Chiều 5-2, việc nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) vẫn được tiến hành, gây khó khăn cho người tham gia giao thông. Ảnh: Đức Trung
Nơi dọn dẹp, nơi bầy hầy
Ghi nhận trên tuyến đường Phạm Thế Hiển (đoạn qua các phường 4, 5, 6 của quận 8, đang triển khai Dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ giai đoạn 2), các lô cốt chắn đường hầu hết đã được dọn đi, trả lại mặt bằng cho người tham gia giao thông. Các cửa hiệu, quán ăn vì thế đã nhộn nhịp hơn trước. Trên các tuyến đường Nguyễn Duy Trinh, Trần Não (đoạn gần nút giao với Lương Định Của, TP Thủ Đức), các công trình đào đường đã được chủ đầu tư, đơn vị thi công thảm nhựa tái lập mặt đường bằng phẳng, thu gọn rào chắn.
Trong khi đó, tại quận Bình Thạnh, từ tháng 11-2019, nhiều rào chắn, lô cốt đã được dựng lên trên đường Nguyễn Hữu Cảnh để phục vụ cho dự án nâng cấp, sửa chữa tuyến đường này. Hơn một năm triển khai, đến nay dự án vẫn ì ạch khi chỉ mới đạt chừng 70% tiến độ. Chiều ngày 5-2 (24 tháng Chạp), tại vị trí gần nút giao thông Điện Biên Phủ - Nguyễn Hữu Cảnh, nhiều đống cát, đá vẫn được đơn vị thi công đổ đầy trên mặt đường, nhiều phương tiện máy móc, cơ giới vẫn đang hoạt động trên công trường, các tấm tôn vẫn giăng đầy trên đường Nguyễn Hữu Cảnh gây trở ngại cho người và phương tiện giao thông. Ông Đinh Thế Tục, người dân sống trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (phường 22, quận Bình Thạnh) bức xúc: “Giờ này bà con dọn dẹp nhà cửa, lau chùi bàn thờ để chuẩn bị cúng kiếng, vậy mà công trường thi công tung bụi mù trời. Chúng tôi cũng không biết lực lượng thi công làm việc đến ngày nào mới nghỉ”.
Tương tự, đoạn đường Điện Biên Phủ (từ khu vực nhà hàng Tân Cảng đến ngã ba gần chợ Văn Thánh, phường 25, quận Bình Thạnh), công trường thi công với đá dăm lởm chởm, bụi bay mù mịt, những hố ga nhô lên cao hơn mặt đường rất nguy hiểm cho người đi đường. Còn đoạn đường Điện Biên Phủ (từ chân cầu Văn Thánh đến số nhà 566 Điện Biên Phủ, phường 22, quận Bình Thạnh), công trường cũng đã ngưng thi công nhưng đơn vị chỉ rào chắn sơ sài và không san lấp, thảm nhựa trả lại mặt đường gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh buôn bán của các hộ dân và nguy hiểm cho người đi đường.
Tại nút giao Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh (quận 1) cũng “sừng sững” lô cốt, rào chắn từ công trình xây dựng cầu Thủ Thiêm 2. Tính đến tháng 1-2021, dự án đã hoàn thành hơn 70% khối lượng công trình nhưng do thiếu vốn và vướng giải tỏa mặt bằng nên vẫn dở dang. Còn tại khu vực công trường thi công nút giao Mỹ Thủy, mở rộng đường Đồng Văn Cống (TP Thủ Đức), hiện tại tạm ngưng thi công nhưng theo quan sát, đoạn đường dẫn từ chân cầu Mỹ Thủy 3 đến nút giao giữa ngã ba Đồng Văn Cống và Nguyễn Thị Định, đất đá chất từng đống và 2 bên không được rào chắn bằng tôn, rất mất an toàn.
Cách đó không xa, trên tuyến đường Đồng Văn Cống (đoạn từ nút giao với đường Phan Văn Đáng đến đường Đặng Như Mai, TP Thủ Đức) dài khoảng 200m thuộc dự án mở rộng đường Đồng Văn Cống, đơn vị thi công đào nền đường, rải đá dăm và chỉ kéo dây cảnh báo người đi đường mà không hề rào chắn. Còn trên đường Lương Định Của (đoạn từ Mai Chí Thọ đến trụ sở UBND phường An Phú, TP Thủ Đức), hệ thống rào chắn trông rất nhếch nhác, mặt đường không được vệ sinh, gây mất mỹ quan đô thị.
Phải xử lý các trường hợp không chấp hành
Nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị và an toàn giao thông tại các vị trí rào chắn thi công trong dịp Tết Tân Sửu, mới đây, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM Võ Khánh Hưng đã yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương triển khai công tác đảm bảo mỹ quan đô thị tại vị trí các rào chắn trước tết. Đặc biệt là đối với các công trình có tồn tại rào chắn như tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên; cầu Thủ Thiêm 2; đường Nguyễn Hữu Cảnh; đường Lương Định Của (đoạn từ Trần Não đến Nguyễn Thị Định); gói thầu G - Dự án Cải thiện môi trường nước TPHCM - giai đoạn 2; xây dựng hệ thống thoát nước chung cấp 2, cấp 3 thuộc lưu vực 1 dự án Vệ sinh môi trường thành phố - giai đoạn 2.
Đối với các vị trí rào chắn được tồn tại trong dịp tết, đảm bảo tuyệt đối an toàn giao thông, an toàn điện… thu gọn hàng rào công trường theo đúng kích thước cho phép; sửa chữa, thay thế hàng rào, đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị, không được rào chắn chỉ để tập kết vật tư theo quy định về thi công công trình thiết yếu trên phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; không làm ảnh hưởng đến việc đi lại và sinh hoạt của người dân dịp tết. Đối với các vị trí rào chắn tháo dỡ trước ngày 4-2 (23 tháng Chạp), dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ khu vực công trường, tái lập các đoạn đường đang thi công đảm bảo an toàn, mỹ quan.
Tuy nhiên, với thực tế ghi nhận nêu trên, lãnh đạo Sở GTVT TPHCM cần khẩn trương cho kiểm tra, xử lý nhằm đảo bảo an toàn giao thông, thông thoáng cho người dân khi tết đang cận kề.
-
Dự án 10.000 tỉ ngừng thi công, mỗi ngày thiệt hại hơn 1,5 tỉ
Chỉ riêng việc thi công, chi phí phát sinh do ngừng thi công của các nhà thầu từ giữa tháng 11 đến giữa tháng 12-2020 là hơn 18 tỉ đồng.