CafeLand - Trong những năm gần đây, kiều hối đã trở thành một hiện tượng được giới đầu tư quan tâm. Mặc dù kinh tế thế giới vẫn tiếp tục khó khăn nhưng lượng kiều hối gửi về đã và đang tăng nhanh chóng. Theo thống kê của Ngân hàng NHNN (NHNN), lượng kiều hối chuyển về nước đạt khoảng 9 tỷ USD trong năm 2011. Đây được coi là tín hiệu tốt cho thị trường bất động sản khi mọi kênh huy động vốn gần như bế tắc.
Kiều hối tăng mạnh

Được biết, kiều hối là một trong những nguồn ngoại tệ vào Việt Nam lớn nhất hiện nay, với giá trị của lượng kiều hối vượt trội hơn hẳn so với dòng chảy FDI và ODA.

Trong những năm gần đây, lượng kiều hối gia tăng khá mạnh và theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đứng hàng thứ 16/30 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới. Năm 2010, lượng kiều hối chuyển về nước đến 8 tỷ USD, tăng gần 2 tỷ so với năm 2009 và đạt mức cao nhất trong 10 năm qua.

Vừa qua, PGS.TS Đặng Nguyên Anh, chuyên gia của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết lượng kiều hối năm 2011 có thể đạt 9 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm ngoái. Trong đó, một phần sẽ được đầu tư vào chứng khoán và bất động sản. Điều này sẽ tạo cơ hội cho các hoạt động đầu tư và cung cấp các cơ hội tài chính cho các doanh nghiệp tiềm năng.

Kiều hối: “Bình ôxy” cho nhà đất

Bất động sản đang "đón chờ" dòng kiều hối. Ảnh: Internter.


Điều đáng chú ý, theo thống kế mới nhất từ Ủy ban giám sát tài chính quốc gia có tới 52% trong tổng số 9 tỷ USD kiều hối đã đổ vào bất động sản. Đây thực sự là một tín hiệu đáng mừng cho thị trường địa ốc trong giai đoạn “yếu sức”.

“Phao cứu sinh” cho bất động sản

Hiện nay,những ngân hàng thu hút kiều hối nhiều là Vietcombank, VietinBank, Sacombank, DongABank. Cụ thể, DongABank thu hút khoảng 1,6 tỷ USD lượng kiều hối chuyển về, VietinBank dự kiến cả năm nay trên 1,3 tỷ USD, Vietcombank trên 1,2 tỷ USD vào cuối tháng 10. Tuy nhiên, chưa con số thống kê chính thức về lĩnh vực thu hút kiều hối.

Theo các chuyên gia phân tích, trong năm 2006 có khoảng 73% lượng liều hối được phân bổ cho tiêu dùng, 14% sử dụng cho xây, sửa chữa nhà và 13% được sử dụng cho đầu tư. Tuy nhiên, từ năm 2007 trở lại đây, kiều hối được sử dụng phần lớn cho hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh và phần còn lại cho dùng cho tiêu dùng. Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, kiều hối được sử dụng đầu tư trong nhiều lĩnh vực như: Chứng khoán, bất động sản, gửi tiết kiệm,…

Năm 2009, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn thu hút được đầu tư của Việt kiều. Theo thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, có khoảng 3.228 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực có vốn đầu tư của Việt kiều với tổng số vốn đăng ký là 5,7 tỷ USD. Trong đó, một lượng lớn đổ vào thị trường bất động sản, vàng, chứng khoán,…

Đến cuối năm 2010, theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ vốn đầu tư kiều hối vào thị trường bất động sản chiếm khoảng 70% tổng nguồn kiều hối với khoảng trên 6 tỷ USD. Dự kiến, giai đoạn 2010 – 2011, lượng vốn đầu tư của Việt kiều vào bất động sản sẽ đạt khoảng 8 tỷ USD.

Cũng theo thống kê của Bộ, trước đây, các dự án đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ chung cao cấp tại trung tâm thành phố thu hút một lượng lớn kiều hối thì nay đã gia tăng một làn sóng đầu tư vào các dự án xây dựng căn hộ nghỉ dưỡng, khu du lịch sinh thái ven biển.


Ngoài ra, giới trong ngành còn cho rằng, thị trường vàng và USD không còn được ưa chuộng như trước đây, thị trường chứng khoán cũng suy giảm. Kênh đầu tư tiền gửi đã không còn hấp dẫn khi ngân hàng có chính sách áp trần lãi suất 14%.


Trong khi đó, theo thông lệ hàng năm, trước và sau tết là thời điểm nhu cầu mua mới, nâng cấp nhà cửa của người dân lại tăng lên. Đặc biệt là những người đang làm việc tại nước ngoài trở về quê hương trong dịp Tết Nguyên Đán.


Theo dự báo, năm 2012 sẽ đón nhận một lượng kiều hối gửi về mức kỷ lục có thể đạt 12,5 tỷ USD. Chính vì vậy, dù chưa thể khẳng định được xu hướng mà dòng tiền trong năm tới sẽ chảy về đâu, nhưng giới đầu tư bất động sản vẫn kỳ vọng rằng, không ít trong số đó sẽ quay trở về với địa ốc.


Với dữ liệu trên, CafeLand cho rằng, dù chưa có chính sách nhằm định hướng dòng tiền kiều hối, nhưng với 9 tỷ USD, chiếm gần 1/10 GDP của Việt Nam sẽ là một trợ lực hữu hiệu cho nền kinh tế, nhất là thị trường bất động sản lúc này, khi mà hầu hết các chủ đầu tư đều đang gặp khó khăn và các dự án bất động sản Việt nam đang trong tình cảnh khát vốn.


Bên cạnh đó, dự báo lượng kiều hối tăng mức kỷ lục trong năm 2012 cộng với những yếu tốt tích cực từ phía Ngân hàng Nhà nước sẽ là tín hiệu lạc quan cho thị trường bất động sản trong năm tới.

Tường Vy - Thảo Vi
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.