Hiện nay, các tỉnh, thành đang quyết liệt triển khai các biện pháp thu hồi dự án treo, chiếm giữ đất trái pháp luật. Tuy nhiên, khâu giải quyết việc này không hề đơn giản.
Chiếm đất hàng chục năm
Không phải đợi đến bay giờ mà từ những năm qua, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã nhiều lần cảnh báo thu hồi đất đối với Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thăng Long do ì ạch triển khai dự án Nhà máy Xi măng Thanh Sơn (xã Thúy Sơn, huyện Ngọc Lặc). Khởi công vào tháng 12-2007, sau gần 10 năm, dự án có tổng vốn đầu tư 1.500 tỉ đồng này bị bỏ hoang. UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết việc thu hồi dự án này rất khó vì trụ sở công ty ở TP Thanh Hóa đã chuyển đi đâu không rõ. Hơn nữa, từ năm 2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chuyển ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, cho phép Nhà máy Xi măng Thanh Sơn được giãn tiến độ đến sau năm 2015, dẫn đến việc thu hồi đất bị kéo dài.
Tại Khu Kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi), siêu dự án thép Guang Lian Dung Quất là một trong số 14 dự án buộc phải thu hồi từ năm 2014 với tổng diện tích đất đã cấp bị bỏ hoang gần 1.000 ha. Nhờ quyết liệt xử lý, đến nay có 10 dự án bị thu hồi. Tới đây, Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất sẽ tiến hành rà soát để tiếp tục thu hồi đối với những dự án bị chậm tiến độ hoặc không triển khai. Cái khó là hầu hết các dự án rùa này đều nằm khu vực ven biển, vị trí thuận lợi giao thông thủy và trên bộ đã bị chủ đầu tư chiếm giữ nhiều năm qua nhưng chây ì triển khai dự án cũng như giao trả đất.
Hải Phòng cũng là địa phương đang lúng túng trong việc thu hồi đất, xử lý dự án treo chiếm đất. Theo kết quả rà soát đánh giá của các cơ quan chức năng TP Hải Phòng, từ năm 2008 đến nay, có 375 tổ chức, doanh nghiệp (DN) đang sử dụng 796,5 ha có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai. Nổi cộm là tình trạng nhiều dự án chiếm đất hàng chục năm nay, gây lãng phí lớn về nguồn lực đất đai.
Từ năm 2008 đến năm 2015, Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TP Hải Phòng tham mưu UBND TP ra quyết định thu hồi đất của 28 tổ chức, DN vi phạm với diện tích 484 ha để đấu giá quyền sử dụng đất, giao lại hoặc cho các nhà đầu tư khác thuê sử dụng. Theo đề án đã được HĐND TP Hải Phòng thông qua tại kỳ họp lần thứ 4 cuối tháng 3 vừa qua, giai đoạn 2016- 2017, TP tiếp tục thu hồi đất đối với 40 tổ chức, DN vi phạm với diện tích 299 ha.
Hiện tại, trên địa bàn TP Hải Phòng vẫn còn hàng trăm hecta đất sử dụng sai đúng mục đích hoặc dự án thực hiện dang dở, kéo dài. Trong đó, nhiều dự án có diện tích đất được giao lớn nhưng để hoang hóa lâu ngày vẫn chưa được xử lý, thu hồi. Lãnh đạo TP Hải Phòng nhìn nhận việc thu hồi đất còn chậm, gặp khó khăn là vì có tình trạng chủ đầu tư cố tình chiếm dụng đất và cả sự thiếu quyết liệt của cơ quan chức năng.
Bài học từ Bà Rịa - Vũng Tàu
Vừa qua, sau khi lên phương án rà soát, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã quyết định thu hồi 58 dự án chậm triển khai. Trong đó có 15 dự án trong khu công nghiệp (KCN), 32 dự án nhà ở, 6 dự án cụm công nghiệp và 15 dự án khác ngoài KCN. UBND tỉnh cũng đã hủy bỏ 28 văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư do các nhà đầu tư không thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư theo quy định. Tuy nhiên, theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn 138 dự án chậm triển khai với diện tích 9.451 ha; 32 dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng nhà đầu tư chưa thực hiện các thủ tục đầu tư, chậm triển khai.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu, cho rằng tỉnh đang quyết liệt chấn chỉnh tình trạng trên bằng những biện pháp mạnh tay, cụ thể, không để tồn tại những dự án rùa bò chiếm đất cũng như kéo dài việc thu hồi đất như thời gian qua. Để làm được việc này, tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phải rà soát, phân tích kỹ dự án nào thuộc trách nhiệm của các cơ quan nhà nước chưa làm tốt, chưa tháo dỡ vướng mắc về đất đai để có biện pháp giúp DN thúc đẩy triển khai dự án. Còn những dự án nào chây ì thì cương quyết dừng ngay.
Sự quyết liệt cũng như việc chỉ đạo sử dụng quỹ đất sau thu hồi của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng rất cụ thể, được người dân đồng tình, rất cần để các địa phương khác tham khảo. Cụ thể, đối với 58 dự án “treo” đã có quyết định thu hồi, tỉnh đưa ra 2 hướng xử lý. Một là, thu hồi giấy phép đối với những dự án treo còn nằm trong quy hoạch để tìm nhà đầu tư mới có năng lực tiếp tục triển khai dự án. Hai là, sẽ thu hồi giấy phép đầu tư đối với một số dự án, hủy luôn quy hoạch và trả lại quyền sử dụng đất cho người dân. “Vừa qua, tỉnh thu hồi 32 cụm công nghiệp, xóa luôn quy hoạch và trả lại quyền sử dụng cho người dân. Với những dự án hủy quy hoạch, tỉnh sẽ thông báo đến từng tổ dân cư, từng hộ dân để bà con được biết” - ông Lĩnh nhấn mạnh.