Mức lãi suất mới thấp nhất trong nhiều năm qua này được dự báo sẽ duy trì trong khoảng thời gian đủ dài để duy trì sự ổn định trong hoạt động của cả ngân hàng lẫn các doanh nghiệp. Với các lĩnh vực ưu tiên, lãi suất cho vay tối đa bằng tiền đồng trong ngắn hạn chỉ còn 7%/năm, trung và dài hạn là 10%/năm.
Với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường, lãi suất cho vay cũng chỉ 7 – 9%/năm với ngắn hạn và 9,5 – 11%/năm với trung và dài hạn. Đây được xem là mức lãi suất phù hợp với diễn biến của kinh tế vĩ mô và chỉ số CPI. Quan trọng hơn, còn là sự ổn định, giúp các doanh nghiệp bắt đầu hướng đến việc vay vốn mở rộng hoạt động kinh doanh.
Dĩ nhiên, về phía doanh nghiệp, lãi suất cho vay giảm tiếp sẽ còn tốt hơn, tuy nhiên xét trong mối tương quan giữa lạm phát và lãi suất huy động, điều này là rất khó.
Với mức lãi suất gửi tiết kiệm hiện nay, nhiều người đã cân nhắc chuyển tiền tiết kiệm sang các kênh đầu tư khác. Việc tiếp tục giảm lãi suất huy động xuống dưới 5% trong khi lạm phát vào khoảng 4 – 5%/năm là quá nguy hiểm, rất có thể khiến tiền không chảy vào ngân hàng nữa. Chưa kể một mức lãi suất cho vay quá thấp dễ khiến nhiều người chấp nhận rủi ro, vay tiền cho những khoản đầu tư mạo hiểm.
Với việc dư địa tăng, giảm lãi suất huy động trong thời gian tới gần như không còn, như vậy kỳ vọng về một giai đoạn ổn định lãi suất trong thời gian dài là dễ hiểu. Khi ấy, các chính sách về tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước cũng như những bước đi của một số ngân hàng thương mại cũng mang tính dài hạn.
Trong Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực thi hành từ 1-2-2015 có một sự sửa đổi đáng chú ý liên quan đến điều này, đó là quy định về tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn.
Theo đó, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn theo tỷ lệ tối đa lên đến 60% (trước đây chỉ là 30%). Thực tế cho thấy, nguồn vốn huy động tại các ngân hàng đa phần là có kỳ hạn ngắn vì tâm lý của người gửi tiết kiệm là muốn chủ động nguồn tiền của mình.
Điều này không mới, cả ở Việt Nam lẫn trên thế giới, nên ngân hàng mới được xem là những người chuyên vay tiền ngắn hạn để cho vay dài hạn. Chính vì vậy, tỷ lệ tối đa 30% trước đây thực sự “bó chân bó tay” các ngân hàng, khiến họ không thể nào đáp ứng hết nhu cầu về nguồn vốn trung và dài hạn của các doanh nghiệp.
Mà nhu cầu đó là lớn, khi không phải doanh nghiệp nào cũng tự phát hành được trái phiếu hoặc cổ phiếu trên thị trường chứng khoán để bổ sung vào nguồn vốn trung, dài hạn của mình.
Trong khi chờ thông tư này có hiệu lực, một số ngân hàng trước đó đã tự tìm cách tăng năng lực cho vay trung, dài hạn của mình, thông qua kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Chẳng hạn, từ đầu năm 2014 đến nay, BIDV đã huy động đến 8.800 tỉ đồng qua phát hành trái phiếu. Một số ngân hàng khác như SeaBank, VPBank, HDBank… cũng đi theo hướng này.
Việc phát hành trái phiếu vừa giúp các ngân hàng có thêm nguồn vốn dài hạn giá rẻ để cung cấp cho những doanh nghiệp cần vốn trung và dài hạn, vừa giúp chính họ nâng cao chỉ số an toàn vốn (CAR), một chỉ tiêu rất quan trọng của các ngân hàng thương mại. Cuộc chơi dài hạn của lãi suất đã bắt đầu.