Cả hai vợ chồng chị Hồng ở Thanh Xuân, Đống Đa, Hà Nội đều làm nhân viên văn phòng với mức thu nhập 24 triệu đồng/tháng. Anh chị cưới nhau năm 2016, hiện có một em bé 3 tuổi. Chị Hồng cho biết, sau cưới vợ chồng chị được nhà nội cho một căn chung cư rộng 80 m2 nên không phải lo lắng về chỗ ở, vợ chồng chỉ việc tập trung làm ăn.
"Thu nhập 24 triệu đồng/tháng, tuy nhà cửa đã có nhưng con mình hay ốm, nội ngoại đôi bên đều nhiều, bạn bè đông nên chi tiêu hàng tháng của vợ chồng mình rất tốn. Tính ra một tháng, trừ mọi chi phí mình chỉ để ra được 3-4 triệu đồng tích lũy. Tháng nào con ốm nhiều thì ví nhẵn ví", chị Hồng kể.
Vì kinh tế eo hẹp, vợ chồng chị Hồng cũng luôn tìm cách kiếm thêm thu nhập. Ngoài công việc văn phòng, chị Hồng còn gom thực phẩm, hoa quả sạch dưới quê lên bán online, mỗi tháng kiếm thêm được 3-4 triệu đồng để lo bỉm sữa cho con.
Mảnh đất dịch vụ vợ chồng chị Hồng mua mãi không bán được, khiến anh chị nợ nần chồng chất (Ảnh minh họa).
Năm 2019, chị Hồng được anh trai rủ chung vốn mua một mảnh đất dịch vụ để sinh lời với giá 1,2 tỷ đồng. Vợ chồng chị dồn hết tiền cưới với tiền tiết kiệm được 400 triệu đồng, góp tiền mua chung với anh. May mắn, 3 tháng sau mảnh đất đó bán được 1,5 tỷ đồng, chị được anh trai chia cho 100 triệu đồng.
Nhìn thấy lợi nhuận từ việc kinh doanh đất, vợ chồng chị Hồng bắt đầu chú ý quan sát, tìm hiểu và đầu tư vào lĩnh vực này: "Vì chưa có vốn nên thi thoảng anh trai rủ mình lại chung vốn làm ăn cùng anh ấy rồi chia phần trăm lợi nhuận. Lần lời nhiều lần lời ít, nhưng chưa lần nào lỗ nên cả mình với chồng đều say đầu tư bất động sản".
Cuối năm 2020, vợ chồng chị Hồng tìm được hai mảnh đất dịch vụ rất đẹp, mỗi mảnh rộng 45 m2, mặt tiền rộng 3,5 m với giá 1,5 tỷ đồng/mảnh. Thấy hai mảnh đất có triển vọng, chị Hồng bàn với chồng bán nhà để mua.
"Khi ấy, vợ chồng mình chỉ có 600 triệu đồng, bán nhà được 1,4 tỷ đồng còn 1 tỷ đồng mình vay ngân hàng để lấy hai mảnh đất. Theo lời tư vấn của những người có kinh nghiệm nhiều năm về kinh doanh bất động sản như anh trai mình, thời điểm đó đất đang sốt, hai mảnh mình mua chỉ để trong vòng 2-3 tháng có thể sẽ tăng lên 1,7-1,8 tỷ đồng/mảnh. Mình tính khi đó mình sẽ bán sang tay rồi mua lại một căn hộ có giá trị tương đương với căn cũ, tranh thủ nguồn tiền vay của ngân hàng để lấy vốn làm ăn tiếp", chị cho hay.
Tuy nhiên, người phụ nữ này nói rằng sau khi mua hai mảnh đất, mọi việc lại không diễn ra được theo đúng dự tính.
"Thời điểm đầu, vợ chồng mình rao bán hai mảnh đất với giá 1,8 tỷ đồng một mảnh nhưng trong suốt 3 tháng không gặp được khách. Sau đó, vợ chồng mình để giá xuống 1,5 tỷ đồng vẫn không có ai mua. Thị trường đất sốt ảo, chỗ nào cũng nói giá đất tăng chóng mặt nhưng hai mảnh của mình thì nằm im" - chị Hồng nói.
Chị Hồng chia sẻ, đất không bán được, tiền vay ngân hàng mỗi tháng anh chị đều đặn phải trả cả gốc lẫn lãi là 24 triệu đồng. Trong khi đó, nhà đã bán, vợ chồng phải đi thuê trọ khiến anh chị quay cuồng lo tiền tới mất ăn mất ngủ.
"Nguyên tiền lương của hai vợ chồng chỉ đủ trả nợ ngân hàng. Để giảm tải chi tiêu, hai đứa phải đưa con về ở nhờ nhà bố mẹ chồng. Cũng may ông bà có điều kiện, hỗ trợ rất nhiều nếu không mình không biết xoay xở ra sao. Khi nào bán được đất, thu hồi vốn trả nợ ngân hàng xong mình mới nhẹ lòng được. Cũng tại vợ chồng mình liều, không tính toán kỹ mới tự đẩy mình vào cảnh này" - chị Hồng nói.
-
Nhà đầu tư "nếm trái đắng" vì dịch bệnh, hết thời "lướt sóng" nhặt tiền
Một số nhà đầu tư bất động sản thường muốn "lướt sóng" nhà đất để thu lợi nhuận nhanh chóng. Thế nhưng, dịch bệnh đã khiến mọi kế hoạch bị phá sản.