14/03/2016 2:47 PM
Cái khó của ngân hàng hiện nay là người đi vay muốn vay dài hạn, trong khi người gửi chỉ muốn gửi kỳ hạn ngắn.
Nỗi lo ngại về một cuộc cạnh tranh lãi suất giữa các ngân hàng đã quay trở lại khi đầu tháng 3 vừa qua, hầu hết các ngân hàng đã cập nhật biểu lãi suất mới nhất trên website chính thức của mình. Trong đó, ấn tượng nhất là mốc 8%/năm đã bị phá vỡ bởi Eximbank hay OCB. Mặc dù chưa phải là mức cao nhất thị trường, song 2 ngân hàng này lại khá mạnh dạn trong việc tăng lãi suất.
Thực ra, chuyện ngân hàng thay đổi mức lãi suất là bình thường, song việc đồng loạt nâng lãi suất ở kỳ hạn dài lẫn kỳ hạn ngắn phải chăng cho thấy các ngân hàng đang khát vốn hay mang đến những tín hiệu nào khác cho thị trường?
Ngân hàng treo cá gỗ
Ngân hàng treo cá gỗ muốn nói đến những ngân hàng treo lãi suất ở mức rất hấp dẫn mà người gửi lại khó lòng chạm đến bởi những hạn chế riêng. Và đó dường như là điều đang diễn ra. Chẳng hạn như Sacombank treo lãi suất 7,55% cho các khoản tiền gửi trên 500 tỉ đồng, Eximbank thì có vẻ thoải mái hơn khi giới hạn con số 10 tỉ đồng, nhưng liệu có ai chấp nhận gửi một số tiền lớn ở kỳ hạn 13 tháng sau?
Cái khó của ngân hàng hiện nay là người đi vay muốn vay dài hạn, trong khi người gửi chỉ muốn gửi kỳ hạn ngắn. Trên thực tế, tiền gửi dài hạn chiếm tỉ trọng thấp trong cơ cấu tiền gửi của ngân hàng.
“OCB đang có động thái đi trước để tương lai 1 trong 2 năm nữa phải điều chỉnh lại cơ cấu này”, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc OCB, cho biết. Đại diện Eximbank cũng cho biết ngân hàng này đang muốn thay đổi điều đó và đang thăm dò phản ứng của người gửi tiền. Ở góc độ khác, thị trường Việt Nam đã quá quen thuộc với việc gửi tiền ngắn hạn. Trong khi đó, các ngân hàng cũng cần những khoản tiền gửi lớn để tài trợ cho các dự án trung và dài hạn, vốn chiếm
tỉ trọng cao.
Thị trường hiện nay khá căng thẳng khi tín dụng trung, dài hạn tăng nhanh, liên tục và chiếm tỉ trọng cao trong tổng dư nợ, làm tăng rủi ro mất cân đối về kỳ hạn nguồn vốn và sử dụng vốn. Sự căng thẳng này đã buộc Ngân hàng Nhà nước phải đứng ra giải thích. “Việc gia tăng đầu tư tín dụng trung, dài hạn có thể tạo áp lực lên huy động vốn trung, dài hạn cũng như mặt bằng lãi suất trên thị trường”, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước viết.
Cũng có ý kiến cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến quyết định tăng lãi suất ở các kỳ hạn dài của ngân hàng là nhằm chuẩn bị trước cho áp lực sửa đổi Thông tư 36, hiện đang có dự thảo là giảm tỉ lệ vốn cho vay trung và dài hạn trên tổng vốn ngắn hạn giảm từ mức 60% về 40%. Song có lẽ đây chưa phải là vấn đề mà các ngân hàng thực sự lo ngại, vì tỉ lệ này mới chỉ ở mức 31%, thấp hơn nhiều so với con số tiêu chuẩn đưa ra, theo chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực.
Thanh khoản vẫn ổn định
Đợt tăng lãi suất này không chỉ tập trung ở các kỳ hạn trên 12 tháng, mà lãi suất ở các kỳ hạn ngắn cũng đang có tín hiệu nhích lên so với thời điểm này hồi năm ngoái. Theo đó, nhiều ngân hàng có quy mô tài sản nhỏ đã tăng mức lãi suất lên sát mốc 5,5%, là mức trần lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước hiện quy định. Trong số này có Ngân hàng Quốc Dân, Nam Á hay OCB.
Như vậy, lãi suất năm nay đã có tín hiệu biến động ngay từ thời điểm đầu năm, trái ngược với tình hình năm ngoái. Ví dụ như Techcombank, lãi suất kỳ hạn 6 tháng hồi đầu tháng 3 năm ngoái là 5%, còn bây giờ lên mức 5,58%. Tương tự ở Sacombank, lãi suất kỳ hạn 1 tháng đã tăng thêm 0,5 điểm phần trăm, lên mức 4,8%.
Tỉ trọng dư nợ trung và dài hạn trong tổng dư nợ
Liệu những diễn biến trên có phải là dấu hiệu cho thấy ngân hàng đang gặp sức ép về thanh khoản? Cho đến nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy thanh khoản của ngân hàng đang gặp vấn đề, thậm chí ngược lại. Lãi suất liên ngân hàng hiện vẫn thấp hơn đáng kể so với mức trung bình của 2 tháng trước đó, Công ty Chứng khoán BVSC nhận định. “Sau Tết, dòng tiền có xu hướng quay trở lại hệ thống, giúp thanh khoản của các ngân hàng ở mức dồi dào”, báo cáo của BVSC viết.
Còn ông Tùng thì cho rằng: “Nếu thanh khoản thực sự khó khăn, ngân hàng đã huy động kỳ hạn ngắn để tập trung xử lý”. Đây cũng là điểm khác biệt với cuộc chạy đua lãi suất trước đây.
Cuộc đua lãi suất lần này có thể hiểu đơn giản hơn là ngân hàng mong muốn vẽ lại đường cong lãi suất. Đường cong lãi suất là tập hợp các mức lãi suất ở kỳ hạn ngắn cho đến dài, theo nguyên tắc kỳ hạn càng dài thì lãi suất càng lớn. Với lãi suất ở kỳ hạn dài tăng mạnh mẽ và lãi suất ở kỳ hạn ngắn tăng ít hơn, đường cong lãi suất nay có thể nói là đã cong hơn và dịch chuyển lên trên.
Theo nhận định của ông Tùng, trong tương lai, mặt bằng lãi suất vẫn nằm trong xu thế tăng. Ông cho rằng mức tăng này lại là tín hiệu tốt, vì nó tương ứng với sự điều chỉnh tích cực của nền kinh tế. Năm ngoái, nhiều ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng đáng kinh ngạc, lên đến 18% trong khi tốc độ tăng trưởng tiền gửi chỉ hơn 16,6%. Năm nay, Ngân hàng Nhà nước dự kiến điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng lên cao hơn một chút (18-20%). Rõ ràng, đây cũng là một áp lực cho ngân hàng bắt đầu trữ dần vốn cho tương lai sắp đến.
Thiên Phong (NCĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.