CafeLand - Trong báo cáo mới đây, Ngân hàng Standard Chartered dự báo mức tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2019 sẽ khoảng 6,9%.

Nhiều gam màu sáng

Báo cáo cho biết, hầu hết các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã được cải thiện trong năm 2018. Nổi lên là lãi suất và tỷ giá được duy trì ổn định mặc dù Fed tiếp tục tăng lãi suất và tình hình căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ông Nirukt Sapru, Tổng Giám đốc Việt Nam và nhóm năm nước ASEAN và Nam Á, Ngân hàng Standard Chartered, nhận định hầu hết các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã được cải thiện trong năm 2018. Lãi suất và tỷ giá được duy trì ổn định mặc dù Fed tăng lãi suất và tình hình căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, nợ xấu được quản lý ở mức dưới 3%. Những thành tựu này đã giúp giảm thiểu sự bất ổn của thị trường, tăng cường tính cạnh tranh trong xuất khẩu của Việt Nam so với các quốc gia ASEAN, thu hút FDI và nâng cao niềm tin của công chúng vào năng lực quản lý và chính sách của NHNN.

FDI tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng kinh tế năm 2019

“Chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á cũng như là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm 2019”, ông Nirukt Sapru chia sẻ.

Ông Chidu Narayanan, chuyên gia kinh tế khu vực châu Á thuộc Ngân hàng Standard Chartered, khẳng định: “Chúng tôi lạc quan về tăng trưởng của Việt Nam trong trung hạn nhờ hoạt động sản xuất diễn ra mạnh mẽ khi dòng vốn FDI chảy vào lĩnh vực sản xuất hàng điện tử tiếp tục duy trì ở mức cao”.

Standard Chartered dự báo, dòng vốn FDI tiếp tục chảy mạnh vào lĩnh vực sản xuất sẽ thúc đẩy hoạt động trong lĩnh vực này. Các chuyên gia kinh tế của ngân hàng này dự báo, FDI vào Việt Nam sẽ duy trì ở mức cao trong năm 2019, đạt xấp xỉ 15 tỉ USD, và dòng vốn chảy vào lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là sản xuất hàng điện tử, sẽ vẫn rất mạnh mẽ trong trung hạn.

Lĩnh vực bất động sản tiếp tục ổn định

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng hoạt động xây dựng diễn biến ổn định trong năm 2018, với mức tăng cả năm đạt 8,9%. Tăng trưởng trong lĩnh vực này, đặc biệt là khu vực bất động sản, sẽ tiếp tục ổn định trong năm 2019, đạt 7,5%.

Mức tăng trưởng chậm lại ở lĩnh vực xây dựng, vốn đóng góp 5% vào GDP, sẽ được bù đắp bởi mức tăng mạnh hơn ở lĩnh vực nông nghiệp với dự kiến sẽ tiếp tục duy trì đà phục hồi trong năm nay.

Standard Chartered cho rằng, NHNN sẽ tiếp tục duy trì chính sách linh hoạt để hỗ trợ tăng trưởng. Theo dự đoán của ngân hàng này, lãi suất sẽ ổn định trong năm 2019 và đồng VND sẽ tăng giá nhẹ. Khả năng thắt chặt chính sách trong nửa sau của 2019 có thể sẽ xảy ra nếu lạm phát tăng.

Theo báo cáo, trong năm 2019 lạm phát Việt Nam đạt trung bình 4%; xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh đạt 10%, nhập khẩu tăng trưởng dưới 10%, qua đó tiếp tục duy trì thặng dư thương mại. Tỷ giá USD - VND ở mức 23.100 đồng/USD vào giữa năm 2019 và 23.000 đồng/USD vào cuối năm 2019.

Nhận định về tình hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, cho biết bức tranh kinh tế thế giới năm 2018 đã thay đổi rất nhanh đặc biệt khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung bùng phát. Tuy nhiên, kết quả mà Việt Nam đạt được là rất ấn tượng.

Ông Hải tin rằng, trong năm 2019, Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất của châu Á dù sẽ phải đối mặt với những sóng gió từ sự suy giảm tăng trưởng của Trung Quốc, châu Âu và Mỹ - ba trong số các đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, do bảo hộ thương mại khiến bất ổn tăng trưởng toàn cầu gia tăng.

  • TS. Vũ Đình Ánh: Cần tăng lạm phát để phát triển

    TS. Vũ Đình Ánh: Cần tăng lạm phát để phát triển

    CafeLand - Các chuyên gia tài chính nhận định Chính phủ có thể kiểm soát tốt lạm phát, dưới 4% trong năm 2019,. Tuy nhiên, tiến sĩ Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, lại đề xuất không nên giữ mức lạm phát thấp, mà chủ động đẩy nó lên 5-6% để tạo dư địa cho tăng trưởng kinh tế.

Đình Vũ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.