Từ nay đến cuối năm vẫn còn dư địa để giảm lãi suất
Theo NFSC, trong bảy tháng đầu năm, ngoại trừ tháng 1 (tháng tết), lạm phát luôn thấp hơn 5%. Lạm phát cơ bản (dựa trên chỉ số giá tiêu dùng không bao gồm giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa cơ bản và dịch vụ công) thậm chí luôn thấp hơn 4% kể từ tháng 4. Với xu hướng trên, NFSC dự báo lạm phát sẽ tiếp tục ổn định từ nay đến cuối năm. Nếu không có những biến động lớn về giá các mặt hàng cơ bản thì nhiều khả năng lạm phát cả năm 2014 sẽ xấp xỉ 5%.
Cùng với đó, NFSC nhận định lạm phát ổn định sẽ tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất đối với cả tiền gửi và cho vay. Tuy nhiên, tính đến tháng 7, tốc độ giảm của lãi suất cho vay lại chậm hơn nhiều so với huy động. Lãi suất tiền gửi VND giảm 0,6%, với mức bình quân là 5,53 %/năm; trong khi lãi suất cho vay chỉ giảm 0,25%, bình quân là 10,08 %/năm so với cuối năm ngoái. “Với lạm phát được dự báo sẽ tiếp tục ổn định từ nay đến cuối năm, mặt bằng lãi suất có điều kiện để tiếp tục điều chỉnh giảm, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh” - đại diện NFSC đề xuất.
Theo một chuyên gia tài chính ngân hàng, việc giảm lãi suất huy động và cho vay là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Chuyên gia này cho rằng từ nay đến cuối năm vẫn còn dư địa để giảm lãi suất. “Mặt bằng lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp nên ở mức dưới 8%-9%/năm áp dụng cho các đối tượng, không kể ưu tiên hay không ưu tiên. Đây là mức lãi suất hợp lý và để lãi suất cho vay ở mức đó thì lãi suất huy động có thể giảm xuống 5%-6%/năm” - chuyên gia này kiến nghị.
Ngoài ra, theo chuyên gia này, giảm lãi suất huy động không ảnh hưởng đến việc gửi tiền ở các ngân hàng bởi trong hoàn cảnh hiện nay, gửi tiết kiệm ở ngân hàng là kênh an toàn, khả quan nhất. “Trong trường hợp lãi suất huy động ngắn hạn dưới sáu tháng ở mức 5%/năm và dài hạn mức 6%/năm thì người dân vẫn chọn kênh đầu tư tiền gửi ngân hàng” - vị này nhận định.