02/04/2014 11:34 AM
Tuần qua, tất cả các ngân hàng đã đồng loạt giảm lãi suất huy động ngắn hạn, mức thấp nhất 1%/năm. Trong khi đó, lãi suất cho vay giảm chậm và có giới hạn.
Ưu đãi có giới hạn
Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định giảm một loạt lãi suất điều hành từ 18.3, không chỉ lãi suất huy động ngắn hạn được hạ dưới 6%/năm, các kỳ hạn dài cũng được điều chỉnh, đưa mặt bằng lãi suất xuống một mức thấp hơn.
Ngoài BIDV chính thức công bố giảm mặt bằng lãi suất cho vay vốn (lãi suất BIDV cho vay ngắn hạn VND đối các đối tượng ưu tiên gồm, như nông nghiệp nông thôn, tài trợ xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa... còn tối đa 8,0%/năm; cho vay các đối tượng thông thường tối đa 13%/năm…); còn lại, chỉ thấy rải rác các ngân hàng giới thiệu một số gói cho vay ưu đãi.
Chẳng hạn, ngân hàng LienvietPostbank cho biết dành 2.000 tỉ đồng và 100 triệu USD, lãi suất từ 7%/năm, cùng nhiều ưu đãi linh hoạt khác như ưu đãi về thời gian vay vốn, hạn mức vay và tốc độ giải ngân cho vay nhóm khách hàng cá nhân, hộ gia đình. Khách hàng có thể tự lựa chọn thời hạn ưu đãi tương ứng với mức lãi suất ưu đãi... Ngân hàng Maritime Bank, từ 12.3 đến 12.6 cho vay mua nhà, mua xe, đầu tư kinh doanh, thời hạn vay tối thiểu là 12 tháng, lãi suất 8%/năm (không công bố quy mô), lãi suất 8%/năm trong vòng 3 tháng đầu.
Việc giảm lãi suất, được tổng giám đốc một ngân hàng nhận xét, “các ngân hàng thương mại đã đi trước NHNN một bước”, còn theo góc nhìn của một chuyên gia tài chính là “các ngân hàng hạ giá để giải phóng tồn kho vốn”.
Việc tung ra các gói lãi suất ưu đãi của các ngân hàng, khá giống với các các chương trình khuyến mãi, “sale off” được rất nhiều doanh nghiệp bán lẻ áp dụng hiện nay. Theo đó, các doanh nghiệp thường quảng bá về quyền lợi tối đa, song bao giờ cũng đi kèm điều kiện và có giới hạn, do vậy, đa phần khách chỉ được phần tối thiểu.
Đơn cử như gói 2.000 tỉ đồng và 110 triệu USD được vay vốn ưu đãi của ngân hàng Liên Việt, mức lãi suất ưu đãi 7%/năm chỉ được cố định trong 3 tháng kể từ ngày giải ngân; lãi suất 8% tại Maritime Bank cũng có thời hạn tương tự, sau đó có thể phải thỏa thuận theo giá thị trường.
Mặt khác, với dư nợ tín dụng của Liên Việt gần 30.000 tỉ đồng đến hết năm 2012 (ngân hàng chưa có báo cáo tài chính 2013), khoản vay 2.000 tỉ đồng và 110 triệu USD - được cho là ưu đãi - cũng chỉ chiếm tỉ trọng hơn 13% trong tổng số vốn vay của ngân hàng này. Tính chung lại, từ đầu năm 2014 đến thời nay, có khoảng hơn chục chương trình cho vay ưu đãi kiểu như LienvietPostbank hay Maritime Bank được giới thiệu ra thị trường, tổng giá trị một vài chục ngàn tỉ đồng. Như vậy, lượng vốn vay lãi suất “ưu đãi” này chỉ chiếm một phần rất nhỏ bé trong tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế lên tới trên 3 triệu tỉ đồng.

Cá nhân khó vay lãi suất dưới 15%

Khảo sát của PV, trên thực tế, nhiều khách hàng vẫn đang phải vay vốn mức lãi suất gấp đôi, gấp ba so với mức trần lãi suất huy động ngắn hạn hiện nay, nhất là với các tiểu thương, hộ kinh doanh cá thể và các cá nhân tiêu dùng.

Chị Đỗ Thanh Vân, chủ shop thời trang nữ, tại phố Bà Triệu, Hà Nội cho biết, chị có nhu cầu phát triển thêm một cửa hàng nữa tại khu vực Cầu Giấy, song thiếu vốn và được giới thiệu dịch vụ cho vay kinh doanh trả góp của ngân hàng ngân hàng Maritime Bank. Theo nhân viên ngân hàng, với chương trình này, khách có thể vay từ 10 triệu đến cả tỷ đồng, tùy nhu cầu và tài sản thế chấp, thời hạn từ 3 đến 5 năm, tiền gốc và lãi được trả hằng ngày.
Với nhu cầu vay vốn khoảng 500 triệu đồng của chị Vân, thời hạn 5 năm, nhân viên tín dụng cho biết, mỗi ngày chị Vân phải trả 511.000 đồng, đều đặn cho đến khi hết thời hạn vay vốn. Chị Vân nhẩm tính, tổng cộng số tiền cả gốc và lãi chị phải trả trong vòng 5 năm là 919.800 đồng, tương ứng 15,3 triệu đồng/tháng và gần 84 triệu đồng/năm.
Như vậy, lãi suất khoản vay theo chương trình này xấp xỉ 16%/năm, tính ra sau 5 năm, tổng số tiền lãi người vay phải trả ngân hàng gần tương đương số tiền gốc. Chị Vân băn khoăn: “Cửa hàng mới, nếu quản lý tốt, mỗi tháng có lời 15 - 20 triệu là may lắm rồi. Nhưng nếu phải đi vay với lãi suất này, coi như tôi làm chỉ đủ trả lãi”.

Khảo sát của PV, trên thực tế, nhiều khách hàng vẫn đang phải vay vốn mức lãi suất gấp đôi, gấp ba so với mức trần lãi suất huy động ngắn hạn hiện nay, nhất là với các tiểu thương, hộ kinh doanh cá thể và các cá nhân tiêu dùng.

Nhân viên ngân hàng nài: “Chị cứ đi tham khảo thêm, nhưng lãi suất bên em vậy là mềm rồi đó, vì ngân hàng đang tập trung ưu đãi cho vay hộ kinh doanh cá thể, tiêu dùng. Với trường hợp của chị, em dám chắc chị khó vay được ở đâu mức lãi suất dưới 15%/năm”.

Người có nhu cầu vay tiêu dùng còn phải chịu lãi suất cao hơn. Anh Trần Văn Hải, nhân viên một công ty công nghệ, cho biết, cuối tháng 1 (trước Tết âm lịch) đã gõ cửa tới 4 - 5 ngân hàng để vay hơn 50 triệu đồng chuẩn bị cưới vợ, mà không nổi.
Tại một chi nhánh ngân hàng Agribank, lý do bị từ chối là cuối năm, ngân hàng không giải ngân. Ngân hàng Sacombank nói thẳng, đã hạn chế cho vay tiêu dùng, chỉ ưu tiên một số trường hợp là công chức như giáo viên, bác sĩ.
Ngân hàng Eximbank, nhân viên rào đón, hồ sơ khá chặt chẽ, bởi lâu nay nhiều cơ quan, doanh nghiệp xác nhận thường không chính xác về mức thu nhập.
Ngân hàng BIDV Đông Đô yêu cầu công ty anh Hải phải xác nhận sẽ gửi thông báo cho ngân hàng trong trường hợp anh có thay đổi về nơi làm việc, song công ty không chấp thuận. Cuối cùng, tại ngân hàng ANZ, anh Hải đã được vay 70 triệu đồng, sau khi thực hiện vài thủ tục rất chóng vánh, đơn giản. Tuy nhiên, mức lãi suất khoản vay tới 19%/năm và số tiền cả gốc, lãi anh Hải phải trả ngân hàng trong 5 năm là 136,5 triệu đồng!

Một chuyên gia tài chính, cho rằng, các chương trình ưu đãi, nhiều khi nhằm mục tiêu quảng bá thương hiệu cho ngân hàng là chính. Bởi ngoài vấn đề về cơ cấu, tỉ trọng, thì tiêu chí cho vay những gói này cũng thiếu rõ ràng, dễ làm phát sinh tình trạng xin - cho. “Mặt khác, nếu ngân hàng không tiết giảm chi phí, quản trị chặt chẽ, thì những càng có nhiều gói ưu đãi, càng dễ đổ dồn gánh nặng lãi suất lên những người vay còn lại”, chuyên gia nói.

Thu Thảo (Một thế giới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.