Hôm nay 24-12, trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn chính thức giảm xuống 8%/năm và trần lãi suất cho vay 4 lĩnh vực ưu tiên còn 12%/năm. Các lãi suất tái cấp vốn cũng giảm từ 10%/năm xuống 9%/năm, tái chiết khấu từ 8%/năm xuống 7%/năm, cho vay qua đêm trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các NHTM từ 11%/năm xuống 10%/năm. Động thái này của NHNN đã được thị trường đón đầu hơn nữa tháng nay. Tuy nhiên, sự bất ổn của giá vàng trong nước đang là nỗi lo đối với các NHTM.

Người gửi đón đầu

Cơ sở để hạ lãi suất do tăng trưởng tín dụng của các NHTM rất chậm, lãi suất qua đêm liên NH xuống mức đáy của 3 tháng gần nhất, cho thấy các NHTM đang thừa vốn khả dụng.

Giảm lãi suất huy động cũng nhằm giúp NHTM tiết giảm chi phí, tiếp tục hạ lãi suất cho vay, chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp. Đón đầu xu thế giảm lãi suất này, từ đầu tháng 12 đến nay các NHTM liên tục hạ lãi suất huy động kỳ hạn dài xuống với mức phổ biến 11-11,5%/năm, cao nhất 12%/năm với món tiền gửi lớn.

Các NHTM cho biết do xu hướng lãi suất huy động giảm, các giao dịch của khách hàng gửi kỳ hạn 1 năm tăng hẳn lên. Nhiều khách hàng lên phương án, người đến đổi sổ kỳ hạn dài, người tính cách cho vay người thân để hưởng lãi cao. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng trong một nền kinh tế mà lãi suất có thể điều chỉnh giảm nhiều, việc gửi dài kỳ có lợi hơn.

Ngay sau thông tin NHNN hạ trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn, ngày 22-12 một số NHTM đã chủ động thực hiện trước. Cụ thể, tại một số chi nhánh Techcombank biểu lãi suất huy động sáng 22-12 đã thay đổi. Theo đó, lãi suất các kỳ hạn 1-11 tháng còn 8%/năm; các kỳ hạn từ 13 tháng trở lên còn 11%/năm; riêng kỳ hạn 12 tháng 11,5%/năm.

Theo một lãnh đạo NHTM, việc giảm trần lãi suất này chỉ tác động với khách hàng gửi kỳ hạn ngắn với món tiền nhỏ, còn khách hàng gửi số tiền lớn được các NHTM thỏa thuận kỳ hạn dài hưởng lãi suất 11-12%/năm, nhưng có thể rút tiền bất cứ lúc nào.

Lãi suất huy động giảm nhưng liệu lãi suất cho vay nền kinh tế có giảm, khi NHNN không áp trần lãi suất cho vay tất cả lĩnh vực mà vẫn chỉ 4 lĩnh vực ưu tiên. Theo một chuyên gia NH, các NHTM có nhiều lý do để ngụy biện cho việc cho vay lãi suất cao, rằng tỷ lệ vốn huy động lãi suất cao còn nhiều, nợ xấu cao phải trích lập dự phòng…

Vì thế khi NHNN áp trần lãi suất, họ buộc phải lách những khoản phí khác để phụ thu, nên trần lãi suất cho vay nếu áp hết cũng không có ý nghĩa. Tuy nhiên, hiện nay nhiều NHTM thừa vốn đưa lãi suất cho vay thấp 9-10%/năm nhưng không dễ tìm khách hàng tốt cho vay.

Áp lực từ vàng

Theo TS. Lê Đạt Chí, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, một trong những điều kiện cơ bản về giảm lãi suất là mục tiêu lạm phát đặt ở mức thấp. Chính phủ đặt mục tiêu CPI của nền kinh tế 7%, NHNN sẽ thực hiện chính sách tiền tệ theo mục tiêu lạm phát này.

Tức lãi suất trong nền kinh tế có thể giảm xuống bằng cách NHNN sẽ bơm vốn vào hệ thống NHTM. Không nên giảm lãi suất theo kiểu giảm lãi suất huy động ép người dân gửi tiền chia sẻ lãi suất với người đi vay là doanh nghiệp. Trần lãi suất cũng chỉ có giá trị trong ngắn hạn.

Có một thực trạng hiện nay là sự dẫn vốn của hệ thống NHTM vào nền kinh tế không đúng địa chỉ như mong muốn của NHNN. Trong khi đó, Thông tư ủy thác đầu tư của NHNN vẫn dừng ở dự thảo, chưa ban hành chính sách thay thế cho Thông tư 04 trong ủy thác đầu tư.

Nếu thông tư này sớm được ban hành, mục tiêu bơm vốn vào hệ thống NH sẽ dễ dàng hơn, qua đó NHNN sẽ mạnh dạn thực hiện chính sách lãi suất trên thị trường. Đó là cơ chế lãi suất cơ bản mà các NHTM trên thế giới áp dụng. Thông qua lãi suất cơ bản được điều hành trên vốn, các NHTM sẽ có nguồn vốn giá rẻ trong nền kinh tế một cách đúng hướng như mong muốn của Chính phủ.

Khi đó NHTM sẽ ưu tiên dẫn vốn vào nền kinh tế, nói cách khác họ là trung gian dẫn vốn trong nền kinh tế chứ không phải đổ vốn vào lĩnh vực đầu tư.

Ảnh minh họa: CAO THĂNG

Tuần qua còn là tuần giao dịch đầy biến động của giá vàng. Theo đó giá vàng trong nước giảm 400.000 đồng/lượng so với tuần trước, nhưng vẫn đắt hơn giá thế giới gần 4,7 triệu đồng/lượng. Có ngày giá vàng vênh đến 5 triệu đồng/lượng. Sự lệch pha giá vàng ngày càng trầm trọng hơn khi NHNN bày tỏ quan điểm không khuyến khích kinh doanh vàng miếng, vàng cũng không thuộc diện bình ổn giá. Giới kinh doanh vàng giải thích lý do độ vênh quá cao do nguồn cung khan hiếm.

Khi giá vàng thế giới có xu hướng giảm người dân vẫn mua vào nhưng lại không ai bán ra. Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) cho biết mấy ngày qua khi giá liên tục giảm, lực mua càng tăng mạnh nhưng người bán rất ít. Do đó, giá vàng trong nước đắt hơn giá vàng thế giới là điều tất yếu.

Nhiều doanh nghiệp còn e ngại nếu bán ra không biết có mua lại được không nên chẳng dám bán. Trong khi cung cầu mất cân đối, tính đến ngày cuối tuần qua, số vàng phi SJC được chuyển đổi mới đạt 188.000 lượng trong tổng số 350.000 lượng.

Nhiều lãnh đạo NHNN cho rằng độ vênh của giá vàng hiện nay không ảnh hưởng đến nền kinh tế vĩ mô, do không có dấu hiệu nhập lậu vàng khi NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng. Tuy nhiên, một chuyên gia kinh tế lo ngại khi giá vàng chênh lệch quá cao giữa thế giới và trong nước như hiện nay, người giữ vàng phát sinh tâm lý bán vàng rồi chờ khoảng cách rút ngắn sẽ lại đổ tiền ra mua lại.

Như vậy mục tiêu huy động vàng sẽ không khả thi. “Năm 2013 tiếp tục lộ trình tăng giá điện, giá thực phẩm cũng được cảnh báo đang nhích lên và áp lực lạm phát có thể quay lại. Hơn nữa trong bối cảnh lãi suất huy động giảm, không loại trừ người dân sẽ chuyển kênh đầu tư từ tiền gửi sang mua vàng khi thấy giá vàng trong nước vẫn giữ ở mức cao, nếu NHNN không có chính sách quản lý hiệu quả với thị trường vàng” - vị chuyên gia này nhận định.

Theo Thanh Như (SGĐTTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.