Lãnh đạo ngân hàng cho biết, dư nợ tín dụng bất động sản đến cuối năm ngoái tăng hơn 24% so với cuối năm 2021 và là một trong những lĩnh vực có mức tăng cao nhất. Ngân hàng cũng khẳng định rằng bất động sản không thiếu tín dụng, khó khăn thanh khoản nằm ở chính các doanh nghiệp bất động sản với cơ cấu sản phẩm trên thị trường không hợp lý.

Các nhà băng đều khẳng định, bất động sản không thiếu room tín dụng. Ảnh minh hoạ

Doanh nghiệp than khó tiếp cận tín dụng

Trong cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước sáng 8/2, hàng loạt ý kiến chia sẻ của đại diện các tập đoàn bất động sản lớn như Vinhomes, Novaland, Sun Group, Hưng Thịnh... hầu hết đều liên quan tới dòng tiền, huy động vốn trong thời gian qua.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) - ông Lê Hoàng Châu nhận định, 2023 là năm quyết định sống còn của các doanh nghiệp bất động sản nên cần được giải quyết nút thắt về dòng tiền để đảm bảo thanh khoản.

Ông Châu khẳng định, “chúng tôi không sợ lãi suất vay tăng”, vấn đề phải tiếp cận được.

Theo Chủ tịch HoREA, doanh nghiệp có nợ xấu dù có dự án khả thi, có tài sản bảo đảm vẫn không tiếp cận được các khoản vay tín dụng mới nếu Ngân hàng Nhà nước không cho phép nới một chút điều kiện vay vốn tín dụng.

Ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Vinhomes, việc vướng mắc tiếp cận tín dụng của bất động sản liên quan đến tài sản đảm bảo. Trên quan điểm thận trọng với bất động sản, các ngân hàng yêu cầu tỷ lệ tài sản bảo đảm trên vốn vay cao hơn các khoản vay thông thường. Ngoài thế chấp dự án vay vốn, nhiều khi chủ đầu tư phải thế chấp thêm tài sản bảo đảm khác để bổ sung vào.

Đại diện Novaland đề nghị các ngân hàng cần có chính sách tái cơ cấu nợ, giãn nợ cho khách hàng, tìm giải pháp cho vấn đề ách tắc pháp lý...

Đại diện Tập đoàn Hưng Thịnh cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước nới lỏng room và cơ cấu lại nhóm nợ.

Ngân hàng nói, “vấn đề ở chính doanh nghiệp”

Sau khi lắng nghe ý kiến chia sẻ của đại diện các tập đoàn bất động sản lớn cùng Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), đại diện các ngân hàng thương mại đều khẳng định, thời gian qua, ngành ngân hàng đã dành một phần không nhỏ trong dư nợ tín dụng cho bất động sản.

Cụ thể, đến cuối năm 2022, tín dụng dành cho bất động sản đạt khoảng 2,58 triệu tỷ đồng, tăng 24,27% so với cuối năm 2021, một trong những lĩnh vực tăng trưởng cao nhất.

Tỷ trọng dư nợ tín dụng cho bất động sản cũng chiếm tới 21,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

"Nếu nhìn từ những con số thống kê, tín dụng cho bất động sản có phải bị siết, nút thắt về vốn có thực sự chỉ do ngân hàng không", ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng đặt câu hỏi.

Ông Lưu Trung Thái, CEO Ngân hàng Quân đội (MB) khẳng định: "Chúng tôi không thiếu room, lãi suất cũng luôn có những chương trình ở mức chấp nhận được". Sự lệch pha và khó khăn thanh khoản, theo ông, là do cấu trúc của thị trường bất động sản đang có vấn đề và cũng do chính từ phía các doanh nghiệp.

CEO MB chỉ ra rằng, nhu cầu của khách hàng tại các thành phố như TP.HCM, rất cao, còn nguồn cung căn hộ giảm mạnh. Theo lý thuyết, thị trường phải khởi sắc bởi cầu vượt cung. Tuy nhiên, 80% nguồn cung hiện nay là phân khúc cao cấp, khách hàng có nhu cầu nhưng không thể tiếp cận. Ngân hàng cũng thận trọng bởi tính thanh khoản.

Ngoài ra, theo CEO MB, một phần lý do là việc quản lý dòng tiền và xây dựng kế hoạch của nhiều doanh nghiệp. Ba năm gần đây, trái phiếu riêng lẻ trở thành kênh dẫn vốn với quy mô lớn. Tuy nhiên, việc huy động vốn quá dễ dàng khiến nhiều doanh nghiệp chủ quan, không có kế hoạch, dự báo phù hợp.

Không chỉ MB, các nhà băng khác cũng đều khẳng định, bất động sản không thiếu room tín dụng.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank, cho biết tín dụng cho bất động sản của ngân hàng này tăng 17% trong năm trước, cao hơn mức tăng bình quân. Trong đó, một số lĩnh vực, như khu công nghiệp, chế xuất, có dư nợ tăng tính bằng lần.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết năm qua, thậm chí có những doanh nghiệp bất động sản tăng tín dụng tới hơn 300%, có những tập đoàn tín dụng tăng 68-70% trong khi tín dụng bình quân chung toàn nền kinh tế chỉ tăng 13-14%. Có doanh nghiệp triển khai tới 50 dự án cùng một lúc nên việc gặp khó, theo lãnh đạo ngân hàng, là vì “doanh nghiệp tự lấy đá ghè chân mình”. Trong khi đó, cơ cấu sản phẩm trên thị trường không hợp lý, thiếu nhà ở phục vụ công nhân, nhà ở xã hội; nhiều dự án gặp khó khăn về pháp lý, quy hoạch.

Với các đề xuất của doanh nghiệp, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp thu và nghiên cứu. Dù vậy, cơ quan này cho rằng, rất khó đưa ra cơ chế ưu ái riêng cho doanh bất động sản, bởi nếu vậy các ngành nghề khác cũng đòi cơ chế tương tự, trong khi bất động sản không phải là lĩnh vực ưu tiên.

(Tổng hợp)

Anh Mai
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.