Ông Trần Văn Nam - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương
Trong vòng 51 ngày (từ 8.9-28.10.2014), Cty CP Đại Nam đã nhận được 12 văn bản từ tỉnh Bình Dương liên quan tới việc thu hồi quyền sử dụng 61,4ha khu đất ở của Cty CP Đại Nam. Đây là lý do ông Dũng cho rằng bị chính quyền o ép, nên tuyên bố sẽ đóng cửa khu du lịch Đại Nam. Quan điểm của tỉnh Bình Dương về vấn đề này như thế nào?
- Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại Văn bản số 1071/VPCP-V.I ngày 18.6.2014; Kết luận số 1549/KL-TTCP ngày 4.7.2014 và Thông báo số 340-TB/TU ngày 29.7.2014 của Tỉnh ủy Bình Dương, ngày 8.9.2014, tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 2173/QĐ-UBND thu hồi Quyết định số 2089/QĐ-UBND ngày 7.7.2008 về việc cho phép thay đổi thời hạn sử dụng đất của khu ở trong KCN Sóng Thần 3 của Cty CP Đại Nam (Quyết định này cho khu ở có thời hạn sử dụng đất từ 50 năm theo thời hạn của KCN chuyển sang thời hạn sử dụng lâu dài).
Như vậy, có thể nói tỉnh Bình Dương chỉ điều chỉnh thời hạn sử dụng đất của khu ở có diện tích 61,4ha thuộc KCN Sóng Thần 3 của Cty CP Đại Nam, chứ không có việc thu hồi quyền sử dụng đất như ông Huỳnh Uy Dũng tuyên bố; cũng chính vì không có thu hồi quyền sử dụng đất nên không có chuyện tỉnh Bình Dương phải bồi thường quyền sử dụng đất cho ông Dũng.
Về 12 văn bản mà Cty CP Đại Nam nhận được, 7 văn bản là giấy mời làm việc của các sở, ngành; 3 văn bản của UBND tỉnh, còn lại là văn bản của các sở, ngành. Tất cả các văn bản này, chỉ với mục đích thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc xử lý kết quả xác minh nội dung tố cáo các vấn đề liên quan đến KCN Sóng Thần 3; không liên quan đến các hoạt động khác hoặc các dự án khác của Cty CP Đại Nam. Cho nên, ông Dũng cho rằng vì bị chính quyền Bình Dương o ép nên ông sẽ đóng cửa khu du lịch Đại Nam là không đúng, không có cơ sở. Việc xử lý các vấn đề của KCN Sóng Thần 3 và khu du lịch Đại Nam không liên quan tới nhau.
Vì sao trong suốt thời gian dài (từ 2009 -2013), tỉnh Bình Dương không trả lời hay giải quyết các đề nghị của Cty CP Đại Nam? Chính quyền tỉnh cũng có cái sai dẫn đến xung đột này?
- Việc này đã được Tổ xác minh liên ngành do Thanh tra Chính phủ làm trưởng đoàn (gồm cả Bộ TNMT, Bộ Xây dựng) xác minh một cách cụ thể và đã có kết luận của Thủ tướng; Kết luận này được tổ chức công khai theo đúng quy định của pháp luật. Theo kết quả xác minh, trên thực tế Cty CP Đại Nam mới chỉ gửi văn bản xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch chi tiết (QHCT) 1/2000 cho KCN Sóng Thần 3 và điều chỉnh QHCT 1/500 cho khu chức năng hành chính, dịch vụ, kho bãi và khu ở; chứ không phải là đã gửi hồ sơ QHCT hoàn chỉnh như pháp luật quy định để thẩm định phê duyệt; mặt khác mỗi lần trình (3 lần điều chỉnh 1/2000 và 2 lần điều chỉnh 1/500) thì Cty CP Đại Nam lại xin điều chỉnh với quy mô và cơ cấu sử dụng đất khác nhau, QHCT 1/500 không đúng QHCT 1/2000 đã được phê duyệt.
Mặt khác, thẩm quyền điều chỉnh quy mô KCN, cơ cấu sử dụng đất là thuộc về các cơ quan của T.Ư, do đó các cơ quan chuyên môn của tỉnh không đủ cơ sở để xem xét, trình duyệt. Một số cơ quan chức năng của tỉnh Bình Dương cũng có cái sai sót, đó là nhận hồ sơ đề nghị điều chỉnh QHCT của Cty CP Đại Nam, thấy không phù hợp với quy hoạch, không đúng quy định nhưng lại chậm trả lời, không trả ngay hồ sơ hoặc không có văn bản trả lời hướng dẫn, giải thích cụ thể mà chỉ trao đổi qua lại, trong khi các bên không đồng quan điểm và không thống nhất, vì thế thời gian xử lý kéo dài.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý kết quả xác minh nội dung tố cáo và chỉ đạo của Tỉnh ủy Bình Dương, hiện tại về phía các cơ quan nhà nước thì những tổ chức, cá nhân có sai phạm đã tự nhận khuyết điểm, mức kỷ luật theo quy định của pháp luật; tuy nhiên phải chờ kết quả xác minh và kết luận của việc phân lô bán nền đối với khu ở nêu trên, để xem xét lại các hình thức kỷ luật mà các cá nhân, tổ chức tự nhận có phù hợp chưa; khi có kết quả chính thức, UBND tỉnh sẽ công bố rõ ràng, cụ thể theo đúng quy định của pháp luật.
Trả lời phỏng vấn Báo Lao Động, ông Huỳnh Uy Dũng cho rằng: “TTCP đã ban hành Kết luận số 1549/KL-TTCP và tự cho mình cái quyền kết luận nội dung tố cáo thay Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh BD xem xét trách nhiệm cá nhân, tổ chức vi phạm. Chính việc làm sai Luật Tố cáo này, dẫn đến ông Cung (Chủ tịch UBND tỉnh - PV), UBND và cơ quan chức năng tỉnh BD đã liên tục dồn ép tôi và DN của tôi đến bước đường cùng trong suốt thời gian qua”. Ông có ý kiến gì về điều này?
- Tôi khẳng định, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức xác minh một cách công khai, minh bạch; theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật.
Tất cả việc làm thời gian qua của tỉnh Bình Dương đối với Cty CP Đại Nam là nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc xử lý kết quả xác minh nội dung tố cáo các vấn đề liên quan KCN Sóng Thần 3; không liên quan đến các hoạt động khác của Cty CP Đại Nam nói chung và KDL Đại Nam nói riêng. Như vậy, một lần nữa có thể khẳng định rằng ông Dũng nói bị chính quyền tỉnh Bình Dương liên tục dồn ép cá nhân và DN của ông là hoàn toàn không đúng và không có cơ sở.
Dư luận cho rằng, dự án của Becamex cũng chưa có quy hoạch 1/500 như dự án của Cty CP Đại Nam, nhưng vẫn được bán nền, cho xây dựng. Còn Cty CP Đại Nam thì bị cấm. Thực tế có đúng vậy không, thưa ông?
- Đây là hai việc hoàn toàn khác nhau. Khu ở có diện tích 61,4ha trong KCN Sóng Thần 3 là một trong những khu chức năng, phục vụ cho KCN này, theo cam kết của Cty CP Đại Nam và dự án, QHCT 1/2000 đã được phê duyệt thì khu ở này chỉ được xây dựng nhà ở cao tầng dành cho các chuyên gia và CNLĐ. Mặt khác, đất này theo Quy hoạch sử dụng đất của tỉnh Bình Dương đến năm 2020 được Chính phủ phê duyệt là đất KCN (đất sản xuất kinh doanh) do vậy theo quy định thì thời hạn sử dụng đất phải là 50 năm theo thời hạn của KCN và không được phân lô bán nền.
Còn các dự án của Tổng Cty Becamex là dự án được quy hoạch để thực hiện tái định cư, trong đó có một phần đất dành cho thương mại, đất này theo Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 được Chính phủ phê duyệt là đất ở, có thời hạn sử dụng đất theo quy định là lâu dài.
Về việc cho phép cấp Giấy CNQSDĐ và giấy phép xây dựng khi chưa có QHCT 1/500, trước đây theo quy định Nghị định 181/2004/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Đất đai năm 2003 của Chính phủ thì thành phần hồ sơ xin cấp giấy CNQSDĐ không quy định phải có bản sao QHCT 1/500; tuy nhiên đến năm 2009, khi Nghị định số 88/2009/NĐ-CP của Chính phủ về cấp giấy CNQSDĐ ra đời thì quy định trong thành phần hồ sơ phải có bản sao QHCT 1/500, trường hợp không có bản sao thì phải có bản sao văn bản thỏa thuận tổng thể mặt bằng khu đất có nhà ở, công trình xây dựng.
Do chính sách thay đổi, nên không riêng gì TCty Becamex, mà hầu hết các KDC, KĐT trên địa bàn tỉnh đều thiếu QHCT 1/500. Để tháo gỡ vướng mắc khó khăn và linh động giải quyết cho các DN, các hộ gia đình được bố trí tái định cư, các tổ chức đã nhận chuyển nhượng QSDĐ trước năm 2008, trong khi chờ đợi nhà đầu tư xây dựng và bổ sung QHCT 1/500 theo quy định, UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo cho Sở TNMT và UBND các huyện, thị, thành phố cho phép người dân được tiếp tục làm thủ tục xin cấp Giấy CNQSDĐ và cho thiếu bản sao QHCT 1/500, thay thế bằng bản sao QHCT 1/2000 (nhưng các giấy tờ và hồ sơ khác phải đầy đủ theo quy định) để làm cơ sở cho việc xin cấp giấy phép xây dựng theo đúng quy định.
Tất nhiên việc cho phép tiếp tục thực hiện thủ tục cấp giấy và xây dựng nêu trên, không làm ảnh hưởng đến quy hoạch chung, quy hoạch sử dụng đất và phải tuân thủ QHCT 1/2000 và dự án đã được phê duyệt. Việc làm này được các nhà đầu tư, DN và người dân hết sức đồng tình và ủng hộ. Đến nay, các nhà đầu tư cũng đã xây dựng xong và bổ sung bản sao QHCT 1/500 cho các ngành chức năng của tỉnh theo quy định.
Tôi xin khẳng định rằng: Tỉnh Bình Dương tháo gỡ khó khăn này là giải quyết chung, không chỉ giải quyết cá biệt cho một công ty hay cá nhân nào; nếu Cty CP Đại Nam cũng có các dự án khu dân cư, khu đô thị tương tự thì vẫn được tỉnh giải quyết như thế.
Xin cảm ơn ông.