21/07/2015 1:17 PM
Hàng loạt sân vận động (SVĐ) tuyến huyện ở Thủ đô Hà Nội có kinh phí đầu tư lên đến hàng trăm tỉ đồng, nhưng hầu như đang để phí.
Sân vận động được xây dựng hiện đại nhưng hầu như bỏ không - Ảnh: Hà An
Với kinh phí đầu tư lên tới 200 tỉ đồng, Trung tâm TDTT Hoài Đức được coi là nơi tập luyện, thi đấu tuyến huyện hiện đại nhất ở Thủ đô Hà Nội. Trung tâm này tọa lạc trên diện tích 5,6 ha, thiết kế hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Bên trong trung tâm là quần thể SVĐ hoàng tráng, bao gồm nhiều hệ thống các phòng họp báo, phòng vận động viên, phòng ban tổ chức, phòng y tế, phòng vệ sinh… rất hiện đại. Ngoài ra, trung tâm còn có cả một khu nhà văn hóa rộng hàng trăm m2...
Đặc biệt, SVĐ được thiết kế 4.000 chỗ ngồi, sân cỏ nhân tạo đạt chuẩn FIFA. Diện tích mặt bằng có thể chia thành nhiều sân nhỏ, tổ chức được nhiều trận đấu cùng lúc. Tuy vậy, nhưng lượng người đến tập luyện tại đây rất thưa thớt. Theo quan sát của PV, trung tâm có 3 cổng vào, nhưng 2 cổng luôn khóa kín. Nhà thi đấu đa năng thì “vắng như chợ chiều”, 4.000 ghế ngồi phủ kín bụi đất.
Khảo sát của PV cho thấy, dọc tuyến QL3, đi qua các huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ, chưa đến 10 km nhưng có tới 3 SVĐ tầm cỡ, đều đầu tư tiền tỉ nhưng luôn trong cảnh đìu hiu. Trong đó, Trung tâm TDTT H.Đan Phượng vốn đầu tư 32 tỉ đồng, riêng tiền xây SVĐ với sức chứa khoảng 8.000 người đã ngốn 25 tỉ đồng, nhưng theo người dân địa phương, chẳng có giải đấu nào tổ chức tại trung tâm mà số ghế được lấp đầy. Thi thoảng, tại đây diễn ra dăm ba trận đấu giao lưu giữa các ban ngành, các xã với nhau, còn ngày thường thì vắng ngơ vắng ngắt.
Do ít người sử dụng?
Ông Nguyễn Tiến Mạnh, Phó giám đốc Trung tâm TDTT huyện Hoài Đức phân trần: “Do mùa này nắng nóng nên buổi tối mới có người chơi. Tuy nhiên, hệ thống chiếu sáng của sân đang có vấn đề nên tạm ngưng các giải đấu”. Ông Mạnh cũng thừa nhận SVĐ của trung tâm thậm chí còn không đông khách như một số sân bóng đá phủi trong nội thành Hà Nội.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại hàng loạt trung tâm TDTT H.Thanh Oai, Ba Vì, Phú Xuyên… Trung tâm TDTT H.Thanh Oai, vốn đầu tư 52 tỉ đồng, nhưng cũng mới chỉ tổ chức được một số giải quần chúng. Theo ông Bùi Văn Vĩ, Giám đốc Trung tâm TDTT huyện, “chỉ có hội thao, lễ ra quân thì khán đài của SVĐ mới kín. Ngày thường chỉ có thanh niên đến giao lưu”.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Giám đốc Trung tâm TDTT H.Đan Phượng cũng cho hay, mỗi năm trung tâm chỉ tổ chức khoảng 21 giải thi đấu ở tuyến huyện và khoảng 10 giải đấu các ngành…
Theo ghi nhận của PV, người dân ở khu vực xung quanh các Trung tâm TDTT cũng ít vào tập luyện. “SVĐ được đầu tư hàng chục tỉ đồng nhưng lại rất ít hoạt động.
Các trận đấu bóng đá chủ yếu mang tính chất giao lưu quần chúng. Trong khi đó, nhiều xã trên địa bàn huyện vẫn còn ít trường học, trường mầm non và trạm y tế. Cũng với số tiền đó, nếu dùng để xây dựng các công trình phúc lợi khác như cầu, đường, trường, trạm hay hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn thì thiết thực hơn nhiều”, ông Nguyễn Văn Tiến, sống cạnh Trung tâm TDTT huyện Đan Phượng chia sẻ.
Hà An - Thanh Tâm (Thanh niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.