27/03/2023 10:52 AM
Đề xuất trên được Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nêu ra trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất một số giải pháp về tín dụng và chuyển nhượng dự án để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Theo đó, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại được cho doanh nghiệp được vay tái cấu trúc các khoản nợ trái phiếu sắp đến hạn. Đối tượng là các doanh nghiệp phát hành trái phiếu sắp đến hạn có tài sản bảo đảm, có dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất.

Trong đó, khoản vay có thể xem xét không vượt quá 70% giá trị gói trái phiếu đã phát hành. Ngân hàng thương mại được phép nhận thế chấp bằng chính gói trái phiếu này và các tài sản bảo đảm để phát hành gói trái phiếu đó theo phương thức ngân hàng thương mại giải ngân trực tiếp đến các trái chủ.

Đối với phần 30% giá trị gói trái phiếu đã phát hành còn lại, doanh nghiệp và các trái chủ thỏa thuận đàm phán với nhau theo quy định tại Nghị định 08. “Nếu có cơ chế, chính sách này sẽ tác động tích cực ngay lập tức; cùng với chính sách của Nghị định 08 sẽ tháo gỡ được khó khăn cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu sắp đến hạn và hỗ trợ các trái chủ”, HoREA cho biết.

, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại được cho doanh nghiệp được vay tái cấu trúc các khoản nợ trái phiếu sắp đến hạn.

Theo thống kê của Công ty chứng khoán VNDirect, giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp (chỉ tính các đợt phát hành riêng lẻ từ năm 2019 trở lại đây) năm nay tăng hơn 76% so với năm trước.

Công ty chứng khoán này cho biết, áp lực đáo hạn đang hạ nhiệt nhưng sẽ tăng trở lại trong hai quý giữa năm. Cụ thể, giá trị đáo hạn quý I khoảng 30.600 tỷ đồng, còn quý 2 và quý 3 lần lượt xấp xỉ 93.140 tỷ đồng và 89.500 tỷ đồng. Quý 4 năm nay vào khoảng 60.000 tỷ đồng.

Trong các ngành, bất động sản là ngành có giá trị trái phiếu đáo hạn lớn nhất với 102.570 tỷ đồng. Các doanh nghiệp có giá trị đáo hạn nhiều nhất là Novaland, Công ty cổ phần Saigon Glory, Công ty Phát triển Bất động sản An Khang.

Nhóm tài chính, ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn thứ hai về giá trị đáo hạn năm 2023 với 37%, tương đương 100.800 tỷ đồng. Các nhóm ngành khác như xây dựng, đầu tư, thương mại có giá trị đáo hạn khoảng 69.000 tỷ đồng.

Đề xuất thí điểm chuyển nhượng một phần dự án

Ngoài đề xuất ngân hàng cho doanh nghiệp vay tiền để trả nợ trái phiếu, Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất cho vay thực chất hơn và quan trọng hơn là tạo điều kiện cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà được tiếp cận tín dụng thuận lợi.

Cùng với đó, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét cho các doanh nghiệp được giãn tiến độ trả nợ theo chủ trương tại Nghị quyết số 33 của Chính phủ. Đồng thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bất động sản được vay tín dụng đối với dự án đầy đủ pháp lý, có tính khả thi, có tài sản bảo đảm cho khoản vay.

Hiệp hội cũng đề xuất cho phép áp dụng tương tự cơ chế thí điểm chuyển nhượng dự án bất động sản theo Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng nhằm tạo điều kiện cho hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) bất động sản diễn ra thông thoáng.

Hiệp hội cho rằng, nếu cho phép áp dụng tương tự cơ chế “thí điểm” chuyển nhượng dự án bất động sản theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 thì sẽ tác động tích cực ngay lập tức và cùng với cơ chế, chính sách của Nghị định 08/2023/NĐ-CP sẽ tháo gỡ được khó khăn cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu sắp đến hạn và hỗ trợ các trái chủ. Đồng thời tạo điều kiện cho hoạt động chuyển nhượng dự án bất động sản thông thoáng, tăng thêm nguồn thu ngân sách nhà nước và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với thị trường bất động sản.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho phép áp dụng tương tự cơ chế “thí điểm” chuyển nhượng dự án, một phần dự án bất động sản theo hướng, chủ đầu tư chuyển nhượng đã có quyết định giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất của dự án gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai (nếu có) với Nhà nước đối với dự án, phần dự án chuyển nhượng mà không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với toàn bộ hoặc phần dự án chuyển nhượng.

Trường hợp bên chuyển nhượng dự án, một phần dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước thì bên nhận chuyển nhượng có trách nhiệm, nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ tài chính này.

"Việc tạo điều kiện thí điểm chuyển nhượng dự án theo Nghị quyết 42 sẽ giúp các doanh nghiệp bất động sản được thỏa thuận chuyển nhượng dự án bất động sản theo nhu cầu, vừa tôn trọng và bảo đảm quyền tự chủ kinh doanh, tự do kinh doanh của doanh nghiệp, vừa tạo được dòng tiền để vượt qua khó khăn, vừa giảm bớt lệ thuộc vào nguồn vốn tín dụng", ông Châu cho biết.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.