13/03/2013 7:40 PM
Bài viết này đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô qua ba mục tiêu: tăng trưởng, ổn định giá cả và kinh tế đối ngoại. Ngoài ra, bài viết cũng đánh giá về hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vì hoạt động này năm 2012 có nhiều sự kiện đáng chú ý.

Ảnh minh họa. Nguồn:Internet

Lạm phát năm 2012 và xu hướng 2013

Theo mục tiêu đề ra trong Nghị quyết của Quốc hội số 01 /NQ-CP ngày 03/01/2012, chỉ tiêu lạm phát được đặt ra dưới 10%. So với mục tiêu này, lạm phát năm 2012 đã được thực hiện rất tốt ở mức 6,81 %, thấp nhất từ năm 2007 tới nay.

Diễn biến CPI tháng trong năm 2012 có nhiều điểm đi ngược với quy luật - tăng đầu năm, giảm giữa năm, tăng cuối năm - của những năm trước đó khi vẫn tăng theo quy luật những tháng đầu năm, giảm sâu vào giữa năm (giảm vào tháng 6 và tháng 7, sau 38 tháng liên tiếp tăng với tốc độ nhanh, chậm khác nhau), đột ngột tăng vào tháng 9 và giảm từ tháng 9 cho đến cuối năm.

Kết quả này có được chủ yếu nhờ các giải pháp tiền tệ và tài khóa được đưa ra và thực hiện quyết liệt, kiên định (thể hiện ở Chính phủ không chạy theo mục tiêu tăng trưởng ngay cả khi CPI tăng thấp và giảm 2 tháng liền trong năm 2012) từ năm 2011.

Về giải pháp tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thể hiện tính kiên định trong kiểm soát lạm phát ngay từ đầu năm 2011 qua Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 01/03/2011 với tăng trưởng tín dụng dưới 20%, tăng tổng phương tiện thanh toán khoảng 15% - 16%; tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với tổng dư nợ tối đa 22% và tối đa 16% vào 31/12/2011 và tiếp tục kiên định chính sách đó cho đến nửa đầu năm 2012 trước khi giảm lãi suất điều hành lần thứ nhất vào ngày 13/03/2012.

Đi liền với mục tiêu là sự thống nhất trong các tín hiệu chính sách, thể hiện qua: (i) khống chế lãi suất huy động có kỳ hạn dưới 14% (Thông tư 02/2011/ TT-NHNN ngày 03/03/2011), lãi suất huy động không kỳ hạn dưới 6% (Thông tư 30/2011/TT- NHNN ngày 28/09/2011); (ii) liên tục tăng các lãi suất điều hành; tăng lãi suất tái cấp vốn lên gần 50% (từ 7% lên 12%) từ ngày 08/03/2011 và lên 13% vào ngày 1/5/2011; (iii) thực hiện các biện pháp kiểm soát hoạt động cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất bằng các công văn số 2956/ NHNN-CSTT ngày 14/04/2011; công văn 8844/NHNN-CSTT ngày 14/11/2011; (iv) ban hành Chỉ thị 02/CT-NHNN năm 2011 về chấn chỉnh thực hiện quy định mức lãi suất huy động và công văn số 8839/NHNN-TTGSNH1 ngày 14/11/2011 về việc xử lý vi phạm vượt trần lãi suất huy động tại một ngân hàng tại TP. Hồ Chí Minh. Sự quyết liệt đó đã làm lãi suất cho vay tăng cao trong một giai đoạn dài, giảm tăng trưởng tín dụng từ gần 27,7% trong năm 2010 xuống còn 12,7% năm 2011 tăng trưởng cung tiền từ 25% xuống còn 15%. Tiếp tục sang năm 2012, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm giảm, -0,28% tính đến ngày 31/5 (Nguyễn Hiền, 2012), ước tính cả năm là 6,45% (NHNN, 2012), chỉ bằng phân nửa so với chỉ tiêu đưa ra đầu năm là từ 15% - 17%. Đây là mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Tổng phương tiện thanh toán năm 2012 tăng lên khoảng 22,4% (NHNN, 2012), cao hơn chỉ tiêu đầu năm là khoảng 14% - 16%.

Về chính sách tài khóa, những năm gần đây, chính sách tài khóa cho thấy sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của cơ quan hoạch định chính sách tài khóa, thâm hụt ngân sách đã giảm suốt từ năm 2009 đến nay (2009: -6,9%; 2010: -6,2%; 2011: -4,9%: 2012: -4,8%). Chi cho đầu tư phát triển đã có xu hướng giảm so với trước đây nhờ một loạt các hoạt động cắt giảm chi tiêu công trong năm 2011 (với Quyết định 527/QĐ-BTC) và năm 2012, kéo theo tỷ lệ vốn đầu tư xã hội/GDP giảm: năm 2012 ước đạt 33,5%, thấp hơn so với năm 2011 là 34,6%. Tỷ trọng vốn đầu tư khu vực nhà nước trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội đã giảm từ 36,4% năm 2011 xuống còn 33,5% trong 9 tháng 2012.

Bên cạnh nguyên nhân trực tiếp từ thay đổi trong chính sách điều hành, chỉ số tiêu dùng giảm còn do nền kinh tế khó khăn, DN phá sản nhiều, thu nhập người lao động giảm dẫn đến tốc độ tăng sức mua của nền kinh tế giảm sút nhiều. Từ tháng 03/2011 đến cuối năm 2012, tốc độ tăng doanh số bán lẻ hàng hoá dịch vụ chững lại, tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng sau khi loại trừ yếu tố tăng giá chỉ xoay quanh 6,2%, thấp bằng mức khủng hoảng 2008 và chưa bằng một nửa tốc độ tăng trong giai đoạn hậu khủng hoảng 2009-2010. Tốc độ tăng doanh số bán lẻ hàng hóa dịch vụ chững lại trong khi kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng nhanh cho thấy sức mua thị trường nội địa đã giảm sút và sau khi thị trường xuất khẩu hồi phục, các DN không còn chú tâm đến thị trường nội địa như những năm 2009-2010 nữa (giai đoạn sức mua mãnh liệt của thị trường nội địa đã cứu các DN, đặc biệt là DN xuất khẩu giảm bớt khốn đốn vì thị trường xuất khẩu bị thu hẹp).

Trên cơ sở thành quả đạt được trong kiềm chế lạm phát năm 2012, có ý kiến cho rằng lạm phát đã giảm khá thấp, do vậy, đã tới lúc đẩy mạnh tín dụng, cung tiền cũng như tăng chi tiêu công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo tác giả, trong bối cảnh như đã phân tích ở trên, lạm phát ở mức một chữ số có thể thực hiện được trong năm 2013 nếu thận trọng trong nới lỏng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Việc mở rộng nhanh cung tiền và tài khóa cần hết sức thận trọng, bởi vì để hỗ trợ cho tăng trưỏng kinh tế, lãi suất điều hành trong năm 2012, NHNN đã hạ lãi suất tới 6 lần; các ngân hàng sử dụng hết chỉ tiêu tín dụng cũng được cấp thêm, đến tháng 05/2012, tốc độ tăng trưởng tín dụng âm nhưng 7 tháng cuối năm, tăng trung bình hơn 1 %. Đây là sự nới lỏng chính sách tiền tệ không nhỏ. Do vậy, cần hết sức thận trọng vì chính sách tiền tệ có độ trễ từ 6 đến 7 tháng. Nếu không cẩn trọng, rất có thể rơi vào quy luật lạm phát từ năm 2000 đến nay 1 cứ hai năm tăng, một năm giảm.

Tăng trưởng kinh tế năm 2012 và triển vọng năm 2013

Năm 2012, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là 5,03%, thấp nhất trong một thập kỷ qua. Tăng trưởng kinh tế năm 2012 không đạt mục tiêu đề ra nhưng trong bối cảnh Việt Nam phải thực hiện mục tiêu ưu tiên là kiềm chế lạm phát - mà các giải pháp thực hiện mục tiêu này thường có hiệu ứng phụ là tăng trưởng kinh tế bị suy giảm và trong bối cảnh suy giảm chung của kinh tế toàn cầu: 3,8% năm 2011; 3,3% năm 2012 (IMF, 2012) thì tốc độ tăng 5,03% này là chấp nhận được. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,72%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,52%; khu vực dịch vụ tăng 6,42%. Tăng trưởng của khu vực công nghiệp, nông nghiệp trong khi được hỗ trợ của Chính phủ theo Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 10/05/2012 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường gợi lên nhiều suy nghĩ về chính sách ưu đãi...

Tăng trưởng kinh tế có kết quả tích cực, thể hiện ở tăng trưởng đã cao lên qua các quý lần lượt là 4,64%, 4,80%, 5,05%, 5,44% và tăng trưởng đạt được ở cả 3 nhóm ngành, trong đó nhóm ngành dịch vụ tăng cao hơn tốc độ chung nhưng so với những năm gần đây, vẫn theo đà giảm dần. Cả ba khu vực đều có mức tăng trưởng thấp so với năm nhưng khu vực nông nghiệp lại giảm sút nhiều hơn so với năm trước. Sự chững lại của tốc độ tăng trưởng do các nguyên nhân sau: (i) ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Với dự báo tình hình kinh tế thế giới tiếp tục suy giảm, Việt Nam cũng không thể nằm ngoài những ảnh hưởng chung đó khi độ mở nền kinh tế hiện thời đã khá lớn; (ii) Việt Nam phụ thuộc vào mô hình kinh tế dựa vào tài nguyên, vốn và số lượng lao động chất lượng chưa cao. Mô hình này đã không còn phù hợp nhưng việc tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng vẫn chưa hoàn thành (bằng chứng là cả trong mục tiêu tổng quát năm và 2013 đều lặp lại cụm từ "tái cơ cấu" và "chuyển đổi mô hình tăng trưởng"); (iii) tính bất ổn định của nền kinh tế thế giới và bản thân nền kinh tế Việt Nam còn rất lớn. Những bất ổn này có thể tác động xấu đến nền kinh tế Việt Nam. Bản thân Việt Nam cũng tồn tại các bất ổn thể hiện qua chỉ số bất ổn kinh tế vĩ mô MII (Macroeconomic Instability Index) và chênh lệch giữa GDP thực và GDP danh nghĩa; (iv) chỉ số hàng tồn kho trong công nghiệp chế biến và chế tạo đến ngày 1/12/2012 ở mức 20,1% . Cùng với tồn kho thì chỉ số tiêu thụ tại khu vực chế biến - chế tạo đầu tháng 12/2012 cũng ở mức khá thấp so với cùng kỳ năm 2011. Tuy nhiên, mức bán hàng này cũng đã được cải thiện đáng kể so với mức 17% vào đầu tháng 2/2011. Tình hình tồn kho nhiều, sức tiêu thụ chậm, đặc biệt tồn kho trong lĩnh vực bất động sản đang là trở ngại lớn dẫn đến tình trạng nợ xấu của nền kinh tế.

Tình trạng này cũng tương đồng với đánh giá của công ty tư vấn hàng đầu thế giới A.T. Kearney: Năm 2012, Việt Nam đã không còn nằm trong 30 quốc gia đang phát triển có thị trường bán lẻ sôi động nhất thế giới (A.T. Kearney, 2012) sau khi xếp hạng 23 năm 2011 (A.T. Kearney, 2011), hạng 14 năm 2010, hạng 6 năm 2009 (A.T. Kearney, 2010).

Nhà nước đã có nhiều quyết sách, nỗ lực để ngăn chặn đà tăng chậm lại như Nghị quyết 13 với gói giải pháp trị giá 29.000 tỷ đồng nhằm giãn thời gian nộp thuế VAT, giảm tiền thuê đất, tái cơ cấu nợ... Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa như kỳ vọng. Để đảm bảo tăng trưởng kinh tế, trước hết, cần giải quyết hàng tồn kho vì tồn kho lớn ảnh hưởng đến khả năng quay vòng vốn của DN, ảnh hưởng đến thu nhập DN, thu nhập người lao động và sức cầu của nền kinh tế. Tình trạng này cũng dẫn đến gia tăng nợ xấu.

Để giải quyết hàng tồn kho đòi hỏi nỗ lực của DN trong tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước, mở rộng mạng lưới bán lẻ hàng nội địa tại các địa phương. Về phía nhà nước, theo chúng tôi, hỗ trợ DN trong tình hình khó khăn tiêu thụ và tồn kho này là điều nên làm, tuy nhiên, cần lựa chọn DN dựa vào tiêu chí có giá trị gia tăng cao, sử dụng nhiều lao động, thực hiện tốt nghĩa vụ đối với ngân sách, nghĩa vụ bảo hiểm xã hội tốt để cho vay duy trì sản xuất và thực hiện xúc tiến thương mại. Trong lĩnh vực bất động sản có thể cho kiều bào về nước cư trú và mua bất động sản vì không có nguồn vốn từ bên ngoài thì khó có cú huých lớn cho tồn kho trong lĩnh vực này. Những DN tăng trưởng nóng, mang tính đầu cơ chạy theo bong bóng thị trường cần phải chấp nhận phá sản như một cơ chế đào thải.

Cán cân thanh toán tng th năm 2012 và dự đoán 2013

Cán cân tổng thể của Việt Nam năm 2012 đã biến chuyển theo hướng tích cực: từ bị thâm hụt trong 2 năm 2009 (-8,4 tỷ USD), 2010 (-1,7 tỷ USD) sang thặng dư trong năm 2011 (2,5 tỷ USD) và tiếp tục thặng dư trong các quý năm 2012 - quý I: 4,28 tỷ USD; quý II: 2,17 tỷ USD; quý III: 4,2 tỷ USD. Đây là sự chuyển dịch vị thế quan trọng, góp phần làm tăng sức mạnh tài chính quốc gia chống lại kỳ vọng về biến động tỷ giá, kỳ vọng lạm phát.

Có nhiều nguyên nhân góp phần tạo nên sự cải thiện cán cân thanh toán tổng thể.

Thứ nhất, và quan trọng nhất là chính sách điều hành: (i) Đầu tháng 2/2011, NHNN tuyên bố mức phá giá cao nhất trong lịch sử (9,3%), nâng tỷ giá chính thức lên 20.693 USD/VND và giảm biên độ xuống còn +/-1%; (ii) trong năm 2012, Thống đốc NHNN đã cam kết giữ tỷ giá biến động không quá 3% và liên tục can thiệp để ổn định tỷ giá tạo niềm tin cho công chúng. Những việc này đã đưa tỷ giá danh nghĩa về gần với giá thị trường hơn và tạo điều kiện giảm biến động tỷ giá, giảm kỳ vọng tăng tỷ giá, từ đó thu hút được lượng ngoại tệ mà cá nhân và DN nắm giữ, góp phần hạn chế tình trạng đô la hóa và tăng dự trữ ngoại hối.

Thứ hai, những cải thiện trong các khoản mục của cán cân thanh toán: (i) Thương mại hàng hóa, dịch vụ nhập siêu giảm kỷ lục; (ii) giải ngân vốn đầu tư nước ngoài vẫn duy trì mức cao đạt 10,46 tỷ USD, thấp không đáng kể so với năm 2011, 11 tỷ USD; (iii) giải ngân vốn hỗ trợ phát triển chính thức đạt mức kỷ lục từ trước đến nay.

Tác giả phân tích sâu về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa vì suốt 20 năm, Việt Nam mới có năm 2012 xuất siêu. Tính chung cả năm 2012, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 114,6 tỷ USD, tăng 18,3% so với năm 2011. Tăng trưởng của xuất khẩu vượt kế hoạch đề ra nhưng chủ yếu dựa vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài -72,3 tỷ USD, khu vực kinh tế trong nước đạt 42,3 tỷ USD.

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm 2012 đạt 113,79 tỷ USD, tăng 6,6% so với năm trước. Ngoại trừ năm 2009, mức tăng kim ngạch nhập khẩu này thấp nhất kể từ năm 2002 trở lại đây. Nhập khẩu chủ yếu là các tư liệu sản xuất phục vụ xuất khẩu của các DN có vốn đầu tư nước ngoài: Khu vực kinh tế trong nước đạt 54 tỷ USD, giảm 6,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 60,3 tỷ USD, tăng 23,5%. Chính vì tình hình kinh tế khó khăn, tồn kho tăng, các DN mà đặc biệt là các DN trong nước chỉ sản xuất cầm chừng dẫn đến kim ngạch nhập khẩu giảm và đây là lý do chính tạo ra nhập siêu hàng hóa trong năm 2012. Kim ngạch dịch vụ xuất khẩu năm 2012 ước tính đạt 9,4 tỷ USD, tăng 6,3% so với năm 2011. Kim ngạch dịch vụ nhập khẩu năm 2012 ước tính đạt 12,5 tỷ USD. Nhập siêu dịch vụ năm 2012 là 3,1 tỷ USD, tăng 3,8% so với năm 2011 và bằng 32,8% kim ngạch dịch vụ xuất khẩu năm 2012.

Như vậy, nếu chỉ tính thương mại hàng hóa, Việt Nam xuất siêu 0,78 tỷ USD nhưng nếu tính thương mại hàng hóa và dịch vụ, Việt Nam vẫn tiếp tục nhập siêu như bao năm nay với mức nhập siêu 2,32 tỷ USD. Xu hướng nhập siêu dịch vụ ngày càng tăng vì ngày càng có nhiều người dân trong nước sử dụng dịch vụ y tế, du lịch giáo dục nước ngoài số này ước tính 1-1,5 tỷ USD mỗi năm (Hoài Ngân, 2013). Một số báo nêu có sự mâu thuẫn trong đánh giá của Ngân hàng Thế giới WB và Tổng cục Thống kê về tình trạng xuất siêu hay nhập siêu. Theo tác giả không có gì mâu thuẫn vì WB đề đến cán cân thương mại hàng dịch vụ trong khi các báo cáo trong nước chỉ đề cập đến thương mại hàng hóa.

Dự đoán sắp tới, cán cân thanh toán tiến triển tích cực, nhưng còn chứa đựng nhiều yếu tố ảnh hưởng không tốt đến tính bền vững: Cán cân thương mại hàng hóa dịch vụ thặng dư chưa vững chắc do có một phần nhu cầu đầu tư, sản xuất, tiêu dùng trong nước bị chững lại; thâm hụt cán cân dịch vụ còn cao do Việt Nam chưa đảm bảo cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục, vận tải có chất lượng cao; thu nhập từ lãi và đầu tư chuyển về ròng còn âm do chưa kiểm soát được lợi nhuận từ hoạt động đầu tư ra nước ngoài và Việt Nam chủ yếu vẫn là nước nhập vốn FDI; thu hút FDI ròng giảm dần qua thời gian. Đáng quan tâm nhất là cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam: (i) cơ cấu mặt hàng chủ yếu là nông sản và tài nguyên nên Việt Nam phụ thuộc nhiều vào biến động giá. Tỷ trọng của hàng công nghiệp ngày càng tăng - năm 1993 gần 70% là sản phẩm thô và sơ chế thì đến 2010 tỷ trọng này chỉ còn trên 34,86% kim ngạch xuất khẩu. Những mặt hàng xuất siêu cao trong năm 2012 chủ yếu là hàng gia công: linh kiện điện thoại, điện tử, thiết bị máy tính. Đây đều là các mặt hàng được các DN nhập khẩu linh kiện về lắp ráp, giá trị gia tăng không cao trong khi đó kéo sự gia tăng trong kim ngạch nhập khẩu. Thêm vào đó, xuất siêu năm nay phụ thuộc hoàn toàn vào khối DN FDI trong khi lượng vốn FDI đăng ký đang có xu hướng giảm dần. Do vậy, rất khó kỳ vọng Việt Nam tăng đột biến mức thặng dư cán cân thanh toán hiện tại.

Muốn duy trì và đảm bảo tăng thặng dư cán cân thanh toán cho năm 2013 và những năm sau, Việt Nam còn phải làm rất nhiều và cần nhiều thời gian để thay đổi cơ cấu xuất nhập khẩu, cơ cấu đầu tư đang bất lợi hiện nay. Cụ thể: từng bước và có nhiều giải pháp đồng bộ giữ được thặng dư cán cân thương mại trên cơ sở giữ được tốc độ tăng về kim ngạch xuất khẩu, tiếp tục kiềm chế tốc độ tăng nhập khẩu những mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu, giảm thiểu chênh lệch cao hơn của giá vàng trong nước so với giá vàng thế giới để đề phòng và ngăn chặn nguy cơ nhập khẩu vàng chính ngạch để can thiệp hoặc nhập lậu để hưởng lợi về giá; giảm thiểu thâm hụt cán cân dịch vụ bằng cách đảm nhận cung cấp các dịch vụ vận tải, dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ du lịch; thu hút tốt hơn lượng kiều hối.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2012 và triển vọng năm 2013

Trái ngược với xu hướng ổn định của giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn đăng ký đã có xu hướng suy giảm rõ rệt trong những năm gần đây. Sau khi đạt mức tăng kỷ lục vào năm 2008, 71,7 tỷ USD, FDI đăng ký của Việt Nam giảm dần: Năm 2009: 21,5 tỷ USD; 2010: 17,23 tỷ USD; 2011: 14,7 tỷ USD;2012: 13,03 tỷ USD.

Trong năm 2012, tính chung cả cấp mới và tăng vốn, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 13,013 tỷ USD, bằng 84,7% so với cùng kỳ 2011. Về cơ cấu ngành, FDI hiện tại có sự thay đổi lớn, đặc biệt là tỷ trọng vốn đăng ký vào bất động sản trong tổng vốn đăng ký đã giảm, năm 2009: 35,4%, 2010: 36,8%; 2011:5,8%, 2012: 14,2% tổng vốn đăng ký.

Thu hút đầu tư của Việt Nam giảm dần là do: (i) môi trường đầu tư của Việt Nam ngày càng mất điểm trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài ; (ii) sự cạnh tranh của các nước trong khu vực. Trong khi FDI vào Việt Nam đã sụt giảm thì FDI vào các quốc gia khác trong khu vực lại tăng trưởng với tốc độ nhanh. Năm 2011, FDI của Campuchia tăng 14%, Bangladesh tăng 5%, Myanmar với hàng loạt cải cách chính trị và kinh tế trong thời gian gần đây đã thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Những điểm tối trong môi trường đầu tư này khiến việc đầu tư trở nên khá rủi ro và làm các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư lấy tiêu chí minh bạch làm tiêu chuẩn lựa chọn dễ nản lòng.

Mặc dù lượng vốn đăng ký giảm so với các năm, nhưng trong điều kiện kinh tế thế giới phục hồi chậm, có khu vực còn bị suy thoái, tăng trưởng bị sụt giảm và với chủ trương nâng cao chất lượng FDI, thì việc đạt được kết quả như trên là đáng ghi nhận. Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư của nguồn vốn này không cao; tình trạng chuyển giá khá phổ biến. Đã đến lúc cần chuyển mạnh hơn nữa từ số lượng sang nâng cao chất lượng và hiệu quả.

Bối cảnh sắp tới của kinh tế Việt Nam cũng sẽ tiếp tục khó khăn do là nền kinh tế nhỏ nhưng khá mở chịu ảnh hưởng từ kinh tế thế giới mà kinh tế thế giới thì chưa có dấu hiệu hồi phục. Một khi các nhà đầu tư lo ngại về sự phục hồi chậm chạp của nền kinh tế thế giới thì đưa ra quyết định đầu tư mới là vấn đề khó khăn.

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm 2013 sẽ khó khăn hơn khi: (i) thị trường bất động sản đóng băng, các nhà đầu tư nước ngoài không còn mặn mà với các dự án bất động sản nhờ thu lợi từ giá bất động sản. Điều này có thể nhìn thấy qua cơ cấu vốn theo lĩnh vực đầu tư trong mối tương quan với giá bất động sản và trong bối cảnh cho vay bất động sản vẫn đang còn khống chế; (ii) môi trường đầu tư của Việt Nam theo nhiều báo cáo đánh giá của các tổ chức càng ngày càng trở nên xấu đi và chưa có dấu hiệu cải thiện; (iii) Việt Nam đang chủ trương giám sát chặt và nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư nước ngoài qua điều chỉnh nhiều văn bản pháp luật như Quyết định 1601/QĐ-TTg ngày 29/10/2012 phê duyệt đề án nâng cao hiệu quả công tác quản lý dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, dự thảo thông tư quy định công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá đầu tư đối với việc tuân thủ các quy định pháp luật về cấp Giấy chứng nhận đầu tư, triển khai thực hiện các dự án có vốn đầu tư nước ngoài; (iv) cơ quan thuế đã bắt đầu đề cập đến vấn đề chuyển giá và thất thu thuế tại các DN có vốn FDI và có những động thái mạnh tay với những DN vi phạm luật thuế.

Trong bối cảnh như vậy, nếu không đẩy mạnh các chính sách cải cách và cải thiện môi trường đầu tư, Việt Nam sẽ không phải là điểm đến của các nhà đầu tư trên thế giới. Ngoài ra, hiện tại FDI đang giữ một vai trò quan trọng trong sản xuất, trong xuất khẩu vì vậy, sự giảm sút của khu vực này thực sự rất đáng lo ngại và có thể dẫn đến sự ổn định kinh tế vĩ mô.

Thay lời kết

Từ những phân tích về tình hình kinh tế vĩ mô năm 2012 và triển vọng năm 2013, tác giả nhận thấy rằng mặc dù trong năm 2012 tình hình kinh tế vĩ mô có nhiều cải thiện: lạm phát được kiềm chế, tăng trưởng khá, dự trữ ngoại hối tăng đi liền với tỷ giá USD/VND giảm 0,96% so với năm 2011. Tuy nhiên, sự ổn định này vẫn chưa bền vững vì nguy cơ tái lạm phát còn cao do nhiều vấn đề vẫn chưa được giải quyết, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến tái cấu trúc kinh tế và chuyển đổi mô hình kinh tế.

Chính vì vậy, sự nóng lòng, ý chí chính trị trong việc làm đẹp các số liệu thống kê, chạy theo chỉ tiêu kế hoạch của các cơ quan hữu quan và thể hiện điều đó qua việc mở rộng nhanh chính sách tài khóa và tiền tệ có thể sẽ dẫn đến những hệ lụy xấu cho nền kinh tế: các báo cáo tài chính của DN, của ngân hàng rất đẹp nhưng đằng sau nó là rủi ro tiềm ẩn khó lường.

Chính vì vậy, cần hết sức cân nhắc thực hiện mục tiêu vừa lạm phát thấp vừa tăng trưởng cao vì lạm phát và tăng trưởng kinh tế có mối quan hệ đánh đổi trong ngắn hạn. Các nhà hoạch định chính sách cần có tầm nhìn dài hạn trong đó chú trọng đến tính ổn định của kinh tế vĩ mô, không thể tăng trưởng bằng mọi giá mà cần định liều lượng chính sách cho hợp lý (điều này một lần nữa lưu ý về sự cần thiết phải xây dựng bộ dữ liệu kinh tế vĩ mô và những nghiên cứu định lượng về chính sách tiền tệ, xem xét việc thực hiện lạm phát mục tiêu).

Ngoài ra, trong bối cảnh kinh tế thường xuyên thay đổi, điều hành nền kinh tế cần nhìn nhận trong trạng thái động, do vậy, cơ quan điều hành cần: (i) nhận diện những đổi thay cơ bản của môi trường kinh tế ảnh hưởng đến môi trường hoạt động chính sách cũng như môi trường hoạt động của DN; (II) chú ý đến tính chu kỳ của nền kinh tế thế giới và Việt Nam để điều chỉnh các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ có tính chiến lược (iii) chủ động và nhanh chóng can thiệp vào nền kinh tế khi có khủng khoảng để giảm tác động lây lan để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Và cuối cùng, cần phải cải cách toàn diện để có một nền kinh tế ổn định và phát triển.

TS. Hạ Thị Thiều Dao

Tạp chí Ngân hàng
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.