Ông Nguyễn Văn Tích (62 tuổi, trú tại thôn Phú Trung, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) cho biết, thửa đất của gia đình ông sử dụng ổn định suốt từ năm 1988, nay không những được giao đất theo quy định mà còn đang đứng trước nguy cơ bị thu hồi bán đấu giá.
Thửa đất gia đình ông Tích sinh sống suốt gần 30 năm qua
Vì sao không được giao đất?
Theo ông Tích, năm 1988, vợ chồng ông cùng hộ bà Đèo Thị Huyến được lãnh đạo Xí nghiệp gỗ xuất khẩu Phú Hội sắp xếp cho một căn nhà tọa lạc trên diện tích khoảng 1.600m2 để ở (nay thuộc một phần thửa đất số 652, tờ bản đồ số 02 xã Phú Hội).
Gia đình ông Tích, bà Huyến đã chia đôi căn nhà và thửa đất để sinh sống, canh tác. Năm 1993, Xí nghiệp gỗ xuất khẩu Phú Hội giải thể, gia đình ông Tích vẫn sinh sống, mở rộng một số công trình để chăn nuôi và sử dụng ổn định từ đó đến nay.
Ngày 15/7/2015, UBND xã Phú Hội đã có Tờ trình số 85 đề xuất UBND huyện Đức Trọng chia thửa đất số 652 thành 3 thửa, đồng thời kiến nghị giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu giá cho ông Nguyễn Văn Tích vì gia đình ông có hộ khẩu tại địa phương, chưa được Nhà nước giao đất lần nào, hiện nay chưa có đất nào khác tại xã Phú Hội.
Tuy nhiên, ngày 29/8/2016, Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng – ông Võ Văn Phương ký Văn bản số 2030/UBND không chấp nhận đề xuất giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu giá cho các hộ gia đình, cá nhân tại xã Phú Hội, trong đó có hộ ông Tích. Không đồng tình, ông Tích đã có đơn khiếu nại.
Ngày 15/11/2016, UBND huyện Đức Trọng có Văn bản số 525/UBND-ĐT đã từ chối giao đất có thu tiền không thông qua hình thức đấu giá cho hộ ông Tích với lý do: “Hiện nay gia đình ông Tích đã có đất và nhà ở ổn định tại xóm 4, thôn R’Chai 3, xã Phú Hội nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Gia đình ông Tích không còn sử dụng diện tích đất và nhà tại khu tập thể Xí nghiệp gỗ xuất khẩu Phú Hội nữa mà cho người khác sử dụng. Mặt khác, gia đình ông Tích không phải là hộ nghèo hoặc cận nghèo của xã Phú Hội và cũng không thuộc đối tượng gia đình chính sách theo quy định”.
“Suốt 30 năm qua, nơi duy nhất gia đình tôi sinh sống là căn nhà và thửa đất trên, không có việc tôi cho người khác sử dụng. Mẹ tôi là cụ Bùi Thị Én được Nhà nước trao tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất. Bản thân tôi nhập ngũ vào tháng 5/1979 giữ chức vụ Tiểu đội trưởng thuộc Tiểu đoàn 840-Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng... Sao lại nói gia đình tôi không thuộc đối tượng chính sách? Vợ tôi bị bệnh hiểm nghèo mất khả năng lao động, con gái duy nhất mắc bệnh thần kinh nặng, có một đứa con, một mình tôi làm thuê để nuôi cả nhà. Vậy mà không phải là nghèo sao?...”, ông Tích cho biết.
Không chấp nhận, ngày 13/7/2017, ông Tích tiếp tục có đơn đề nghị UBND huyện Đức Trọng giao đất có thu tiền không thông qua hình thức đấu giá cho gia đình ông.
Ngày 29/8/2017, UBND huyện Đức Trọng có Văn bản số 407/UBND-ĐT trả lời đã không đề cập đến việc gia đình ông Tích đã có nhà và đất như tại Văn bản số 525/UBND-TD mà cho rằng: “Hộ ông Nguyễn Văn Tích không thuộc diện hộ cận nghèo, hộ nghèo của thôn Phú Trung, xã Phú Hội và không phải là đối tượng chính sách theo quy định…”, để bác đề nghị cấp đất của gia đình ông Tích. Cũng tại văn bản này, UBND huyện Đức Trọng còn cho biết diện tích đất của hộ ông Tích dự kiến sẽ đưa ra bán đấu giá.
Cần xem xét quyền lợi chính đáng của người dân
Liên quan đến khiếu nại của ông Nguyễn Văn Tích, Luật sư Lê Cao Tánh (Đoàn Luật sư Lâm Đồng) cho biết: Gia đình ông Nguyễn Văn Tích có đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Bởi lẽ, khoản 4 Điều 100 Luật Đất đai 2013 quy định, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất từ ngày 15/10/1993 đến ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà chưa được cấp giấy chứng nhận thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Tại khoản 2 Điều 101 Luật Đất đai 2013 còn quy định, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 1/7/2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được UBND cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Bên cạnh đó, điểm g khoản 2 Điều 118 Luật Đất đai 2013 quy định về các trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất.
Cụ thể: “Giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại xã mà không có đất ở và chưa được Nhà nước giao đất ở”.
“Không những đủ điều kiện được giao đất mà với trường hợp của ông Tích, khi được giao đất không thu tiền sử dụng đất. Bởi gia đình ông đã sử dụng liên tục từ năm 1988 đến nay, không phát sinh tranh chấp, tức trước cả thời điểm Luật Đất đai 1993 có hiệu lực. Việc sử dụng căn nhà và thửa đất của hộ ông Tích không chỉ được Ban Giám đốc Xí nghiệp gỗ xuất khẩu Phú Hội mà cả UBND xã Phú Hội cũng đã xác nhận”, Luật sư Tánh phân tích.
Trung Thứ (Pháp Luật VN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.