Cục Thống kê Lao động Mỹ hôm 10/8 công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 nước này tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này lớn hơn 3% hồi tháng 6. Đây là lần đầu tiên trong 13 tháng, lạm phát Mỹ tăng tốc trở lại.
Dù vậy, mức tăng này cũng thấp hơn dự báo. Bên cạnh đó, CPI tăng tốc chủ yếu do mức nền so sánh là tháng 7/2022 thấp.
"Lạm phát vẫn đang chậm lại với nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ", Julia Pollak – kinh tế trưởng tại hãng tuyển dụng ZipRecruiter nhận xét.
Lạm phát lõi (không tính giá lương thực, năng lượng thường xuyên biến động) tăng 0,2% so với tháng 6 và 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng thứ tư liên tiếp lạm phát lõi hạ nhiệt. Giá xe cũ và vé máy bay giảm góp phần kéo CPI lõi xuống thấp.
Sau khi số liệu này được công bố, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận định báo cáo CPI cho thấy kinh tế Mỹ "vẫn vững mạnh". "Lạm phát đã giảm hai phần ba kể từ hè năm ngoái. Chúng ta đã làm được điều này mà vẫn giữ được sức mạnh cho nền kinh tế: tỷ lệ thất nghiệp gần mức thấp kỷ lục, lương đang tăng trưởng và số người trong lực lượng lao động có việc làm tăng lên", ông nói.
Lạm phát cao dai dẳng đã gây sức ép lên người Mỹ hơn 2 năm qua. Kể từ tháng 3 năm ngoái, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất 11 lần để ghìm lạm phát.
Kurt Rankin – nhà kinh tế học tại PNC nhận định: "Số liệu mới nhất càng củng cố quan điểm Fed từ nay sẽ dùng các phát biểu mang tính thắt chặt, thay vì thực sự nâng lãi, để kiểm soát lạm phát".
Thị trường dường như cũng đồng tình với quan điểm này. Nhà đầu tư hiện đặt cược 91% Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 9.
-
Thành phố đầu tiên của Mỹ kiềm chế lạm phát thành công nhờ nhà ở giá rẻ
Chuyên gia kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody's Analytics cho biết: “Không có cách nào hiệu quả hơn để kiềm chế lạm phát hơn là mở rộng nguồn cung nhà ở giá rẻ và tăng khả năng chi trả cho nhà ở”.