Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chuẩn bị nhiều phương án cho việc điều hành lãi suất trong quí 2. Định hướng giảm lãi suất huy động 1% mỗi quí tỏ ra mềm dẻo khi đòi hỏi bỏ trần lãi suất huy động và giảm lãi suất đầu ra đang trở nên cấp thiết. Trong các cuộc họp gần đây với các tổ chức tín dụng, NHNN thậm chí cho rằng nếu chỉ số CPI tháng 5-6 tiếp tục ở mức như của tháng 3-4, thì tốc độ giảm lãi suất sẽ nhanh hơn, nếu cần có thể tới 1%/tháng nhằm đưa vốn tới doanh nghiệp.

Động thái của cơ quan quản lý là tích cực. Tuy nhiên nó vẫn bị chi phối bởi biện pháp hành chính. Trần lãi suất huy động một năm qua là liều thuốc thử hiệu nghiệm về thanh khoản để phát hiện ra những ngân hàng yếu. Nay thử nghiệm ấy đã cho kết quả. Nếu giữ nó và ép nó cho một mục đích khác: giảm lãi suất cho vay, thì nó không phát huy tác dụng. Để khơi thông đầu ra phải bỏ trần lãi suất, còn nếu vẫn áp trần thì phải là trần cho vay, chứ không phải trần huy động.

Không phải ngẫu nhiên mà các hiệp hội ngành nghề ở TPHCM (dệt may, thêu đan, da giày, nhựa-hóa chất, thủy hải sản, đồ gỗ...), tất thảy đều kiến nghị đặt trần lãi suất cho vay. Phó chủ tịch UBND TPHCM, bà Nguyễn Thị Hồng, người từ nhiều năm nay đặc trách theo dõi lĩnh vực tài chính - ngân hàng thành phố, đã phải lên tiếng rằng doanh nghiệp không thể đợi chờ lộ trình giảm lãi suất được nữa. Lãi suất cho vay cần giảm trên diện rộng cho mọi đối tượng sản xuất.
Mức trần cho vay mà các doanh nghiệp đang mong đợi là bao nhiêu?

Cuộc khảo sát bỏ túi của chúng tôi cho thấy hầu hết doanh nghiệp hoan nghênh mức trần 15-17%/năm. Giám đốc một công ty gay gắt: “Lãi suất tiền gửi 12%/năm, sắp tới xuống 11%/năm, cho vay ra 15%/năm là ngân hàng thừa sức có lời”. Một doanh nghiệp khác điềm tĩnh hơn: “Theo tôi trần 16%/năm là chấp nhận được”. Tổng giám đốc một ngân hàng đề nghị không nêu tên: “Trần cho vay tối đa chỉ nên 17%/năm”. Ông thừa nhận với mức 17%/năm, người lao động cũng chưa dám vay tiêu dùng hay mua nhà dù được trả dài hạn trong 5-10 năm.

Cho đến nay chưa có một tính toán cụ thể nào nếu lãi suất đầu ra giảm 1%/năm, thì tỷ suất lợi nhuận trên vốn của doanh nghiệp tăng thêm bao nhiêu? Hoặc giá thành sản phẩm của doanh nghiệp giảm bao nhiêu? Những cơ sở sản xuất nhỏ và vừa có thể tạo thêm được bao nhiêu việc làm? Còn nhìn trên bình diện vĩ mô, hiện với tổng dư nợ của toàn hệ thống ngân hàng là 2,5-2,6 triệu tỉ đồng, cứ cho là lãi suất cho vay chỉ 15%/năm, tương đương 1,25%/tháng, thì mỗi tháng nền kinh tế phải trả lãi ngân hàng 30.000 tỉ đồng, khoảng 1,5 tỉ đô la Mỹ. So với GDP cả nước năm ngoái đạt tầm 100 tỉ đô la Mỹ, mới thấy lãi vay mà nền kinh tế phải chi trả mỗi tháng khủng khiếp đến mức nào! Mọi lĩnh vực sản xuất đang gồng mình để trả lãi vay và không có ngành nghề nào được Nhà nước chống lưng hay bảo trợ như ngân hàng.

Nhìn lại kết quả kinh doanh quí 1-2012 mới thấy sự đình đốn sản xuất sẽ còn kéo dài bởi lãi suất huy động chỉ bắt đầu giảm từ giữa tháng 3. Độ trễ khiến tác dụng của giảm lãi suất có thể nhìn thấy sau sáu tháng, tức đến tận tháng 9 sự phục hồi sản xuất mới có thể bắt đầu. Hơn 50% doanh nghiệp niêm yết có lợi nhuận giảm mạnh so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp lãi vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng chiếm tỷ trọng lớn. Trong khối bất động sản, trừ một vài đơn vị hiếm hoi mạnh dạn đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận năm 2012 trung bình, còn lại hầu hết các doanh nghiệp đều dè dặt chỉ tiêu lợi nhuận 10-15 tỉ đồng trên vốn điều lệ hàng trăm tỉ đồng. Có doanh nghiệp đặt lợi nhuận 0 (không) đồng, có doanh nghiệp đặt kế hoạch lỗ.

Trong bối cảnh như vậy, yêu cầu hạ lãi suất cho vay phải trở thành bắt buộc và đã bắt buộc thì phải sử dụng trần đầu ra. Trong trường hợp lãi suất cho vay thả lỏng và trần huy động vẫn đứng đó, ngân hàng có cơ hội hạ giá vốn. Cơ hội ấy chỉ của riêng ngân hàng, doanh nghiệp không được chia sẻ. Giảm lãi suất cho vay vẫn chỉ trên cơ sở tự nguyện, chẳng khác nào cả nền kinh tế “ngửa tay” đợi “lòng hảo tâm” của ngân hàng.

Phải công bằng mà thừa nhận cơ quan quản lý đang quá chiều chuộng các ngân hàng. Ngân hàng không dám cho vay vì lo nợ xấu ư? Ngày 23-4-2012, NHNN đã có văn bản chính thức hóa việc đảo nợ, tái cơ cấu nợ và cho phép các ngân hàng phân loại nợ tái cơ cấu theo một tiêu chuẩn riêng. NHNN cũng “cầm tay chỉ việc” khi cho phép ngân hàng được giảm lãi suất những hợp đồng tín dụng đã ký. Bộ Tài chính đang có ý định xem xét giảm thuế giá trị gia tăng, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, biết đâu ngân hàng cũng được ưu tiên? Vì sao ngân hàng có được nhiều ưu ái, nhiều lựa chọn đến thế, còn doanh nghiệp thì không?

Tháng 5 đã đến với tâm điểm lãi suất. Dư luận đang ngóng trông số liệu tăng trưởng tín dụng tháng 4 và bốn tháng đầu năm. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy tăng trưởng tín dụng thực sự sẽ dương trở lại. Một số ngân hàng cho biết doanh nghiệp trả nợ trước hạn và không vay tiếp hay vay thêm để chờ lãi suất giảm về mức hợp lý. Sự chờ đợi ấy gây thiệt hại cho nền kinh tế. Ai đứng ra chịu trách nhiệm về sự thiệt hại đó đây?

Theo TBKTSG
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.