Nhà mạng MobiFone từng có kế hoạch cổ phần hóa nhưng chưa triển khai - Ảnh: TL. |
Các bản báo cáo tổng kết tháng/quí gần đây của Bộ Tài chính, cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm với kế hoạch này, không còn đề cập một dòng nào về thành tích cổ phần hóa (CPH) nữa.
Thông tin cập nhật nhất trên Cổng thông tin điện tử của bộ này về cổ phần hóa được đưa ra từ hồi tháng 5-2012, theo đó chỉ có vỏn vẹn 6 DNNN được cổ phần hóa trong cả năm 2011 và quí 1 năm nay.
Có thể, kế hoạch cổ phần hóa 93 DNNN trong năm nay sẽ lại không đạt mục tiêu khi Bộ Tài chính sẽ phải công bố danh sách vào cuối năm nay, như thông lệ.
Ông Deepak Mishra, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới bình luận: “Thậm chí mục tiêu khiêm tốn là CPH 93 DNNN trong năm nay, trong đó có nhiều doanh nghiệp nhỏ và trung bình, là khó đạt được”.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Vũ Bằng nhận xét: “Cổ phần hoá DNNN trong bối cảnh thị trường chứng khoán đi xuống là rất khó khăn vì sức cầu yếu ở cả nhà đầu tư tư nhân và nhà đầu tư tổ chức”.
Hơn nữa, thị trường chứng khoán lại trải qua một cú sốc cực mạnh vào ngày 20-8 vừa rồi do vụ việc liên quan đến ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) và Ngân hàng ACB, theo đánh giá của tiến sĩ Edmund Malesky, chuyên gia trưởng báo cáo cạnh tranh cấp tỉnh do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện hàng năm.
“Vận mệnh của thị trường đã rẽ sang bước ngoặt quan trọng sau ngày 20-8… gửi đến nhà đầu tư tín hiệu cảnh báo rằng đất nước đang phải đối mặt với khó khăn nghiêm trọng ở tầm vĩ mô và lĩnh vực ngân hàng”, ông Malesky nói và ám chỉ rằng thị trường đã mất tới gần 6 tỉ đô la Mỹ vào tuần đầu tiên sau sự kiện này.
Trong khi đó, cam kết chính trị liên quan đến cổ phần hóa lại có mức thời gian khác nhau. Chẳng hạn, Quyết định 929 – văn bản quan trọng nhất về tái cơ cấu DNNN do Chính phủ ban hành hồi tháng 7 năm nay - nêu: sắp xếp, cổ phần DNNN là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2015 nhưng Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trong phiên thảo luận với đại diện giới doanh nghiệp tư nhân tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đầu tháng này lại khẳng định Chính phủ sẽ cổ phần hóa hết DNNN tới năm 2020.
“Chương trình CPH có lẽ đang bị lãng quên đi. Người ta đang biện minh là còn mấy năm nữa để hoàn thành”, tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, bình luận.
Ông Vũ Bằng nói: “Rõ ràng là chúng ta phải thúc đẩy quá trình này, không thì tiến trình tái cấu trúc khu vực DNNN và nền kinh tế nói chung sẽ bị chậm lại”.
Theo ông Deepak của Ngân hàng Thế giới, đến cuối 2011, khoảng 4.000 DNNN được CPH, chủ yếu thuộc quyền quản lý của chính quyền địa phương nhưng trong đó chỉ có 117 doanh nghiệp được CPH từ 2008- 2011. Ông nói: “Việt Nam cần phải có nhiều nỗ lực hơn nữa để đạt được mục tiêu tham vọng CPH được hơn 600 DNNN hiện do nhà nước nắm giữ 100% vốn đến năm 2015”.
Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong 20 năm qua, số lượng DNNN đã giảm đáng kể, từ hơn 12.000 xuống còn khoảng 1.300 DN vào cuối năm 2011. Tuy vậy, chưa tới 15% sở hữu nhà nước được chuyển sang các chủ sở hữu khác. Trong khi đó, quy mô và vốn của các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước lại không ngừng tăng cao thời gian mấy năm qua.