Giá vàng trong nước hiện đang "bỏ xa" giá vàng thế giới.
Phát biểu trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” trên kênh VTV1 ngày 5/5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho rằng, đang có sự hiểu nhầm giữa khái niệm ổn định giá với khái niệm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. Ông Bình lấy ví dụ, giá vàng trong nước ngày hôm nay là 42 triệu đồng, ngày mai có thể cũng quanh mức 42 triệu đồng, nhưng ngày hôm qua chênh lệch giữa giá vàng thế giới có thể là 2 triệu đồng còn hôm nay có thể lên tới 5 - 6 triệu đồng.
Theo Thống đốc, ngân sách Nhà nước và nhân dân được hưởng lợi từ chênh lệch giá hiện nay. Ông cũng khẳng định, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới sẽ sát lại gần nhau hơn trong trung và dài hạn. Thế nhưng trong ngắn hạn khi giá vàng thế giới có biến động thì có thể giãn ra nhưng chỉ là hiện tượng trong ngắn hạn.
Bình luận về vấn đề này trên Infonet, Chuyên gia kinh tế TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, “Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm của Thống đốc. Giá vàng cao dân là người được lợi. Đối với người mua vàng thì có thể thiệt đôi chút, nhưng với người bán thì lại được hưởng lợi. Mà trên thị trường thì có cả người bán – người mua. Vì thế, chênh lệch giá trong nước với thế giới không phải là điều đáng quan tâm thời điểm này. Tôi cho rằng, điều cần quan tâm hơn, dù là hoạt động kinh doanh vàng hay tích trữ vàng lại là chênh lệch giữa giá mua vào – giá bán ra”.
Mới đây trong bài viết “Đánh giá của Chính phủ về Ngân hàng Nhà nước” trên VnEconomy, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, có thể thấy chỉ trong một thời gian tương đối ngắn, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức tốt hoạt động đấu thầu bán vàng miếng một cách công khai, minh bạch nhằm tăng cung vàng miếng cho thị trường. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước còn tiếp tục phải xử lý và cần thêm thời gian để giải quyết tình trạng chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới.
Dù có những ý kiến đồng tình, nhưng việc quản lí thị trường vàng, mà đỉnh điểm là phát biểu “Người dân đang được hưởng lợi từ chênh lệch giá vàng” của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã gặp không ít sự phản đối của dư luận.
Bạn đọc Nguyễn Đình Toàn bày tỏ quan điểm của mình trên CafeLand, “Lý luận kiểu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thì giá ô tô, bất động sản,... cao ngất ngưởng cũng có lợi cho người dân? Mặt bằng giá cả cần được so sánh với mặt bằng chung của thế giới. Người dân muốn có giá đích thực chứ không phải giá chênh thêm 4 - 7 triệu/lượng.
Còn bạn đọc Phung Du Thinh bất bình, trước đây Ngân hàng Nhà nước nói rằng giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch từ 3- 4 triệu đồng là do đầu cơ, không tốt cho người dân nên toàn quyền kinh doanh và kiểm soát thị trường vàng. Nhưng hiện nay, giá vàng còn chênh lệch nhiều hơn thì lại nói là có lợi cho dân, Ngân hàng nhà Nước không kiểm soát giá, giá do thị trường quyết định. Vậy tại sao thế giới hạ thì giá trong nước lại không theo giá thế giới lên xuống, dẫn chứng vàng trong nước không liên thông với thế giới nên giá vàng ổn định, vậy ai làm giá mới không có chuyện lên xuống theo giá của thế giới.
Bạn đọc Trần Văn Tài bức xúc, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới đến 6 triệu đồng một lượng. Vậy khi có tiền tôi phải đi mua vàng dự trữ vì đồng tiền ngày càng mất giá. Như vậy mỗi lần mua tôi phải bị mất đến gần 6 triệu đồng.
Bạn đọc Nguyễn Minh đặt nghi vấn, Ngân hàng Nhà nước đang bình ổn hay đang làm rối thị trường vàng, bình ổn kiểu gì mà không đưa được giá vàng sát giá thế giới mà lại kéo rào ngược đẩy giá lên cao.
Không thể phủ nhận, từ khi Ngân hàng Nhà nước ra tay can thiệp vào thị trường vàng thì giá vàng đã bớt “nhảy múa”. Tuy nhiên, Nghị quyết 01 của Chính phủ ban hành hồi đầu tháng 1 có nêu rõ nội dung: Khẩn trương hoàn thiện cơ chế quản lý, ổn định thị trường vàng, bảo đảm giá vàng trong nước sát với giá vàng quốc tế. Vậy liệu Ngân hàng nhà nước có đạt được mục tiêu “ổn định thị trường vàng” mà Chính phủ đã đặt ra?