01/06/2017 2:34 PM
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, ngành ngân hàng với việc triển khai mạnh mẽ các chương trình tín dụng ưu đãi đối với doanh nghiệp (DN) thuộc một số ngành, lĩnh vực đặc thù nên tín dụng tăng trưởng tốt ngay từ đầu năm 2017.
Đến cuối tháng 4/2017, tín dụng tăng 5,76% so với cuối năm 2016, cao hơn so với cùng kỳ các năm gần đây; trong đó, tín dụng VND tăng 5,87%, tín dụng ngoại tệ tăng 4,64%.
Đáng chú ý, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay diễn biến ổn định từ năm 2016 đến nay, đặc biệt từ cuối tháng 9/2016, một số tổ chức tín dụng đã giảm 0,3-0,5%/năm lãi suất huy động, giảm 0,5-1%/năm lãi suất cho vay đối với sản xuất-kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.
“Mặt bằng lãi suất hiện nay đã giảm mạnh (chỉ bằng 40% lãi suất cuối năm 2011), phù hợp với mục tiêu điều hành, diễn biến tiền tệ và lạm phát, đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích của người gửi tiền, tổ chức tín dụng và khách hàng vay”, Thống đốc nói.
Tín dụng tăng, nhưng theo báo cáo sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc tiếp cận vốn tín dụng của các DN gặp rất nhiều khó khăn, nổi cộm là vấn đề thế chấp tài sản.
Ông Phan Thanh Tịnh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Thủy sản Việt Ân phản ánh, DN không thể vay tín chấp ngân hàng như trước, mà phải có tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, tài sản bảo đảm của DN đều đã nằm ở các ngân hàng, nếu DN mở rộng hoạt động sản xuất-kinh doanh, thực hiện vay vốn thì không thể tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO nhận xét, đối với ngành ngân hàng, cho vay và thu nợ là 2 mặt của một vấn đề, là nguyên nhân và kết quả của nhau, giống như câu chuyện giữa gà và trứng. Nợ xấu sẽ ảnh hưởng trực tiếp, rõ rệt và nguy hiểm đến việc cho vay.
Không thu được nợ thì cũng đồng nghĩa với không có khả năng cho vay. Thu được nợ càng ít thì cho vay càng ít và lãi suất càng cao. Nguyên nhân trước hết và cơ bản dẫn đến nợ xấu là do người vay không trả được nợ.
Trách nhiệm chủ yếu và cuối cùng phải trả nợ xấu là của bên vay. Tuy nhiên, có một thực tế đáng lo ngại là đa số nợ xấu của ngành ngân hàng đều có tài sản bảo đảm, nhưng lại quá khó, quá chậm được xử lý để thu hồi nợ.
Ông Nguyễn Đức Hưởng, cố vấn cao cấp LienVietPostBank chia sẻ, nếu các DN khi vay vốn ngân hàng đều phải có tài sản bảo đảm thì rất khó để phát triển kinh tế, nhưng ngân hàng phải ưu tiên cho các khách hàng có tài sản đảm bảo nhằm hạn chế nợ xấu phát sinh.
“Trong điều kiện bình thường thì không sao, nhưng khi nền kinh tế có biến động, kể cả có tài sản bảo đảm vẫn phát sinh nợ xấu và không thu được hết nợ, chứ chưa nói là tín chấp”, ông Hưởng nói và cho biết, dự thảo Nghị quyết nợ xấu của các tổ chức tín dụng có đoạn “cán bộ tín dụng để phát sinh nợ xấu có thể bị xử lý hình sự”, nghĩa là hình sự hóa vấn đề và đương nhiên, các ngân hàng đều “sợ”.
“Hình sự hóa là điều rất đáng lo ngại, cần có biện pháp tháo gỡ”, ông Hưởng nhấn mạnh.
Nhuệ Mẫn (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.