01/02/2017 10:02 AM
Trong cuộc trò chuyện nhân dịp đầu năm mới với BizLIVE, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, năm 2017, chúng ta có cơ hội từ cải cách, từ hội nhập song nền kinh tế cũng đang còn nhiều thách thức như đầu tư công còn dàn trải, lãng phí, nông nghiệp gặp khó...

TS. Trần Đình Thiên.

Một trong những thách thức đặt ra cho nền kinh tế cần phải được bàn tới đó là sự lãng phí, dàn trải trong đầu tư công. Điển hình năm vừa qua, Chính phủ đã chỉ ra tới 12 dự án nghìn tỷ trong tình trạng thua lỗ, “đắp chiếu”. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Dàn trải, lãng phí, thất thoát không phải là vấn đề mới. Nhưng với việc chỉ ra hàng loạt như vậy cho thấy Chính phủ đang đẩy mạnh siết chặt đầu tư công, làm bộ máy trong sạch hơn theo đúng chương trình Chính phủ kiến tạo, liêm chính.
Căn bệnh này xuất phát từ việc phân bổ không đúng và quản trị không tốt. Hai việc này có mối quan hệ nhân – quả. Anh phân bổ không tốt thì quản trị sẽ dẫn đến quản trị không tốt. Muốn chữa bệnh phải đồng thời sửa cả hai thứ này.
Phân bổ liên quan đến vĩ mô, quản trị là vi mô. Phân bổ không thốt thì quản trị không tốt vì kho phân bổ không tốt, cơ chế giảm sát có vấn đề thì quản trị vi mô không có gì phải lo lắng cả.
Phân bổ không tốt xuất phát từ việc dàn trải. Vì sao lại dàn trải, rõ ràng người ta phải có lợi ích gì họ mới dàn trải chứ. Có một thực tế là nguồn lực của chúng ta mỏng nhưng lại dàn trải “đội” dưới lý do nhiều nơi nghèo nên cần, mỗi nơi được chia một ít rồi sinh ra lãng phí.
Về mặt kinh tế học làm như thế sẽ giải quyết sự công bằng. Nhưng đứng về khía cạnh phát triển thì cứ đói mà cứ chia đều thì sẽ đói mãi không phát triển được. Lâu nay, chúng ta cứ nhấn mạnh vào công bằng mà quên mất sự đột phá. Phải thay đổi tư duy, không thể cào bằng nữa mà cần phải tập trung vào những lợi thế.
Một đất nước nghèo nhưng dự án công vô số, quản lý lại chưa chặt chẽ thì phải thấy sẽ tốn kém thế nào. 12 dự án nghìn tỷ được chỉ mặt điểm tên. Cái mất của những dự án này là quá rõ vì đó là phần nổi. Thế những dự án 10 tỷ, 100 tỷ thì sao? Tôi nghĩ là nhiều lắm. Nếu đi đếm cẩn thận những dự án công hỏng hóc theo kiểu như thế nhiều lắm.
Vế thứ hai của vấn đề đó là khi dự án được phân rồi nhưng anh quản trị không tốt sẽ xảy ra thất thoát, kém hiệu quả. Đôi khi người ta có thể quản trị tốt hơn nhưng người ta không có nhu cầu ấy, cơ chế có lỗ hổng để người ta xà xẻo, kiếm chác, chấm mút.
Từ thực trạng trên đặt ra vấn đề chúng ta cần xử lý như thế nào, khắc phục ra sao. Chính phủ đã nêu ra một loạt các dự án nghìn tỷ thua lỗ như thế để thấy tình trạng ghê gớm thế nào, nhân đà này cần phải làm quyết liệt, đi đến chỗ phải mổ xẻ thực sự.
Tôi cho rằng, việc kỷ luật cá nhân, tổ chức khi dự án kém hiệu quả, thua lỗ là việc làm cần thiết, nhưng chưa đủ. Cần phải có cách tiếp cận triệt để hơn theo hướng đi vào cơ chế, sửa những kẽ hở sinh ra tình trạng này. Thực tế hiện nay, Luật đầu tư công của chúng ta chưa có cách gì để xử lý triệt để vấn đề này. Luật ngân sách không thay đổi mà vẫn là cơ chế xin cho, chia đều, vẫn theo kiểu phân bổ mềm thì không bao giờ thoát khỏi cảnh dàn trải, lãng phí.
Chưa kể chúng ta vẫn thực hiện cơ chế phân phối hàng năm. Một dự án nghìn tỷ mà một năm chia cho 50 tỷ thì năm nào cũng phải đi xin. Muốn được nhiều hơn nữa, muốn nhanh hơn thì phải qua lại đôi chút chứ.
Đó là logic thị trường đi vào hệ thống phi thi trường để xử lý vấn đề của nó. Muốn tránh cái đó đi thì phải sử dụng cơ chế thị trường một cách minh bạch để chống lại. Đừng để cơ chế thị trường len lỏi vào theo kiểu bất minh như thế sẽ hỏng hết.
Nhìn lại năm 2016, ngoài những vấn đề như dàn trải, lãng phí, tham nhũng… nội tại nền kinh tế đang còn phải đối mặt với thách thức rất lớn khi tăng trưởng nông nghiệp gặp khó, thưa ông?
Chưa có năm nào ngành nông nghiệp gặp bi kịch như năm 2016 khi hạn mặn, lũ lụt rồi hạn hán kéo theo mất mùa, xâm ngập mặn diễn ra ở nhiều nơi. Những hạn mặn trong năm qua không phải là tai biến, tưởng như thiên tai mấy tháng là xong nhưng không phải. Nó kinh khủng hơn mọi người nghĩ rất nhiều. Thực chất điều này đang làm thay đổi toàn bộ cấu trúc phát triển của Việt Nam.
Nói về Đồng bằng sông Cửu Long, vùng này sống dựa vào nước ngọt, nay nước ngọt không xuống, nước mặn vào, phù sa không được bồi đắp, cứ thế có gì cũng bị “kéo tuột ra”, khiến cho cả vùng đồng bằng chả mấy chốc bị vỡ hết.
Nó bi kịch ở chỗ nước mặn cứ lấn chiếm dần dần, nếu dâng lên 1 lần rồi rút may ra còn chống đỡ được, còn như thế này thì không thể. Phải hiểu ngập mặn nguy hiểm hơn hạn hán rất nhiều, hạn chỉ cần 1 cơn mưa là xong, nhưng để tẩy mặn lại là câu chuyện không hề đơn giản.
Việc này ảnh hưởng không chỉ đến sinh kế của người dân mà còn tác động đến những điều kiện phát triển cơ bản của Việt Nam. Do đó, cần phải có một cách tiếp cận mới, nếu cứ tư duy theo logic phát triển đồng bằng thì sẽ chết.
Vậy động lực tăng trưởng năm 2017 của chúng ta nằm ở đâu, thưa ông?
Chúng ta cần phải nhìn rõ những thách thức cũng như cơ hội mà thời cuộc đang đặt ra cho Việt Nam. Vấn đề tăng trưởng phải được nhìn nhận dài hạn hơn, không nên quá lo ngại chỉ vì mục tiêu tăng trưởng, cần phải hướng đến sự bền vững.
Để làm được điều này, Chính phủ vẫn phải kiên trì với những mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, phối hợp điều hành kinh tế vĩ mô tốt hơn, quyết liệt với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng cũng như quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh.
Trong năm vừa qua, có 2 điểm rất hay cho thấy Chính phủ đang định hướng đúng. Đó là đã quan tâm đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và quyết định đề án tái cơ cấu và đổi mới nguồn lực. Nếu thực hiện tốt những điều này, nền kinh tế Việt Nam sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ.
Tôi cũng thấy một bộ máy với những cải cách mới như ở Bộ Công Thương khi sẵn sàng bỏ những cái cố hữu của họ đi như: quản lý chuyên ngành hàng dệt may, quy chế xuất khẩu gạo, hay Bộ Tài chính khoán xe công, Quốc hội yêu cầu thắt chặt đầu tư công và kỷ cương ngân sách… Những nỗ lực dù nhiều dù ít nhưng chúng ta cần làm, làm nhanh so với sự thay đổi hằng ngày, hằng giờ của thế giới.
Xin trân trọng cám ơn ông!
N.Mạnh (Bizlive)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.