Nhiều tỉnh miền Trung xin chuyển đất rừng tự nhiên sang dự án, Bộ NN&PTNT khuyến cáo ảnh hưởng phòng chống thiên tai.

Chuyển đất rừng tự nhiên thành khu nghỉ dưỡng tại Đà Lạt (Ảnh minh hoạ).

Mập mờ thông tin xin chuyển đổi đất rừng

Theo nguồn tin của PV Báo Giao thông, mới đây, hàng loạt các tỉnh miền Trung xin chuyển đổi đất rừng sang dự án. Cụ thể:

Ngày 30/10, Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh Ninh Bình có tờ trình gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đề nghị chuyển mục đích sử dụng 38,17 ha rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng phòng hộ để thực hiện dự án đầu tư công trình khai thác mỏ đá vôi. Mục đích của hoạt động này là để làm nguyên liệu sản xuất xi măng cho dây chuyền 2 nhà máy xi măng Duyên Hà.

Tương tự, ngày 26/10, UBND tỉnh Quảng Nam có tờ trình xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng tự nhiên để thực hiện dự án đường giao thông đến vùng phát triển Sâm Ngọc Linh, tuyến Măng Lùng - Đăk Lây, huyện Nam Trà My. Tuy nhiên tỉnh này chưa làm rõ số điện tích, khu vực rừng bị phá.

Tiếp đến là UBND tỉnh Bình Thuận "đệ đơn" xin chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang thực hiện dự án Nhà máy điện gió Hoà Thắng 1.2 và đường dây đấu nối 110kv.

Đáng chú ý, văn bản này của tỉnh Bình Thuận có nhiều nội dung bất nhất. Cụ thể: Trong các văn bản của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên..., dự án có tên là "Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2". Chính phủ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) tỉnh Bình Thuận, trong đó, phân bổ chỉ tiêu cho dự án diện tích 60ha tại huyện Bắc Bình.

Tuy nhiên, trong tờ trình của tỉnh Bình Thuận, dự án được "cài cắm" thêm câu từ trở thành tên một dự án mới: "Dự án Nhà máy điện gió Hoà Thắng 1.2 và đường dây đấu nối 110KV".

Không những thế, nhiều phần diện tích rừng không được trình bày mục đích sử dụng rõ ràng. Cụ thể, tờ trình của Tỉnh Bình thuận nêu quy mô sử dụng 45,41ha; Tuy nhiên, trong tờ trình mới nói đến 28,52ha rừng tự nhiên (bao gồm: 23,62 ha quy hoạch rừng phòng hộ, 4,91ha quy hoạch rừng sản xuất); Phần diện tích còn lại chưa có thông tin cụ thể và chưa đồng nhất với diện tích nêu trong báo cáo kết quả điều tra, đánh giá hiện trạng rừng nằm trong Nhà máy Điện gió Hoà Thắng 1.2 và đường dây đấu nối 110kV.

Đồng thời, bản đồ hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp công trình Nhà máy điện gió Hoà Thắng 1,2 và đường dây nối 110kV, tỷ lệ 1:2000 kèm hồ sơ dự án không thể hiện thời điểm lập bản đồ hiện trạng rừng.

Trước đó, Báo Giao thông cũng đã đưa tin, Công ty Cổ phần Đầu tư du lịch sinh thái Lilama 18 (Lilama 18) xin chuyển đổi đất rừng tự nhiên tại phường Ninh Hải, Tĩnh Gia, Thanh Hoá để thực hiện dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái bốn mùa cao cấp.

Cẩn trọng xin chuyển đổi rừng tự nhiên

Trong văn bản trả lời các tờ trình trên, Bộ NN&PTNT dẫn nhiều nội dung văn bản về quy định bảo vệ, phát triển rừng. Đồng thời khuyến cáo, tình trạng biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai diễn ra ngày càng phổ biến, gây ra lũ lụt, sạt lở đất nghiêm trọng ở một số địa phương, cướp đi sinh mạng của nhiều người.

Dù chưa có kết quả chính thức về nguyên nhân, nhưng dư luận, các chuyên gia đang đặt vấn đề: Có ảnh hưởng của việc giảm diện tích rừng tự nhiên do chuyển mục đích sử dụng để thực hiện các dự án khu vực miền núi. Cụ thể, đã làm thay đổi đặc tính tự nhiên, tính bền vững của tự nhiên, nơi có địa chất yếu, nằm trong đứt gãy địa chất, đứt gãy phong hoá tạo ra độ gắn kết rất thấp, địa hình đồi núi có độ dốc lớn, chia cắt phức tạp. Do vậy, Bộ NN&PTNT khuyến cáo các tỉnh nên cẩn trọng trong việc chuyển đổi đất rừng.

Đối với dự án Nhà máy Điện gió Hoà Thắng 1.2 và đường dây đấu nối 110kV của tỉnh Bình Thuận, Bộ NN&PTNT cho biết, tờ trình chưa đủ điều kiện xem xét, thẩm định trình Thủ tướng chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác.

Riêng đối với tờ trình xin chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án đầu tư công trình khai thác mỏ đá vôi của tỉnh Ninh Bình, Bộ NN&PTNT khẳng định không đúng với tiêu chí xác định dự án được chuyển mục đích sử dụng từng tự nhiên sang mục đích khác.

Trước đó chia sẻ trên báo chí, Giáo sư Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, rừng tự nhiên là “lá chắn” để giữ nước, giữ đất, giữ môi trường vì có tán cây, các lớp cây khác nhau, có thảm mục, hệ rễ sâu (chiều cao cây như nào rễ sâu như thế). Còn rừng trồng chỉ có tác dụng bằng 1/5 rừng tự nhiên.

Ông Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, ở sườn dốc, bộ rễ làm cho sườn dốc khỏe hơn, ổn định hơn, từ đó gia cố yếu tố kháng trượt.

Nam Việt (Báo Giao thông)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.