03/10/2013 5:04 PM
Gần 300 khách hàng đã nộp tiền mua căn hộ cho Cty MTV có yên tâm khi Cty Housing đưa ra lời tuyên bố kéo họ về “đội” của mình, để làm việc hào phóng là “gánh trách nhiệm” cho Cty MTV? Có dám về “đội” Housing không? Dám không?

Đang phối hợp với CQĐT

Đó là câu trả lời của đại diện Cty Housing sau khi thông tin nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Cty MTV Nguyễn Văn Tuẫn bị bắt được công bố. Vị đại diện này cho biết, ông Tuẫn bị bắt giam nên UBND TP Hà Nội đã giao toàn bộ dự án cho phía Housing giải quyết và thực hiện tiếp, phía Cty Housing sẽ tiếp nhận gần 300 khách hàng của Cty MTV để thực hiện tiếp hợp đồng. Với những khó khăn trước mắt, UBND TP Hà Nội sẽ tạo điều kiện bảo lãnh cho phía Cty Housing vay vốn để thực hiện dự án, khoanh nợ tiền đất, đổi lại sau khi dự án được thực hiện, chủ đầu tư phải chấp thuận để 300 căn hộ chung cư tái định cư cho TP phục vụ cho việc giải tỏa cho dự án tây Hồ Tây.

Về số tiền ông Tuẫn huy động từ phía khách hàng, đại diện Cty Housing cho hay, phía Cty này không nắm được số tiền đó được chuyển đi đâu(?!). Theo một số cá nhân thì số tiền 100 tỷ đồng mà Cty MTV thu của khách hàng đã được chuyển cho một Cty sân sau của MTV để đặt mua thép xây dựng. Tuy nhiên tính đến thời điểm hiện tại, không hề có thép được chuyển về dự án để xây dựng. Bên cạnh đó, phía Cty Housing cũng đã chuyển cho Cty MTV số tiền là 46 tỷ đồng để có thể nhận được quyền kinh doanh tại dự án, hiện tại số tiền này cũng không được giải trình.

Tuy nhiên, đó chỉ là câu trả lời mang tính chất “té nước theo mưa” của đại diện Cty Housing. Với số tiền huy động khổng lồ của gần 500 khách hàng từ Cty Housing và gần 300 khách hàng từ Cty MTV, thông thường đối với các liên danh bất động sản, thì hai Cty MTV và Cty Housing phải liên hệ với nhau rất chặt chẽ bằng các cuộc họp thường xuyên để bàn bạc, đưa ra các phương án kinh doanh, đầu tư triển khai dự án, không thể chỉ có một bên thực hiện dự án, còn bên kia án binh bất động. Bằng chứng là ngay cả các căn hộ mà phía Cty Housing huy động vốn góp của khách hàng, hiện tại vẫn chưa được hoàn thành như cam kết, khu đất vẫn bị bỏ hoang, các khách hàng vẫn trong tình trạng “dở khóc dở mếu”.

Việc xin chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang nhà xã hội, là bước lùi có tính toán của liên danh MTV & Housing? Ảnh: Hoàng Lâm


“Lập lờ đánh lận con đen”

Thêm nữa, một trong những động thái của Cty Houssing khi nhìn thấy trước phản ứng của khách hàng trong việc chậm trễ thi công dự án cũng như sự sa lầy của Cty MTV, đó là ngày 19-3-2013, liên danh chủ đầu tư đã có công văn gửi Bộ Xây dựng xin điều chỉnh cơ cấu căn hộ và chuyển đổi dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại thành dự án nhà ở xã hội với lý do khó khăn trong việc thực hiện. Phía Bộ Xây dựng cũng đã có Công văn số 1136/BXD - QLN ngày 12/6/2013 gửi UBND TP Hà Nội: “Để tháo gỡ khó khăn cho dự án CT5, Bộ kiến nghị UBND TP chỉ đạo Tổ công tác triển khai thực hiện Thông tư số 02/2013/TT – BXD xem xét, hướng dẫn Liên danh hoàn thiện phương án, hồ sơ xin điều chỉnh và chuyển đổi dự án theo quy định; quan tâm, tạo điều kiện để Liên danh hoàn thành thủ tục điều chỉnh và chuyển đổi dự án, thực hiện đầu tư xây dựng để đáp ứng nhu cầu cấp thiết về nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội của người dân khu vực và trên địa bàn TP".

Theo khoản 3, Điều 1, Thông tư 02/2013/TT-BXD ngày 8-3-2013 của Bộ Xây dựng: “Việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ, chuyển đổi mục đích sử dụng nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội hoặc công trình dịch vụ chỉ được thực hiện đối với các hạng mục công trình xây dựng và căn hộ (kể cả cao tầng và thấp tầng) mà chủ đầu tư chưa ký hợp đồng góp vốn, hợp đồng mua bán với khách hàng. Trường hợp đã ký hợp đồng góp vốn, hợp đồng mua bán với khách hàng thì trước khi thực hiện việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ, điều chỉnh mục đích sử dụng thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của tất cả khách hàng đã ký hợp đồng”.

Như vậy, nếu muốn chuyển đổi từ dự án nhà thương mại sang nhà ở xã hội, phía Cty Housing và Cty MTV phải nhận được sự đồng ý tuyệt đối của khách hàng, vì theo thỏa thuận ban đầu, khách hàng mua nhà ở thương mại, với những thiết kế và vật liệu xây dựng tương đương với giá tiền, nhưng nếu bây giờ chuyển thành nhà ở xã hội, tức là những thiết kế và vật liệu xây dựng, hoàn thiện căn hộ có thể bị rút bớt đi, giá thành cũng giảm xuống, đồng nghĩa với việc các khách hàng đã kí hợp đồng bị thiệt.

Theo nhiều chuyên gia trong giới kinh doanh bất động sản, việc xin chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, là bước lùi có tính toán của liên danh MTV và Housing khi mà số tiền hàng trăm tỷ đồng đã huy động của khách hàng nhiều khả năng vẫn đọng lại ở các dự án khác.

Dự án B5 Cầu Diễn, trong số 2.000 căn hộ được chủ đầu tư xin quy hoạch, thiết kế xây dựng chỉ mới có khoảng 800 khách hàng góp vốn, vậy thì số căn hộ khoảng 1.200 căn hộ còn lại, thời điểm bất động sản đóng băng, không có người mua, nếu không lập tức xin chuyển đổi sang dự án nhà ở xã hội để được Nhà nước hỗ trợ mọi mặt, giảm giá bán, giảm đầu tư thì làm sao có thể xây dựng và hoàn thành dự án khi mà mốc bàn giao nhà cho khách hàng đã cận kề?

Hoàng Lâm (Pháp luật và Xã hội)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.