Tại buổi đào tạo, bà Nguyễn Thị Minh Thơ - Cục Phòng, chống rửa tiền cho biết, lĩnh vực bất động sản có nguy cơ rửa tiền cao, mức độ dễ bị tổn thương về rửa tiền là trung bình, mức độ rủi ro rửa tiền là trung bình cao.
Giới chuyên gia cho rằng, sở dĩ bất động sản có nguy cơ rửa tiền là cao bởi đây là lĩnh vực thu hút nhiều nguồn tiền đầu tư có giá trị lớn, các giao dịch lại thường bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản và không thông qua sàn giao dịch bất động sản.
Theo Cục trưởng Cục phòng chống rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Ngọc, tác hại của rửa tiền là làm gia tăng tội phạm và tham nhũng, giảm uy tín và đầu tư nước ngoài, làm suy yếu các định chế tài chính của quốc gia và làm tổn thương khu vực tư nhân và nền kinh tế đất nước.
Ảnh minh hoạ.
Ông Ngọc nêu lên sự giống, khác nhau giữa rửa tiền và tài trợ khủng bố. Theo đó, sự giống nhau của 2 loại tội phạm này là ở những thủ đoạn được sử dụng và đều là hành vi bất hợp pháp. Tuy nhiên, chúng khác nhau về động cơ, nguồn gốc tiền và tài sản, khối lượng giao dịch, lĩnh vực bị lạm dụng, hướng đích đến của tiền.
Vị này nhấn mạnh, đối tượng báo cáo phải giám sát đặc biệt đối với các giao dịch: Giao dịch với giá trị lớn bất thường hoặc phức tạp; Giao dịch với tổ chức, cá nhân tại quốc gia, vùng lãnh thổ nằm trong danh sách do Lực lượng đặc nhiệm tài chính công bố nhằm chống rửa tiền hoặc danh sách cảnh báo.
Bên cạnh đó, đối tượng báo cáo phải kiểm tra cơ sở pháp lý và mục đích của giao dịch; trường hợp có nghi ngờ về tính trung thực, mục đích của giao dịch, đối tượng báo cáo phải lập báo cáo về giao dịch đáng ngờ gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và có thể từ chối giao dịch đó.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh - Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống rửa tiền giao Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Thanh tra Bộ Xây dựng phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng, chống rửa tiền - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, đảm bảo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản.
-
Chính phủ UAE thông qua một điều luật mới về chống rửa tiền
Ngày 30/10, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã thông qua một điều luật mới về chống rửa tiền và hỗ trợ tài chính cho các hoạt động khủng bố, một bước đi nhằm đưa luật pháp nước này đến gần hơn các tiêu chuẩn quốc tế về xóa bỏ và ngăn chặn các dòng tiền phi pháp.