20/04/2016 8:49 AM
Việc các dự án hạ tầng không làm theo đúng cốt nền chuẩn quốc gia 2.0 cộng với việc cấp phép xây dựng hiện nay không theo một quy chuẩn cốt nền nhất định đã khiến việc xây dựng nhà cửa của người dân tại TP.HCM luôn trong tình trạng mới xây đã phải nâng nền chống ngập, trở thành hang chuột khi đường nâng cấp.
Chưa có cốt nền chuẩn nên nhà dân xây dựng 'khập khiễng' - Ảnh: Đình Sơn
Nhà cao hơn đường 1 m cho chắc ăn
Năm 2014, chị Liên mua một miếng đất rộng khoảng 70 m2 trên đường Lê Văn Lương, ấp 3, xã Nhơn Đức, H.Nhà Bè để xây nhà. Lấy mặt đường Lê Văn Lương làm chuẩn, chị xây cao hơn khoảng 40 cm. Thế nhưng khi triều cường, mép nước chỉ còn cách nền nhà khoảng 20 cm. “Tôi không hiểu vì sao tôi đã làm nền nhà cao hơn đường mà vẫn còn quá thấp. Kiểu này thì chỉ sau 1 - 2 mùa mưa nữa chắc nhà tôi sẽ bị ngập và phải nâng nền”, chị Liên cho hay. Không chỉ riêng chị Liên, rất nhiều hộ dân khác cũng đã “ôm hận” khi căn cứ vào mặt tiền đường chính để làm nền nhà.
Khu tái định cư xã Phước Kiển (H.Nhà Bè) hiện nay đang bước vào giai đoạn giao nền nên hạ tầng đã khá chỉn chu. Nhưng bất cập xảy ra là không có một cốt nền chuẩn để căn vào đó người dân làm nhà khiến xảy ra tình trạng nền nhà cao nhà thấp, nhấp nhô.
Anh Tuân, người xây nhà đầu tiên tại khu vực này, khuyến cáo những hộ làm nhà sau nên xây nền nhà cao hơn mặt đường nhựa chính trong khu dân cư ít nhất khoảng 40 cm bởi mặt đường nhựa rất thấp, có thể ngập nếu gặp triều cường lớn. “Nhà tôi xây đầu tiên chưa có kinh nghiệm nên chỉ xây nền nhà cao bằng mặt tiền đường giờ hối hận không kịp. Nếu triều cường lớn cộng mưa có thể nhà sẽ bị ngập và khi đó việc nâng nền sẽ tốn kém và phiền phức”, anh Tuân cho hay.
Nhiều gia đình xây nhà tại khu dân cư này đang rất bối rối vì không biết phải căn cứ vào đâu để làm nền nhà cho hợp lý. “Đất tái định cư nên không phải xin phép xây dựng, không phải xây nhà theo mẫu, chỉ cần có lệnh khởi công, chừa trước 3 m, sau 2 m và không vượt quá chiều cao quy định là được. Chính vì vậy, người dân khi xây nhà không biết căn vào đâu để làm móng cho chuẩn. Để chắc ăn, nhà tôi làm cao hơn mặt đường khoảng 1 m”, anh Hiệu, một hộ dân đang làm nhà tại đây, lo lắng.
Ông Nguyễn Đình Triệu, một nhà thầu xây dựng lâu năm, cho biết khi xây nhà người dân thường căn theo đường chính rồi làm cao hơn vì ở các quận, huyện vùng ven khi cấp phép xây dựng không có cốt nền. Nhưng thực tế không phải nhà nào làm cao hơn đường cũng ổn. Hầu hết các con đường tại P.18, Q.Tân Phú trước đó đã có đường nhựa, người dân căn vào đó làm nhà cao hơn đường nhưng hiện nay hầu hết các con đường nhựa đều nâng lên, có con đường nâng lên cả mét nên nhà nào cũng thấp hơn mặt đường. “Cốt nền cũng tầm bậy lắm. Như ở một số khu vực tại Q.11 trong giấy phép xây dựng cho nền nhà cao hơn mặt đường 20 cm, nhưng mỗi lần mưa nước dâng lên hơn 30 cm, gây ngập nhà dân”, ông Triệu cho hay.
Xây nhà tham khảo... triều cường
Thông tin từ Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM cho biết trong xây dựng, mỗi lưu vực có một cốt nền khống chế khác nhau, nhưng đều không thể thấp hơn 2 m. Cốt khống chế này được thể hiện trong quy hoạch chi tiết xây dựng của mỗi quận, huyện đã được phê duyệt, mọi công trình xây dựng đều phải tuân theo cốt khống chế này và do chính quyền địa phương quản lý, kiểm soát.
Lãnh đạo phòng quản lý đô thị một địa phương cũng thừa nhận hiện nay trên địa bàn quận đã có cắm một số mốc cốt nền 2.0. Tuy nhiên, các mốc cao độ này nằm rải rác một số nơi chưa thể dẫn về hết các khu dân cư. Trong khi đó, các dự án hạ tầng hiện nay hầu hết làm chưa đúng cao độ 2.0 nên việc cấp phép xây dựng dựa trên nền đường hiện hữu là chưa chính xác.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng từ thời mở cửa đến nay TP xây dựng nhiều nhưng chưa có cốt nền chuẩn, khiến quy hoạch đô thị và quy hoạch giao thông chưa khớp với nhau. Tình trạng phá vỡ quy hoạch cốt nền đã gây khó khăn cho người dân khi xây nhà. “Khi cấp phép xây dựng, chính quyền địa phương thường căn cứ vào mặt đường hiện hữu để cấp phép, người dân muốn làm khác cũng không được dù biết rằng với cốt nền đó nhà họ có thể bị ngập. Trong khi đó, đa số các con đường trên địa bàn TP hiện nay chưa được xây dựng theo cốt nền chuẩn quốc gia. Vì vậy, khi những con đường này được nâng cấp thì nhà dân đã thấp hơn mặt đường rất nhiều. Thậm chí việc cấp cốt nền sai dẫn đến người dân xây nhà quá thấp so với mực nước biển dâng, triều cường đã khiến nhà dân bị ngập”, kiến trúc sư Sơn cho hay.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, hiện nay vẫn chưa hình thành được lưới cốt nền phủ kín TP. Khi cấp phép xây dựng, cơ quan chức năng dựa trên cốt nền đường hiện hữu. Nhưng đường hiện hữu trong quá trình xây dựng không làm đúng cốt nền chuẩn hoặc do đường bị lún thì cốt nền không còn chuẩn nữa. “Trong lúc cốt nền còn chưa phủ kín thì tốt nhất người dân khi đi mua nhà hay xây nhà hãy tham khảo xem mùa mưa và triều cường ngập tới đâu thì căn vào đó làm nhà là chính xác nhất”, ông Châu khuyến cáo.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng quy hoạch cốt nền có hai phần là hiện hữu và tương lai. Các địa phương khi cấp phép xây dựng phải căn vào cốt nền tương lai để khi nhà nước cải tạo đường người dân không bị động, không phải sửa đi sửa lại.
Đình Sơn (Thanh niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.