Theo VCSC, lãi suất qua đêm liên ngân hàng đã giảm 8% trong nửa đầu tháng 5, nhưng vẫn còn quá sớm để nói đến việc nới lỏng chính sách tiền tệ.

CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) hôm nay đã đưa ra bản báo cáo về tình hình thị trường liên ngân hàng Việt Nam những ngày qua. Theo quan điểm của VCSC, lãi suất tiền đồng liên ngân hàng đã giảm nhanh nhưng hiện còn quá sớm để nói đến việc nới lỏng chính sách tiền tệ.

Nhờ vào động thái hỗ trợ thanh khoản tiền đồng của NHNN từ đầu tháng 5/2011, lãi suất tiền đồng liên ngân hàng đã giảm. Ngày 18/05/2011, lãi suất qua đêm giảm 800 điểm cơ bản xuống mức 13% từ mức trung bình 21% vào tháng 4/2011; trong khi đó lãi suất kỳ hạn 1 tuần giảm 650 điểm cơ bản xuống 16% từ mức trung bình 22,5% vào tháng 4/2011.

Tuy nhiên, chúng tôi tin hiện vẫn còn quá sớm để nói đến việc nới lỏng chính sách tiền tệ bởi lạm phát, thâm hụt thương mại cao còn dự trữ khá thấp. Trên quan điểm của chúng tôi, NHNN Việt Nam có thể sẽ nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc tiền đồng trong tương lai gần thế nhưng trước tiên cần chắc chắn các ngân hàng nhỏ sẽ không đương đầu với áp lực thanh khoản lớn sau động thái trên.

Tại sao lãi suất tiền đồng liên ngân hàng giảm?

Gần đây, NHNN Việt Nam đã cho phép các ngân hàng hoán đổi đồng USD để lấy tiền đồng nhằm hỗ trợ cho ngân hàng nào thiếu tiền đồng. Theo quy định của NHNN Việt Nam, các ngân hàng có thể dùng đôla Mỹ để đổi lấy tiền đồng của NHNN nếu họ thiếu VND.

Hiện nay, chưa có số liệu nào chính thức về khối lượng tiền của các giao dịch trên, chúng tôi tin lượng tiền bơm trực tiếp qua các ngân hàng thiếu tiền đồng đủ để tạo ra ảnh hưởng rõ rệt lên lãi suất liên ngân hàng.

NHNN bơm 20.600 tỷ đồng Việt Nam (tương đương 1 tỷ USD) từ ngày 29/04/2011 bằng việc mua ngoại tệ của các ngân hàng. Từ ngày 29/04/2011 đến ngày 13/05/2011, NHNN trả giá USD trên thị trường khá cao, như vậy NHNN đã có thể mua USD từ các ngân hàng để tăng dự trữ ngoại hối.

Ngày 20/05/2011, TBKTSG đã xác nhận thông tin NHNN Việt Nam mua vào 1 tỷ USD từ cuối tháng 4/2011. Tháng 5/2011, NHNN có thể đã bơm tiền đồng thông qua kênh tái cấp vốn. Trong quý 1 và nửa đầu quý 2/2011, có tin từ các ngân hàng rằng NHNN Việt Nam đã kéo dài thời hạn cho các khoản vay lẽ ra đã đáo hạn vào tháng 5/2011.

Trên thị trường OMO từ ngày 01/05/2011 đến ngày 18/05/2011, NHNN rút ròng khoảng 16.000 tỷ đồng Việt Nam, tuy nhiên chúng tôi tin một lượng bơm ròng thông qua kênh khác đã được thực hiện để bù cho con số nói trên.

Chúng tôi tính toán được các con số trên dựa trên số liệu từ Reuters. Chúng tôi tin việc rút tiền đồng thông qua hoạt động trên thị trường mở có thể đã được bù lại bởi tiền đồng bơm qua kênh tái cấp vốn, hoạt động hoán đổi tiền tệ và một số hoạt động giao dịch tiền tệ khác.

Còn quá sớm để nói về việc nới lỏng chính sách tiền tệ

Trên thị trường, lãi suất huy động và lãi suất cho vay tiền đồng vẫn tiếp tục tăng. Lãi suất cho vay phổ biến tăng từ 21,5% vào tháng 4/2011 lên mức khoảng 23% trong khi đó lãi suất huy động đối với khách hàng VIP lên mức khoảng 20% tại một số ngân hàng nhỏ.

Theo chúng tôi, lãi suất cao do tăng trưởng tín dụng vượt quá tăng trưởng huy động, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 5,01% trong khi đó tăng trưởng tiền gửi chỉ đạt 0,46%. Lạm phát vẫn ở mức cao, thâm hụt thương mại tăng và dự trữ ngoại hối ở mức thấp.

Bất chấp hàng loạt các biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa chặt chẽ, lạm phát 4 tháng đầu năm tăng 9,4% so với cuối năm 2010 trong khi đó lạm phát tháng 5/2011 dự kiến tăng khoảng 11,7% so với cuối năm 2010.

Trong khi đó, thâm hụt thương mại tháng 4/2011 lên mức 1,5 tỷ USD. Dự trữ ngoại tệ ở thời điểm cuối năm 2010 giảm xuống mức thấp tương đương khoảng 1,4 tháng nhập khẩu của năm 2011 (theo tính toán của IMF). Sau đợt mua ngoại tệ vừa qua, dự trữ ngoại tệ quốc tế của Việt Nam nhiều khả năng tăng lên mức khoảng 1,5 tháng nhập khẩu, vẫn chỉ tương đương một nửa so với ngưỡng an toàn 3 tháng nhập khẩu.

Việc NHNN Việt Nam nâng lãi suất repo trên thị trường OMO thêm 100 điểm cơ bản lên 15% phát đi thông điệp sẽ vẫn thắt chặt chính sách tiền tệ. Chúng tôi tin việc nâng lãi suất OMO giúp thu hẹp khoảng cách giữa lãi suất chính thức và lãi suất liên ngân hàng

Ngày 18/05/2011, lãi suất OMO cao hơn 100 điểm cơ bản so với lãi suất thị trường cùng thời hạn. Chúng tôi cho rằng lãi suất OMO sẽ tiếp tục tăng bởi NHNN muốn bình ổn cấu trúc lãi suất trong tương lai.

Tăng trưởng tín dụng và nguồn cung tiền cao cho thấy việc thắt chặt chính sách tiền tệ không thể tránh khỏi. Tại hội nghị ADB vào đầu tháng 5/2011 thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Giàu xác nhận việc cần phải hạn chế bớt tăng trưởng tín dụng bởi tổng tín dụng/GDP đã lên mức 120%, cao thứ 2 trong nhóm nước đang phát triển khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong khi đó, tăng trưởng cung tiền M2/GDP lên tới 133%. Năm 2010, tăng trưởng tín dụng là 32,4% còn cung tiền tăng trưởng 33,3%.

Chính sách tiền tệ sẽ vẫn tiếp tục bị thắt chặt

Chúng tôi coi động thái bơm tiền đồng cho các ngân hàng nhỏ thông qua kênh tái cấp vốn vừa qua là để chuẩn bị cho việc nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng tiền đồng Việt Nam chứ không phải hỗ trợ hạ lãi suất tiền đồng trong tương lai.

Trong tương lai gần, NHNN Việt Nam nhiều khả năng sẽ nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền đồng Việt Nam. Chúng tôi đã thấy NHNN Việt Nam rất thận trọng trong việc mua USD để tăng dự trữ bởi điều này có thể đảo ngược tác dụng khiến nguồn cung tiền đồng tăng và gây phản tác dụng lên cuộc chiến chống lạm phát và thực hiện mục tiêu thắt chặt chính sách tiền tệ.

Khi NHNN Việt Nam tiếp tục nâng dự trữ ngoại hối, Ngân hàng sẽ cần phải thực thi chính sách rút tiền đồng ra khỏi hệ thống bởi lạm phát vẫn ở mức cao. Chúng tôi coi động thái bơm tiền đồng cho các ngân hàng nhỏ thông qua kênh tái cấp vốn vừa qua là để chuẩn bị cho việc nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng tiền đồng Việt Nam chứ không phải hỗ trợ hạ lãi suất tiền đồng trong tương lai. Theo quan điểm của chúng tôi, thanh khoản tiền đồng trong nhóm các ngân nhỏ cần phải cải thiện để NHNN Việt Nam nâng được tỷ lệ dự trữ bắt buộc và giảm đi nguồn cung tiền thừa thãi.

NHNN Việt Nam có thể chọn phát hành tín phiếu để rút bớt tiền ra khỏi lưu thông. Hiện nay, có khá nhiều chuyên gia kinh tế ủng hộ việc phát hành tín phiếu bởi việc này không ảnh hưởng đến nhóm ngân hàng nhỏ đang thiếu tiền đồng. Tuy nhiên để đấu giá thành công số tín phiếu này, SBV buộc phải nâng lợi suất lên mức hợp lý hơn bởi các đợt phát hành trước đó đã không thành công do nguồn lợi không hấp dẫn.

NHNN Việt Nam đã xác nhận sẽ tiếp tục duy trì trần lãi suất huy động tiền gửi ở mức 14%. Việc huy động tiền gửi bằng đồng Việt Nam trong 4 tháng đầu năm giảm mạnh đã khiến người ta không thể kỳ vọng SBV bỏ trần lãi suất huy động. Tăng trưởng tiền gửi tiền đồng tại thành phố Hồ Chí Minh từ đầu năm 2011 đến nay thực tế giảm 7% và xu thế này nhiều khả năng diễn ra trên khắp nước. Tuy nhiên, phó Thống đốc NHNN đã chính thức bác bỏ khả năng nâng hay bỏ trần lãi suất tiền gửi vào đầu tháng 5/2011.

Theo chúng tôi, NHNN Việt Nam sẽ không vội áp trần lãi suất cho vay bởi nó cũng chẳng giúp giảm được chi phí thực tế mà doanh nghiệp phải trả. Năm 2008, khi NHNN áp trần lãi suất cho vay, các ngân hàng đã tìm cách tính phí tín dụng để tránh mức trần và trên thực tế chi phí tín dụng không hề giảm.

Ngọc Diệp
Theo CTCP Chứng khoán Bản Việt

  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0