Đó là tình trạng hiện nay tại TP.HCM.

Việc quy hoạch ngầm trước mắt sẽ triển khai tại khu trung tâm hiện hữu dọc theo lõi của tuyến metro. Ảnh: Gia Khiêm

Theo TS Nguyễn Khánh Lân, quy hoạch và phát triển không gian ngầm là tất yếu trong phát triển đô thị. Tại các đô thị hiện đại, công trình ngầm chiếm 20 - 25% tổng số lượng các dạng công trình. Để sử dụng không gian ngầm hiệu quả, quy hoạch cần kết nối các công trình ngầm với nhau, tạo ra nhiều tầng nấc không gian sử dụng với nhiều chức năng khác nhau.

Tuy nhiên, quy hoạch không gian ngầm tại TP.HCM sẽ gặp khá nhiều khó khăn bởi tình trạng các tòa cao ốc xen kẽ các công trình thấp tầng, móng nông dày đặc. Việc thiếu hiểu biết về địa chất kỹ thuật tại khu vực xây dựng cũng gây hậu quả đáng tiếc. Như sự cố sụt lún hầm chui cầu Văn Thánh 2 (năm 2002); sập dãy nhà của Viện Khoa học xã hội - nhân văn khi xây dựng tòa nhà Pacific năm 2007...

Chuyên gia Phan Hữu Duy Quốc cũng nêu thực trạng, hiện làm công trình hầu như không thể biết trong lòng đất có cái gì. Khi thi công, đào đụng cáp cũng không biết của ai để liên lạc. Có trường hợp đăng báo cả tuần cũng không tìm ra chủ, nhưng cắt là sinh chuyện.

Trên thực tế, diện tích không gian ngầm bên dưới lòng đất gần như bỏ trống. Ngay tại khu vực trung tâm TP, các tòa nhà chỉ làm tầng hầm để phục vụ chính dự án đó mà chưa có sự kết nối, liên kết với các dự án khác để sử dụng hiệu quả. Trong khi ở các nước, không gian ngầm được khai thác tối đa để xây dựng trung tâm thương mại, tàu điện ngầm... Việc khai thác triệt để không gian ngầm giúp hạn chế tình trạng người người, nhà nhà lên mặt đường mua bán, sinh hoạt… Đáng tiếc là các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đến quy hoạch chi tiết đều chưa đề cập đến nội dung quy hoạch ngầm.

Ông Hoàng Tùng, Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP, cho biết vì nguồn lực, kinh nghiệm có hạn nên việc quy hoạch ngầm trước mắt sẽ triển khai tại khu trung tâm hiện hữu 930 ha và khu đô thị Thủ Thiêm. Với khu trung tâm hiện hữu, không phủ kín mà dọc theo lõi của tuyến metro.

Hệ thống đường sắt đô thị TP gồm 8 tuyến metro với hơn 73 km đoạn tuyến đi ngầm và hơn 72 nhà ga ngầm, trong đó nhà ga trung tâm Bến Thành được quy hoạch là một tổ hợp không gian ngầm lớn giao thoa giữa 4 tuyến đường sắt đô thị, khu trung tâm thương mại, bãi đậu xe ngầm.

Đối với khu đô thị mới Thủ Thiêm, triển khai quy hoạch công trình ngầm sẽ thuận tiện hơn. “TP giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc năm 2019 hoàn thành giai đoạn 1 quy định quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị TP, từ kết quả này sẽ phê duyệt việc xây dựng công trình ngầm. Đây là thử thách rất lớn đối với chúng tôi”, ông Tùng cho hay.

Đình Sơn (Thanh Niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.