15/01/2016 8:47 PM
Áp lực huy động tiết kiệm cận Tết Nguyên đán buộc các nhà băng phải tăng chi phí huy động vốn, thu hút khách hàng gửi tiền, nhằm đáp ứng tín dụng gia tăng.

Đồng thời, các dự báo đưa ra, khả năng tín dụng cải thiện cũng là lý do để các nhà băng tăng chuẩn bị nguồn, nhưng với xu hướng lãi suất huy động hiện nay, khả năng lãi vay sẽ tăng.

Đã có một số nhà băng vừa điều chỉnh tăng lãi suất đầu vào. Sacombank tăng lãi suất huy động VND thêm mức 0,1-0,2%/năm, đưa các kỳ hạn từ 3, 4 và 5 tháng tăng lên mức 5,3-5,5%/năm. Các kỳ hạn 1-2 tháng giữ nguyên ở mức 4,8%/năm. Như vậy, chỉ trong tháng 12, Sacombank đã tăng lãi suất 4 lần.

Eximbank áp dụng cơ chế cộng thêm lãi suất từ 0,2-0,6%/năm cho khách hàng chuyển đổi từ vàng, USD sang VND gửi tại ngân hàng này. VietinBank cũng áp dụng biểu lãi suất mới cho các kỳ hạn 1-3 tháng với lãi suất ngang bằng tại BIDV. Lãi suất tại BIDV tăng khá mạnh so với mức hiện tại, thêm từ 0,5-0,8%/năm. Trong đó, kỳ hạn 1 tháng tăng từ 4%/năm lên tới 4,8%/năm, kỳ hạn 2 tháng từ 4,3%/năm lên tới 5%/năm, kỳ hạn 3 tháng từ 4,7%/năm lên tới 5,2%/năm, các kỳ hạn dài vẫn giữ nguyên.

Trước xu hướng lãi suất đầu vào tăng, một lãnh đạo trong ngành ngân hàng nhận định, năm 2016, bên cạnh cơ hội được cho là tín dụng sẽ dần cải thiện, vẫn có nhiều thách thức đối với hoạt động của ngân hàng. Ở góc độ của người làm ngân hàng, lãnh đạo nhà băng trên cho rằng, cần chú trọng đến 2 vấn đề trọng yếu đó là tỷ giá và lãi suất.

Cơ chế mới của NHNH khiến tỷ giá được điều chỉnh và thay đổi theo thị trường. Điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của khách hàng, mà trước hết là các doanh nghiệp. Do đó, đòi hỏi đội ngũ nhân viên phụ trách công tác ngoại hối phải liên tục cập nhật thông tin để đưa ra các quyết sách trong việc kinh doanh ngoại hối hàng ngày.

Lãi suất cho vay bằng VND, cũng theo đánh giá của vị lãnh đạo trên, hiện đang ở mức thấp nhất và khả năng có thể điều chỉnh tăng lên trong thời gian tới. Mục tiêu của NHNN là luôn luôn ổn định để phát triển nền kinh tế, nhưng ở góc độ ngân hàng, phải tận dụng những cơ hội tối đa để giúp tăng trưởng và chia sẻ những thông tin về việc thay đổi này cho khách hàng của mình, giúp doanh nghiệp hoạch định trong hoạt động kinh doanh của năm 2016. Vì vậy, hội đồng tín dụng của các ngân hàng sẽ phải họp thường xuyên hơn trong 2016, cũng như có một ban chuyên trách để điều chỉnh kịp thời.

Trả lời ĐTCK, ông Godfrey Swain, Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ VIB cho rằng, mặt bằng lãi suất huy động tăng đợt cuối năm 2015 phần lớn là do cạnh tranh tiền gửi huy động giữa các ngân hàng, chứ không hoàn toàn do các yếu tố vĩ mô.

“Có thể nhận thấy rất nhiều áp lực lên lạm phát trong năm tới, tuy nhiên, theo kịch bản tích cực từ NHNN đưa ra, lạm phát sẽ được duy trì, giúp lãi suất đi ngang hỗ trợ cho nền kinh tế. Do đó, tôi hy vọng lãi suất cho vay mua nhà sẽ vẫn được duy trì mức tốt như hiện nay. Nếu có tăng cũng chỉ tăng nhẹ chứ không tăng đột biến”, ông Godfrey nói và cho biết, VIB đã và đang liên tục triển khai các gói cho vay ưu đãi lãi suất và ổn định trong suốt thời gian vay.

Cũng đồng tình với quan điểm trên, phó tổng giám đốc của một ngân hàng cho biết, trước tình hình tỷ giá thời gian gần đây và việc NHNN kéo lãi suất huy động USD về bằng 0%/năm để giảm áp lực tỷ giá, khiến nhiều người liên tưởng đến lãi suất tiền gửi VND sẽ vào đợt tăng mới, tác động đến lãi suất đầu ra. Tuy nhiên, lãi suất VND cũng phải tính toán từ nhiều khía cạnh, không hẳn chỉ dựa vào biến động tỷ giá hay lãi suất USD. Bởi việc đánh giá một động thái lãi suất trên thị trường mà chỉ dựa vào một trạng thái thì chưa thể phản ánh được tổng thể.

“Các dự báo đưa ra lãi suất VND sẽ tăng trở lại và điều này cũng có thể xảy ra, song trước mắt khó có thể biến động mạnh. NHNN sẽ có những tính toán để ổn định thị trường, phù hợp với tình hình kinh tế”, vị phó tổng giám đốc trên lý giải thêm.

Hiện tại, theo giới phân tích, muốn ổn định được tỷ giá cần nâng lãi suất VND thêm khoảng 0,25-1%/năm trong năm nay. Việc nâng lãi suất VND có thể được thông qua nhiều cách khác nhau qua các công cụ của chính sách tiền tệ. NHNN có thể sử dụng kênh thị trường mở, dự trữ bắt buộc… nhưng không nên để cho lãi suất thị trường tăng quá 1%/năm so với mức hiện nay, tốt nhất là chỉ nên để lãi suất tăng từ 0,25-1%/năm, nhằm tránh gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi tiếp cận vốn vay.

Điều này có sự khác biệt nhỏ so với mục tiêu của người đứng đầu ngành ngân hàng là năm 2016, mặt bằng lãi suất cố gắng duy trì ổn định như năm vừa qua và nếu được, cố gắng sẽ giảm thêm 0,3-0,5% đối với vốn vay trung, dài hạn.

Vân Linh (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.