23/05/2014 9:15 PM
Đã hơn 6 tháng kể từ ngày Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội bị bắt khẩn cấp trôi qua, bằng ấy thời gian khách hàng Dự án chung cư B5 Cầu Diễn sống trong sợ hãi với sự im lặng từ phía chủ đầu tư.

Lối vào Công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Nông lâm nghiệp - đối tác của Housing Group tại dự án B5 Cầu Diễn.

Liên quan đến Dự án Chung cư B5 Cầu Diễn, ngày 3/4/2014, UBND TP. Hà Nội đã có Văn bản số 2359/UBND – TNMT gửi cơ quan Thanh tra và Công an TP. Hà Nội Thành phố yêu cầu thành lập Đoàn Thanh tra Liên ngành làm rõ việc quản lý, sử dụng đất, thực hiện trình tự, thủ tục đầu tư, huy động vốn và trách nhiệm nhà đầu tư liên quan đối với dự án B5 Cầu Diễn do Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Nhà đất (Housing Group) thực hiện, làm rõ tính chất, mức độ vi phạm của tập thể, cá nhân có liên quan.

Văn bản cũng nhấn mạnh “Trong quá trình thanh tra, Đoàn thanh tra cần chủ động phối hợp với cơ quan Công an và các cơ quan có liên quan để làm rõ sự việc, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, thận trọng, khách quan làm rõ tính chất, mức độ vi phạm của tập thể, cá nhân, đề xuất biện pháp xử lý”!

Trước đó, ngày 14/3/2014, Thường trực Thành uỷ Thành phố Hà Nội đã có Thông báo số 692 – TB/TU về việc giải quyết đơn thư tố cáo đối với Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Nhà đất (Housing Group) liên quan đến dự án này.

Ông Trần Văn H, cán bộ của Ngân hàng V – đồng thời là một khách hàng góp vốn vào dự án cho biết, ông H đã rất nhiều lần đến trụ sở Công ty Housing Group tại Km 19, Đại lộ Thăng Long, KCN Thạch Thất, huyện Quốc Oai, Hà Nội để gặp Tổng giám đốc Công ty là bà Châu Thị Thu Nga để yêu cầu rút vốn, nhưng bà Nga đều tìm cách từ chối không gặp.

Theo thỏa thuận vay vốn số 797/TTVV ký ngày 16/9/2011 giữa Houngsing Group với ông Trần Văn H, Housing Group vay của ông này số tiền là 371.250.000 đồng trong thời gian 12 tháng với lãi suất 0,6%/tháng/số dư nợ cho vay và không thay đổi trong suốt thời gian vay để đầu tư xây dựng Dự án B5 Cầu Diễn.

Từ thời điểm ngày 9/11/2012 (khi hợp đồng góp vốn đáo hạn), ông H đã rất nhiều lần có công văn gửi Công ty Housing Group đề nghị rút vốn theo thỏa thuận đã ký nhưng yêu cầu của ông H không được đáp ứng. Ông H là một trong số hàng chục khách hàng cho chủ đầu tư vay vốn để đầu tư vào dự án nhưng khi đến hạn đã không thể rút vốn hoặc giành quyền mua căn hộ của dự án như thoả thuận.

Tệ hơn, chỉ đến khi vụ việc vỡ lở, người mua nhà mới biết, khu đất xây dựng dự án B5 Cầu Diễn đã bị giao đất ở trái pháp luật. Cụ thể, Kết luận thanh tra số 201/KLTT – STNMT – TTra do Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội Đinh Trọng Sơn ký ngày 13/3/2009 cho biết, diện tích đất đã được Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội giao cho cán bộ công nhân viên chức làm nhà ở là 8.650m2 tại 2 khu vực (khuôn viên khu đất thực hiện Dự án B5 Cầu Diễn – PV), không có quyết định cho phép chuyển mục đích của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong đó, khu vực có diện tích 4.732m2, Công ty giao cho 44 hộ cán bộ công nhân viên chức từ năm 1993, khu vực có diện tích 3.918m2, Công ty giao cho 47 hộ cán bộ công nhân viên chức từ năm 1994 đến năm 1998. Diện tích còn lại là sân, vườn, bãi chứa vật tư… Việc giao đất này là không đúng thẩm quyền, vi phạm điều 23 Luật Đất đai năm 1993, khoản 1, Điều 37 Luật Đất đai 2003.

Dù vậy, khu đất vẫn được chủ đầu tư xin phép chuyển đổi và biến hoá thành dự án đầu tư xây dựng nhà ở để huy động vốn của khách hàng. Khoản tiền góp vốn của khách hàng vào dự án hiện lên đến hàng trăm tỷ đồng. Khoản tiền này đã đi đâu, được chủ đầu tư dùng vào việc gì… vẫn là câu hỏi đau đáu của những người góp vốn!

Hùng Văn (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.