CafeLand - 2017 là năm thành công của giới kinh doanh bất động sản. Từ doanh nghiệp phát triển dự án đến nhà môi giới và nhà đầu tư đều hưởng “trái ngọt” nhờ sự bùng nổ của thị trường. Thị trường bất động sản đang phản ánh chính xác sự phục hồi tích cực của nền kinh tế.

Một năm phát lộc

Tất niên Tết Dương lịch vừa qua, Hà mở tiệc khao cả khu dân cư ở quận 2, TP.HCM, nơi anh mới dọn về ở sau khi xây nhà xong. Anh muốn mời bà con xóm giềng, vốn cũng chẳng nhiều nhặn gì, chỉ khoảng 30 hộ gia đình, hầu hết đều mới về.

Mới về ở chỉ là lý do vui vẻ của con người hòa nhã này. Quan trọng là mảnh đất anh mua hai năm trước đã tăng giá gấp đôi. Chi phí cất căn nhà mới một trệt hai lầu tươm tất chỉ hết tầm 1,5 tỷ đồng, không chênh lệch đáng kể so với các căn nhà cùng xóm xây trước đó một vài năm. Mấy mảnh đất gần đó khách gửi bao lâu không bán nổi thì năm qua cũng thanh lý xong gọn lẹ. Khách lời nhiều, phần trăm môi giới của anh cũng tăng cao. Một năm lợi đơn lợi kép vậy thì lộc bất tận hưởng, mở tiệc khao cũng phải lắm. Người trong xóm hết thảy đều khen Hà giỏi hơn người.

Đương nhiên là Hà giỏi, nhưng một phần quan trọng giúp việc làm ăn của anh thuận lợi trong năm qua là sự khởi sắc của nền kinh tế.

Ảnh: Minh Tú

Năm qua, kinh tế chung cả nước nhìn chung là tốt, đảm bảo môi trường ổn định cho các ngành phát triển, trong đó có bất động sản. Cụ thể, GDP Việt Nam năm 2017 tăng 6,81%, mức cao nhất trong 10 năm qua, theo Tổng cục thống kê. “Phát Lộc Nhất! Số đẹp, số đẹp”, một hàng xóm của Hà tán tụng khi rượu vào và các thể loại kinh tế chính trị bắt đầu ra.

Cùng với con số đẹp về mức tăng trưởng chung đó, tính ra GDP bình quân đầu người ước tính đạt 53,5 triệu đồng/năm, tương đương 2.385 USD, tăng 170 USD so với năm 2016. Về lý thuyết thì người dân đã khấm khá hơn và theo quy luật thì càng khấm khá các nhu cầu lớn, trong đó có nhu cầu an cư, càng được thực hiện mạnh mẽ hơn trên diện rộng hơn. Người dân nào giàu hơn khó biết nhưng chắc chắn giàu hơn họ sẽ tích lũy tài sản mạnh hơn và bất động sản đương nhiên là loại tài sản số 1 của người Việt.

Nhưng với những người trẻ chưa nhiều “tiền tươi” như Hà, có một con số tưởng chừng xa xôi, nhưng lại ảnh hưởng thiết thực tới anh hơn con số GDP đẹp đẽ kia là CPI. Chỉ số đo mức độ lạm phát này trong tháng cuối năm 2017 chỉ tăng 0,21% so với tháng trước và tăng 2,6% so với tháng 12/2016. CPI bình quân cả năm cũng chỉ tăng 3,53% so với bình quân 2016. Như vậy, lạm phát năm nay tăng thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra. Lạm phát tăng thấp trong tầm kiểm soát như vậy cho phép Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. Tiền bơm ra cho nền kinh tế vẫn trong tình trạng khá dồi dào để hỗ trợ tăng trưởng.

Theo báo cáo của Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia, tính đến thời điểm 20/12/2017, tổng phương tiện thanh toán tăng 14,19% so với cuối năm 2016, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 16,96%. Tỷ trọng tín dụng vào hoạt động kinh doanh bất động sản và xây dựng khoảng 15,5%. Trong đó, cho vay vào hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm khoảng 5,8%, vào lĩnh vực xây dựng khoảng 9,7% (năm 2016 là 10,1%). Và cho dù nhiều đại gia bất động sản nay đã dồn tiền sang làm nông nghiệp, để so sánh tỷ trọng tín dụng vào lĩnh vực này vẫn thấp hơn vào bất động sản và xây dựng, với khoảng 8,1%.

Nói cách khác, tiền bơm ra để những người như Hà vay mua đất hay vay xây nhà được dễ dàng hơn. “Trên thực tế thì khi mua đất tôi cũng vay, khi xây nhà tôi cũng vay mà khách mua bán qua kênh của tôi cũng vay để thực hiện các thương vụ”, Hà chia sẻ thật lòng.

Vay dễ hơn mới chỉ là một phần của câu chuyện. Phần quan trọng là vay với lãi suất ổn định ở mức thấp đã giúp cho Hà, khách của anh cũng như người dân cả nước nhẹ nợ đi rất nhiều và yên tâm xuống tiền hơn.

Ở chiều ngược lại, do lãi suất huy động của ngân hàng thấp trong bối cảnh tài chính chung đó, người dân có tiền vốn thường gửi tiết kiệm hoặc mua vàng lại tỏ ra ngần ngừ hơn đôi chút. Gửi ngân hàng với lãi suất ổn định như vậy, hay kiếm chỗ nào ổn ổn quăng tiền vào đặng kiếm chút lời mà rủi ro không quá cao đến mức mất sạch khi xui xẻo?

Những mảnh đất, những căn nhà nho nhỏ vốn đã nằm trong tiềm thức, nay lại hiện ra rõ nét hơn. Tiền thay vì chảy mạnh vào kênh tiết kiệm đã chảy vào thị trường bất động sản như quy luật đầu tư bình thông nhau - kênh này khép thì kênh kia hưởng lợi. Theo báo cáo của Hiệp hội bất động sản Việt Nam và Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), đến hết quý 3/2017 đã có gần 10.000 giao dịch nhà, đất thành công.

Dòng tiền quay trở lại với nhà đất nên có ý kiến lo ngại một kịch bản cũ như thời điểm trước năm 2010 trở lại. Tuy nhiên, những đánh giá từ cơ quan quản lý cho biết, thị trường bất động sản đang phát triển ổn định. “Tính đến cuối tháng 11, tổng tín dụng cho bất động sản là hơn 400.000 tỷ đồng, tăng trưởng chậm hơn so với năm ngoái. Các chỉ số đều cho thấy không có nguồn vốn ồ ạt chảy vào bất động sản và không có sự phát triển nóng trong ngắn hạn”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong phiên họp Quốc hội vừa qua cho biết.

Nguồn vốn được tập trung có hiệu quả sau những bài học đắt giá từ thị trường tài chính ngân hàng trong suốt những năm qua. Liên tiếp nhiều đơn vị gặp khó khăn khi liên kết đầu tư ồ ạt vào nhiều lĩnh vực, trong đó bất động sản chiếm tỷ trọng khá lớn.

Các đơn vị cung ứng sản phẩm bất động sản cũng đã thay đổi để thích hợp với nhu cầu người mua thay vì đầu tư ồ ạt vào bất cứ sản phẩm nào. Số liệu nghiên cứu thị trường cho thấy, giao dịch trong gần một năm qua tập trung nhiều vào phân khúc căn hộ trung cấp, 70% bán ra thuộc về phân khúc này trong 9 tháng năm 2017.

Kinh tế đẩy hạ tầng, hạ tầng nâng nhà đất

Điều kiện kinh tế trong nước đang tạo điều kiện cho sự phát triển và mở rộng hơn hạ tầng, đặc biệt là ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Ở Hà Nội, nhiều quy hoạch dịch chuyển xuống khu phía Đông khi cơ quan nhà nước có có kế hoạch triển khai 4 cây cầu vượt sông Hồng, sông Đuống. Còn ở TP.HCM, thông tin cho biết từ đầu năm 2018 sẽ triển khai nhiều tuyến đường trọng điểm nối khu Nam Sài Gòn với trung tâm.

Có thể kể đến cầu Thủ Thiêm 4 nối quận 2 với quận 7, đường trục Bắc - Nam đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến khu công nghiệp Hiệp Phước, tuyến metro số 4A, metro số 5, monorail số 2, nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, cầu Kênh Tẻ 2, cầu Bình Tiên, đường Vành đai trong đoạn từ quốc lộ 1 đến Nguyễn Văn Linh… Với sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng, các sản phẩm nhà ở giá bình dân ở các khu vực quận 2, quận 9, Bình Chánh được quan tâm khá nhiều trong năm qua.

Một khu đô thị đang trong giai đoạn hoàn tất ở TP.HCM. Ảnh: Đăng Nguyên

Theo đánh giá của CBRE Việt Nam, “Với việc phát triển cơ sở hạ tầng, kỳ vọng thị trường bất động sản Việt Nam sẽ đón nhận những điều tích cực hơn nữa trong thời gian tới. Đặc biệt, đất nước trong thời kỳ hội nhập nên việc thu hút nguồn vốn FDI vào bất động sản ngày càng mạnh mẽ”.

Bên cạnh phân khúc nhà ở trung cấp, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong năm qua cũng được quan tâm nhiều hơn. Thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng ở một số địa phương có lợi thế về địa lý như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc – Kiên Giang được phát triển theo hướng bán và cho thuê biệt thự nghỉ dưỡng, condotel (căn hộ khách sạn) theo thời hạn sử dụng đất được cho thuê.

Năm 2017 đã qua, dưới những biện pháp chặt chẽ tín dụng đổ vào bất động sản của Nhà nước cũng như sự đầu tư thận trọng và có trọng điểm của các đơn vị kinh doanh, bất động sản bước qua một năm được đánh giá là bền vững và có kiểm soát. Đó cũng là một trong những nhận định của ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, khi được hỏi về thị trường bất động sản.

Hoàng Khánh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.