Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết: Việc đẩy nhanh xây dựng hệ thống cầu kết nối giao thông khu đô thị (KĐT) Thủ Thiêm của TP Thủ Đức với trung tâm hiện hữu và khu nam TP rất cần thiết, cần được ưu tiên đầu tư.
Theo kế hoạch, cầu Thủ Thiêm 2 sẽ về đích vào tháng 9-2021. Ảnh: LP
Theo đó, trong bốn dự án cầu bắc qua sông Sài Gòn nối KĐT Thủ Thiêm với trung tâm TP có dự án cầu Thủ Thiêm 2 đang trong quá trình xây dựng. Còn ba dự án gồm cầu Thủ Thiêm 3, 4 và cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn đang trong quá trình nghiên cứu chủ trương đầu tư.
Cầu Thủ Thiêm 2 về đích vào tháng 9-2021
Theo tìm hiểu của PV, cầu Thủ Thiêm 2 (nối quận 1 và quận 2) khởi công năm 2015, dự kiến hoàn thành năm 2018. Vì một số lý do khách quan, dự án đã lùi thời gian hoàn thành đến năm 2020. Tuy nhiên, đến nay dự án tiếp tục vướng khoảng 11.000 m2 bằng bên phía quận 1. Chủ đầu tư và các cơ quan chức năng đang tìm hướng gỡ vướng.
Ông Bằng cho biết hiện công trình đạt hơn 70% khối lượng và UBND TP đã chấp thuận chủ trương xin gia hạn thời gian hoàn thành công trình đến ngày 9-9-2021.
Còn cầu Thủ Thiêm 3 (kết nối qua quận 4) đang trong quá trình nghiên cứu đầu tư. Được biết khoảng năm năm trước, UBND TP đã giao liên danh hai công ty nghiên cứu lập đề xuất dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 3 và mở rộng, nâng cấp đường Tôn Đản (quận 4) theo hình thức đối tác công tư. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được triển khai.
Cầu Thủ Thiêm 4 (nối KĐT mới Thủ Thiêm qua quận 7) là một trong 55 dự án trọng điểm của TP. Mới đây, dự án được Sở GTVT đề xuất UBND TP làm các công tác chuẩn bị đầu tư trong năm 2021. Ban đầu dự án được đề xuất đầu tư theo hợp đồng BT nhưng hiện nay hình thức đầu tư BT đã không còn trong Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Do đó, Sở GTVT TP.HCM đang đề xuất lập chủ trương đầu tư theo hình thức khác. Trên cơ sở đề xuất, dự kiến cầu được đầu tư từ vốn ngân sách kết hợp đầu tư theo hình thức BOT.
Ngoài ba dự án trên còn có dự án cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn nằm giữa cầu Thủ Thiêm 2 và hầm vượt sông Sài Gòn (kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm với quận 1). Cầu có hình chiếc lá nhỏ làm mái che, nhằm thu hút người dân do tiếp cận được cảnh quan sông Sài Gòn. TP cơ bản thống nhất phương án kiến trúc và giao Sở QH-KT phối hợp các bên liên quan hoàn chỉnh phương án thiết kế để xem xét, quyết định.
Kết nối Thủ Thiêm và TP Thủ Đức
Ông Phan Công Bằng đánh giá: “Hiện giao thông kết nối giữa KĐT Thủ Thiêm với trung tâm và khu nam TP còn hạn chế. KĐT Thủ Thiêm hiện nay chỉ kết nối giao thông với trung tâm hiện hữu tại quận Bình Thạnh và quận 1, chưa kết nối với khu nam. Vì vậy, việc đẩy nhanh xây dựng hệ thống cầu kết nối giao thông KĐT Thủ Thiêm với trung tâm hiện hữu và khu nam TP nhằm thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển KĐT Thủ Thiêm cần được xem xét ưu tiên”.
Bên cạnh đó, khi bốn cây cầu này hoàn thành sẽ góp phần kết nối giao thông từ phía nam sang phía đông. Đặc biệt, khi tuyến vành đai 2 hoàn thành còn kết nối giao thông từ quận 4, quận 7, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh sang TP Thủ Đức.
Kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, đánh giá từ KĐT Thủ Thiêm vào trung tâm TP bằng hầm Thủ Thiêm và cầu Thủ Thiêm 1 thì chưa đủ, hầm này phục vụ chủ yếu cho đại lộ Đông Tây. Nếu dùng hầm Thủ Thiêm làm giao thông chính vào trung tâm TP thì ngay đầu hầm sẽ tắc nghẽn. Đây chỉ là một tuyến phụ vào trung tâm.
“Vì vậy, những cây cầu nối từ KĐT Thủ Thiêm qua khu trung tâm hiện hữu, đặc biệt là cầu Thủ Thiêm 2, 3 nên đặt ưu tiên hàng đầu. Giá trị của KĐT Thủ Thiêm được khẳng định khi được kết nối thuận tiện với trung tâm hiện hữu và khu vực lân cận. Giao thông càng hoàn thiện thì càng thu hút đầu tư” - KTS Sơn nói.
Mặt khác, ông Sơn cho rằng chủ trương đầu tư cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn là cần thiết. Tuy nhiên, nếu chỉ làm cầu đi bộ thì sẽ lãng phí, không phù hợp với tầm vóc của Thủ Thiêm. TP cần kết hợp vừa đi bộ vừa phục vụ giao thông công cộng.
Mặc dù TP có tuyến metro số 1 nhưng tuyến này không có tác động giao thông công cộng giữa hai trung tâm (khu trung tâm hiện hữu - bờ tây) và khu trung trâm mới Thủ Thiêm - bờ đông). Cầu Thủ Thiêm 2, 3 và cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn cần nằm trong mạng lưới giao thông công cộng chứ không đơn giản chỉ là đường giao thông.
“Do đó, cần quy hoạch ba cây cầu trên nhanh chóng, đưa mạng lưới giao thông công cộng chạy vòng, chạy liên tục, phủ kín cho giao thông trung tâm bờ đông và bờ tây TP” - ông Sơn nhận định.
Hai công trình giao thông cán đích dịp lễ 30-4Theo Ban quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông, trong dịp 30-4 sẽ có hai công trình giao thông được hoàn thành. Đó là dự án nâng cấp, sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh và cầu Mỹ Thủy 3 (TP Thủ Đức). Đối với dự án nâng cấp, sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh, hiện đã thi công được khoảng 80% toàn khối lượng dự án. Còn lại một số hạng mục như gia cố nền đất yếu, bê tông nhựa, kết nối giao thông, chiếu sáng đang được nhà thầu thực hiện. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào dịp lễ 30-4 năm nay. Còn dự án cầu Mỹ Thủy 3 cơ bản đã hoàn thành các hạng mục chính như phần cầu và đường. Dự kiến công trình hoàn thành trước tết Tân Sửu, tuy nhiên phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống chiếu sáng nên chủ đầu tư cũng dời thời gian về đích tới ngày 30-4 này. Hiện cầu Mỹ Thủy 1 và 2 mỗi cầu chỉ cho hai làn ô tô và một làn xe máy. Sau khi hoàn thành, cầu Mỹ Thủy 3 cùng với cầu Mỹ Thủy 1 và 2 có tổng bề rộng 60 m sẽ cho 10 làn ô tô và hai làn xe máy lưu thông. |
-
Dân cạn lời với cây cầu hơn 500 tỉ đồng nằm lỳ ở “nút thắt cổ chai”
CafeLand – Dự án xây dựng cầu Bưng nằm trên đường Lê Trọng Tấn (tiếp giáp giữa quận Tân Phú và Bình Tân, TP.HCM) nhằm hoá giải “nút thắt cổ chai” trên tuyến đường này song tiến độ thi công ì ạch kéo dài nhiều năm càng khiến tình trạng ách tắc thêm trầm trọng.