17/07/2012 1:58 PM
Một số doanh nghiệp bắt đầu làm thủ tục xin giảm lãi suất các khoản vay cũ về dưới 15%, nhưng mới nhận được tín hiệu tích cực từ ngân hàng lớn và ngân hàng cũng chỉ gật đầu với khách hàng tốt.

Không phải doanh nào cũng được điều chỉnh giảm lãi suất các khoản vay cũ. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Bà Phạm Thị Phương Liên, Giám đốc kinh doanh tiếp thị Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Tân Bình cho biết, ngay khi Ngân hàng nhà nước có chỉ thị đưa lãi suất các khoản vay cũ về dưới 15%, 3 hợp đồng vay của công ty đã được giảm lãi suất. Trong đó, Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) điều chỉnh một hợp đồng dài hạn từ lãi suất 18% xuống còn 15% một năm. Hai hợp đồng ngắn hạn thì được Vietcombank chi nhánh Nam Sài Gòn giảm lãi suất từ 13,5% một năm xuống còn 12,5%.

"Giảm được chi phí lãi vay trong thời điểm này có thể xem là một sự khích lệ tinh thần rất lớn cho doanh nghiệp. Hy vọng mưa dầm thấm lâu, dần dần lãi suất sẽ tác động tích cực đến tâm lý người tiêu dùng, giúp cải thiện sức mua”, bà Liên nói.

Lãnh đạo của Tổng công ty Xi măng cũng cho biết trong ngày 16/7, ngân hàng đã yêu cầu nhiều đơn vị con thuộc tổng công ty làm thủ tục hạ lãi suất. Vị này cho biết, trước đây các doanh nghiệp của ông vẫn vay đầu tư với lãi suất 17% mỗi năm.

Anh Phạm Thanh Hùng – Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Ba Huân – cho hay, cả BIDV và Sacombank đã chủ động mời anh lên làm việc để hạ lãi suất cho vay. Đến nay, lãi suất các khoản vay của doanh nghiệp này đã được đưa về dưới 15% một năm.

Trong khi đó, Tổng giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal), Huỳnh Phú Kiệt tiết lộ, doanh nghiệp mới đàm phán để điều chỉnh lãi suất cho các hợp đồng cũ. Ông Kiệt đánh giá việc giảm lãi suất này tuy khả thi nhưng sẽ không có nhiều hợp đồng được điều chỉnh. Theo ông, mức lãi suất trung và dài hạn lý tưởng doanh nghiệp bất động sản có thể đàm phán được khoảng 14% một năm.

Tổng giám đốc Hòa Phát Land - Phạm Trung Hà - cũng đang làm hồ sơ vay triển khai dự án chung cư với lãi suất khoảng 16-18%. Thông điệp hạ trần lãi suất sẽ giúp doanh nghiệp ông có cơ hội đàm phán được mức 15% mỗi năm.

Lãnh đạo nhiều ngân hàng thông tin, ngay từ khi Thống đốc Nguyễn Văn Bình đưa ra chỉ đạo hạ lãi suất, nhiều doanh nghiệp đã nóng lòng hỏi về thủ tục xin đàm phán, giảm lãi. Tuy nhiên, các ngân hàng cho biết không phải mọi khoản vay đều được điều chỉnh, một số đơn vị cũng ra điều kiện chặt chẽ cho đối tượng được giảm.

Nguồn tin từ một ngân hàng cổ phần quy mô vừa có trụ sở tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, đơn vị này chỉ áp dụng giảm lãi suất cho một số khoản vay chưa đến hạn trả nợ. Hơn nữa, những khoản vay đầu tư bất động sản, chứng khoán đều không được điều chỉnh.

Phó trưởng phòng kinh doanh Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Nam Sài Gòn, Nguyễn Như Tưởng chia sẻ: "Chúng tôi điều chỉnh cho các hợp đồng cũ nhưng có phân biệt ngành nghề và thời hạn vay". Theo đó, nếu vay trung và dài hạn mức lãi suất từ đầu tuần này là 14,6% một năm trong khi vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ lãi suất là 12% một năm. Nhóm doanh nghiệp sản xuất cũng được ưu tiên vay 12% một năm nhưng doanh nghiệp thương mại hiện có thể tiếp cận mức lãi suất 12,5-13,5% một tháng.

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng toàn ngành ngân hàng, Thống đốc đã chỉ đạo các ngân hàng hạ lãi suất từ ngày 15/7. Tuy nhiên, trao đổi với VnExpress.net, nguồn tin từ một ngân hàng phía Nam cho biết đến nay chưa điều chỉnh lãi suất cho bất cứ một khoản vay nào. Mặc dù cam kết sẽ không “kháng” lệnh Thống đốc nhưng ngân hàng này cho biết chưa thể thực hiện ngay bây giờ, và sắp tới nếu làm cũng chỉ giảm lãi suất cho khách hàng tốt.

Đa phần các ngân hàng đều không xem xét điều chỉnh cho doanh nghiệp chậm trả lãi hoặc bị xếp vào nhóm “nợ theo dõi”. Tổng giám đốc một công ty thiết bị viễn thông tại Hà Nội cho rằng, việc ngân hàng chỉ “thoáng” cho các doanh nghiệp lĩnh vực tốt và có hoạt động kinh doanh ổn định vốn có là chưa hợp lý. “Doanh nghiệp đang gặp khó khăn mới là những người cần hỗ trợ nhiều nhất”, vị này lập luận.

Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản cho biết dù ngân hàng đã cởi mở hơn song điều kiện cho vay vẫn ngặt nghèo và nhà băng luôn nắm đằng chuôi. Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép giải thích, hiện chỉ doanh nghiệp lớn trong ngành có uy tín mới được vay với lãi suất dưới 15%. "Còn lại số đông doanh nghiệp nhỏ và vừa trong hiệp hội vẫn phải vay với lãi suất 17-18%", ông Cường nói. Trong ngày đầu thực hiện "lệnh", có thể cần có độ trễ nên Hiệp hội vẫn chưa nhận được báo cáo của doanh nghiệp về việc điều chỉnh các hợp đồng cũ.

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Cao Sỹ Kiêm thông tin, do mới thực hiện chỉ đạo được vài ngày nên hiện ông cũng chưa nhận được báo cáo từ phía các doanh nghiệp. Đồng tình với ông Cường, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng cũng cần vài ngày để việc điều chỉnh lãi suất được tiến hành.

Theo ông Cường, nhà băng yêu cầu phải là doanh nghiệp không nợ đọng, kinh doanh hiệu quả, có lãi. Trong khi đó, những tháng đầu năm, doanh nghiệp thép "không lỗ đã là may". "Bước sang quý 4, khi thông điệp giảm lãi suất đủ độ trễ và vào mùa xây dựng, doanh nghiệp thép may ra sẽ sáng sủa hơn", ông Cường dự báo.

Theo VnExpress
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.