Khi xây dựng đề án Chiến lược phát triển thị trường bất động sản (BĐS), Bộ Xây dựng đúc kết: Từ năm 1993 đến nay, thị trường địa ốc Việt Nam phát triển mạnh, theo chu kỳ khoảng 7 - 8 năm lại xuất hiện một đợt sốt về giá cả cũng như lượng giao dịch. Cụ thể, vào các năm 1993, 2000 và 2007 đã xảy ra những cơn biến động BĐS, chủ yếu tại một số thành phố lớn.
Chỉ tính riêng giai đoạn 2003 đến nay, thị trường BĐS đã có nhiều biến động. Cụ thể giai đoạn 2003-2006 thị trường trầm lắng, kém sôi động chỉ có mua bán trong dân, các dự án BĐS cũng không có nhiều giao dịch, giá cả tương đối ổn định.
Từ cuối năm 2007 đến tháng 3/2008, thị trường BĐS sôi động tại một số thành phố lớn do hiện tượng nhiều nhà đầu tư chuyển hướng đầu tư từ thị trường chứng khoán sang thị trường BĐS.
Đồng thời, do lãi suất vay ngân hàng thấp và cho vay dễ dàng cộng với tâm lý đám đông, a dua của người dân làm những người có tiền nhàn rỗi lo lắng về lạm phát, đồng tiền mất giá cũng lao vào vòng xoáy mua bán kiếm lời làm tăng nhu cầu. Điều này đã đẩy giá nhà chung cư tăng cục bộ ở một số dự án, một số khu vực nhất định.
Những căn biệt thự, liền kề không người ở là hệ lụy của việc phát triển BĐS quá nóng thời gian trước đây khi nhiều nhà đầu tư đổ mạnh tiền ra mua nhà đất đầu cơ.
Tuy nhiên, hiện tượng quá nóng của thị trường BĐS đã “chững lại” dưới tác động của những chính sách kiềm chế lạm phát như: hạn chế tỷ lệ cho vay BĐS, lãi suất cho vay cao... Do đó, từ tháng 6/2008 thị trường BĐS giảm mạnh về giá và số lượng giao dịch.
Giá căn hộ chung cư cao cấp giảm đáng kể từ 35% - 60% (xấp xỉ giá trước thời kỳ sốt năm 2007 và xấp xỉ giá bán ra của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS), giá đất nền nhà riêng lẻ, nhà biệt thự giảm khoảng 30%.
Từ cuối năm 2009, đầu 2010 đến nay thị trường BĐS tiếp tục gặp khó khăn, giá cả BĐS sụt giảm ở tất cả các phân khúc thị trường. Số lượng giao dịch không nhiều, một số dự án không có giao dịch. Nhiều doanh nghiệp BĐS gặp khó khăn, nhất là các doanh nghiệp tiềm lực tài chính hạn chế, phải vay vốn từ ngân hàng hoặc dựa vào nguồn vốn huy động từ khách hàng để triển khai dự án, khi thị trường trầm lắng sẽ bị thua lỗ, không có khả năng trả nợ ngân hàng.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2013 đến đầu 2014, Bộ Xây dựng đánh giá thị trường địa ốc đã có nhiều chuyển biến tích cực. Phân khúc căn hộ giá dưới 15 triệu đồng mỗi m2, diện tích nhỏ có lượng giao dịch nhiều nhất, do phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của thị trường. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường nhiều chủ đầu tư đã điều chỉnh dự án, điều chỉnh cơ cấu căn hộ, tập trung vào phân khúc bình dân, diện tích vừa và nhỏ.
Sở dĩ thị trường có những biến động bất thường về giá cả trong thời gian qua, Bộ Xây dựng cho rằng, do việc đầu tư các dự án tràn lan trong khi việc cấp phép phát triển dự án tại các địa phương thiếu căn cứ vào nhu cầu của thị trường làm cho thị trường phát triển không cân xứng.
Lợi nhuận trong kinh doanh bất động sản cao đã phát đi những tín hiệu sai lệch về nhu cầu và khả năng chi trả thực sự của thị trường dẫn đến các doanh nghiệp đã đổ xô vào đầu tư phát triển BĐS, kể cả các doanh nghiệp không có kinh nghiệm và năng lực tài chính.
Bên cạnh đó, việc Nhà nước quản lý các tập đoàn, tổng công ty chưa chặt chẽ, đã xảy ra tình trạng tập trung lượng tiền lớn đến hàng chục ngàn tỷ đồng đầu tư trái nghành nghề, phần lớn đầu tư vào lĩnh vực BĐS. Điều này góp phần làm cho giá BĐS biến động.
Như vậy, với cách tính toán của Bộ Xây dựng, cứ khoảng 7 năm lại xuất hiện một đợt “sốt” về giá cả BĐS thì rất có khả năng sẽ chuẩn bị xuất hiện một đợt biến động về giá cả BĐS, có thể vào khoảng năm 2014-2015.