29/07/2013 4:13 PM
Theo nhìn nhận của giới chuyên môn, lượng kiều hối năm nay không đổ vào BĐS như năm trước, nên trong những tháng cuối năm thị trường BĐS vẫn chưa thể ấm nên.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. HCM, đến hết quý 2/2013, lượng kiều hối chuyển qua các ngân hàng trên địa bàn đạt 1,9 tỉ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến đến cuối năm, lượng kiều hối đạt 4,5 - 4,8 tỉ USD, tăng 10 - 15% so với năm 2012.
Năm 2012, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam khoảng 10 tỉ USD, dự báo năm 2013 kiều hối sẽ vượt qua con số này.
Kiều hối năm nay dự báo không chảy vào BĐS như năm trước
Tuy nhiên, theo thống kê, lượng kiều hối năm 2012 chảy vào bất động sản (BĐS) chỉ đạt 23%, so với 52%, năm 2011.
Như vậy, hơn 20.000 tỷ đồng từ kiều hối sẽ chảy vào các dự án trong dịp này. Số tiền này thực ra chẳng thấm vào đâu so với toàn thị trường, tuy nhiên đây lại là niềm hy vọng duy nhất trong thời điểm cuối năm của nhiều chủ đầu tư.
Bước qua năm 2013, giá BĐS tiếp tục có chiều hướng giảm và theo nhiều chuyên gia mức giá này đã “ở đáy”, nhất là phân khúc nhà chung cư, nhà và đất dự án.
Báo Thanh Niên dẫn lời một giám đốc đơn vị dịch vụ chuyển tiền nhận định, lượng kiều hối năm 2013 có khả năng sẽ quay lại thị trường bất động sản. “Giá bất động sản hiện nay đã khá thấp, có thể nói là xuống đáy, nên đây là thời điểm tốt để mua vào.
Mặt khác, bản thân những người đi xuất khẩu lao động cũng muốn vài năm nữa khi quay về sẽ có nhà cửa ổn định thì bây giờ chính là thời điểm tạo dựng mảnh đất, căn nhà...”, vị giám đốc phân tích.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng nhìn nhận lượng kiều hối đổ vào bất động sản khó tăng đột biến so với năm 2012. Vì thế, thị trường bất động sản vẫn chưa thể ấm lên trong những tháng cuối năm nếu chỉ chờ vào kiều hối.
Theo thống kê của Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho đến thời điểm này, mới chỉ có gần 300 trường hợp cá nhân người nước ngoài và kiều bào chính thức mua nhà tại Việt Nam được đăng ký và chấp thuận chính thức từ các cơ quan quản lý, trong đó, chủ yếu là ở TP. HCM và một số tỉnh, thành phía Nam. Con số này quá nhỏ bé so với khoảng 81.000 người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, cùng hàng trăm ngàn kiều bào và người nước ngoài khác đang quan tâm đến thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam.
Nguyên nhân chính xuất phát từ quy định khá khắt khe về điều kiện được mua, sở hữu nhà ở của các cá nhân người nước ngoài và kiều bào. Theo quy định, kiều bào chỉ được sở hữu một căn hộ chung cư trong các dự án phát triển nhà ở thương mại trong thời hạn tối đa 50 năm với điều kiện “phải có thẻ thường trú hoặc thẻ tạm trú hoặc giấy tờ chứng nhận được phép cư trú tại Việt Nam từ 12 tháng trở lên và không thuộc đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự….”. Nếu chiếu theo quy định này, khoảng 20.000 người nước ngoài đang sống ở Việt Nam có đủ điều kiện mua nhà.
Ông Lê Chí Hiếu, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM cho rằng, xét tình hình hiện nay, việc kích thích cá nhân người nước ngoài và kiều bào sẽ mở ra một lối thoát cho việc giải quyết hàng tồn kho BĐS, nhất là với các dự án căn hộ cao cấp. Ông Hiếu cho biết thêm, nếu sợ người nước ngoài lấn lướt thì có thể ra các giới hạn tỷ lệ mua của nhà đầu tư nước ngoài đối với một dự án hay quy định sở hữu tối đa như Singapore đang thực hiện. Hay Nhà nước có thể quy định những đối tượng này chỉ được mua căn hộ có mức giá không thấp hơn 30 triệu đồng/m2 như ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM gợi ý.
Vũ Lan (Báo Đất Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.