Một số địa phương tại tỉnh Lâm Đồng đang vào cuộc xử lý các trường hợp lấn chiếm, mua bán đất công, đất lâm nghiệp bằng giấy viết tay.

Ảnh minh họa

Mua bán đất công bằng giấy viết tay

Công an thành phố Bảo Lộc vừa có Công văn số 229/CATP(KT) gửi UBND thành phố Bảo Lộc về công tác quản lý đất công và xử lý vi phạm trật tự xây dựng, trong đó có một số nội dung liên quan đến việc lấn chiếm, mua bán đất công xảy ra trên địa bàn phường 1.

Theo đó, kết quả xác minh tại thời điểm báo cáo có 40 hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất tại tổ 13, phường 1, thành phố Bảo Lộc thuộc 5 thửa đất số 6; 24; 80; 124; 125 tờ bản đồ F136.I và F136.II (theo UBND phường 1 là đất 287) với tổng diện tích khoảng 32.000 m2.

Trong đó có 25 trường hợp có tên trong danh sách mua bán đất công (đất 287) do UBND phường 1 cung cấp và 15 cá nhân, hộ gia đình không có tên trong danh sách.

Nguồn gốc đất là do 4 cá nhân (phường 1, TP. Bảo Lộc) nhận chuyển nhượng từ những cá nhân khác hoặc khai phá trên diện tích nông trường chè Hà Giang bỏ hoang trong khoảng thời gian từ năm 1993 đến năm 2000.

Sau đó chuyển nhượng, cho tặng lại một phần cho các cá nhân, hộ gia đình khác với giá 7 triệu đồng đến 540 triệu đồng tùy vào diện tích và thời điểm.

Việc chuyển nhượng thỏa thuận miệng hoặc có giấy chuyển nhượng, cho tặng viết tay không có xác nhận của chính quyền địa phương, nhưng đều thể hiện thông tin nguồn gốc đất nông trường chè Hà Giang.

Các hộ dân trên, mặc dù biết đất không có giấy tờ hợp pháp nhưng vẫn mua vì giá rẻ và chấp nhận rủi ro khi nhà nước thu hồi đất.

Theo Công an thành phố Bảo Lộc, vụ việc trên không có yếu tố sử dụng thủ đoạn gian dối để người nhận chuyển nhượng tin là đất thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình, cá nhân để chiếm đoạt tiền chuyển nhượng. Vì vậy hành vi của người chuyển nhượng không có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Qua công tác nắm tình hình, Công an thành phố Bảo Lộc nhận thấy còn nhiều bất cập trong việc xác định ranh giới đất 287 để làm cơ sở đánh giá, xác định có hay không việc lấn chiếm đất công.

Điều đáng nói, mặc dù Công an thành phố đã có nhiều văn bản kiến nghị các cơ quan có liên quan về việc đề nghị xác định ranh giới đất 287, nhưng việc xác định ranh giới đất 287 vẫn chưa được thực hiện kịp thời.

Trước đó, thành phố Bảo Lộc cũng từng nóng với các vụ việc liên quan đến hiến đất làm đường, phân lô bán nền (ảnh minh họa)

Xử lý ra sao?

Sau khi xem xét Văn bản số 229/CATP(KT) nêu trên, UBND thành phố Bảo Lộc đã giao Phòng Tài nguyên – Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND phường 1, phường Lộc Phát, Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Bảo Lộc và các đơn vị liên quan tiến hành xác định ranh giới, cắm mốc cụ thể trên thực địa để giao cho địa phương quản lý theo quy định.

UBND phường Lộc phát, phường 1 chịu trách nhiệm tăng cường công tác quản lý đất đai tại khu vực nêu trên. Đối với các trường hợp đã vi phạm trước đây thì phân loại đối tượng, thời gian, tính chất, mức vi phạm để tiến hành thực hiện các trình tự, thủ tục xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì tham mưu UBND thành phố chuyển cho cơ quan Công an điều tra, xác minh theo quy định.

UBND phường Lộc Sơn chịu trách nhiệm phối hợp với phòng Quản lý đô thị và đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý việc xây dựng công trình trái phép trên diện tích đường hẻm 3 Trần Phú.

Ngày 25/5/2022, UBND huyện Di Linh phát đi Công văn số 1079 /UBND về việc phối hợp xử lý việc xây dựng nhà, sang nhượng trên đất lâm nghiệp nhận khoán theo Nghị định số 01/CP ngày 04/4/1995 của Chính phủ thuộc Ban QLR PH Tân Thượng quản lý.

Theo đó, UBND huyện Di Linh giao UBND các xã Tân Thượng và Tân Lâm tiếp tục thực hiện rà soát, lập biên bản xử lý vi phạm đối với các trường hợp làm nhà, công trình trên đất lâm nghiệp nhận khoán theo Nghị định số 01/CP ngày 04/4/1995 của Chính phủ.

Trên cơ sở kết quả rà soát, thực hiện thông báo vận động các trường hợp làm nhà trên đất lâm nghiệp thực hiện tự tháo dỡ nhà, công trình vi phạm trong quý III/2022.

Nếu các hộ không thực hiện, UBND xã Tân Thượng, Tân Lâm có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Ban Quản lý rừng Tân Thượng xây dựng kế hoạch và tổ chức cưỡng chế theo quy định.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật.

Chỉ thị nêu rõ, trong thời gian qua các bộ, ngành đã tích cực chỉ đạo triển khai, hỗ trợ các địa phương tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng, ổn định đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, tình trạng vi phạm các quy định về bảo vệ rừng trên địa bàn một số tỉnh có diễn biến phức tạp, nhiều vụ vi phạm phá rừng trái pháp luật với quy mô lớn đã xảy ra, gây thiệt hại đến tài nguyên rừng, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, gây bức xúc trong xã hội.

Từ thực tiễn nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quan trọng nhằm chấn chỉnh tình trạng san ủi đồi núi để phân lô, bán nền, xây dựng trên đất rừng, đồng thời xử lý nghiêm các vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Bên cạnh đó là việc huy động nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất lâm nghiệp.

Lê Phước Bình
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.