản lý tòa nhà
Cuộc đấu tranh về việc thu phí vận hành và quản lý tòa nhà được xem là căng thẳng nhất đó là cuộc đấu tranh của cư dân sống tại tòa nhà chung cư hiện đại và cao cấp nhất Việt Nam Keangnam Landmark Tower – Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội.
Trong năm 2011, cư dân của Keangnam Landmark Tower liên tục đấu tranh chống lại công ty quản lý vì việc thu phí cắt cổ từ phí gửi xe cho đến phí vận hành tòa nhà với giá trên trời. Việc đấu tranh gay gắt dẫn đến việc chính quyền phải vào cuộc.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn đã ký văn bản yêu cầu Công ty TNHH một thành viên Keangnam- Vina (chủ đầu tư tòa nhà Keangnam tại xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm) dừng các hành động gây sức ép như cắt điện, nước, không mở cửa thang máy đối với người dân, đồng thời phải đảm bảo cung cấp đầy đủ các dịch vụ phục vụ sinh hoạt cho các hộ dân sinh sống trong tòa nhà.
Sở Xây dựng Hà Nội cũng yêu cầu chủ đầu tư tòa nhà Keangnam công khai toàn bộ các khoản thu chi, hạch toán giá dịch vụ nhà chung cư cho toàn bộ cư dân sinh sống tại tòa nhà để thỏa thuận giá dịch vụ theo đúng các quy định.
Cuối cùng, với sự can thiệp của chính quyền địa phương, Keangnam cũng tạm thời thu mức phí 4.000 đồng/m2/tháng nhưng với dịch vụ cũng tương ứng với mức phí đó, như chỉ bố trí 5 nhân viên vệ sinh quét dọn đối với 2 tòa nhà cao 48 tầng (quét dọn 1 lần/ngày); không cung cấp dịch vụ thu dọn vệ sinh tại nơi thu gom rác thải của từng tầng; không bố trí lễ tân và chỉ có duy nhất 2 chốt bảo vệ cho cả 2 tòa nhà lớn.
Tranh chấp tại Keangnam vẫn chưa đi đến hồi kết |
Đến ngày 27/3/2012, Công ty Keangnam lại bất ngờ làm đơn gửi UBND TP Hà Nội để… trả lại quyền quản lý chung cư cho chính quyền. Ông Ha Jong Suk - Tổng giám đốc công ty cho rằng, với mức phí mà thành phố quy định, công ty hiện đang quản lý tòa nhà là Chesnut Vina không thể vận hành tòa nhà, vì vậy họ xin rút khỏi việc điều hành tòa nhà và giao lại tòa nhà chung cư cho Hà Nội tìm đơn vị quản lý mới theo mức phí 4.000 đồng/m2/tháng, thậm chí sẵn lòng chuyển giao miễn phí công nghệ trong 2 tháng cho công ty được thành phố lựa chọn.
Trong khi đó, đại diện Sở Xây dựng thì bác bỏ đề nghị này bởi nó không có cơ sở pháp lý nào cho cả hai phía, cả phía trả và phía nhận.
Để hạn chế tranh chấp các mức phí quản lý chung cư tại Hà Nội, mới đây thành phố kiến nghị Bộ Xây dựng cho phép công bố đơn giá dịch vụ nhà chung cư thay cho việc ban hành giá trần hoặc khung giá trần dịch vụ nhà chung cư. Đơn giá này sẽ là cơ sở để các chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư, các hộ dân có thể tham khảo, thương thảo.
Với động thái mới từ UBND thành phố Hà Nội, chủ đầu tư các tòa chung cư có lẽ sẽ vui mừng ra mặt vì nguy cơ tranh chấp sẽ giảm đi đáng kể. Trong khi đó, đối với những tòa chung cư lâu nay đang tuân thủ quy định “tối đa 4.000 đồng” cũng có thể xem xét việc tăng phí trong thời gian tới.