04/08/2019 10:16 AM
Chủ tịch UBND Kiên Giang đề xuất lập quy hoạch Phú Quốc trở thành khu kinh tế, thay vì chờ đợi Luật Đặc khu đang bị hoãn xem xét.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng cho dừng việc lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc thành Đặc khu kinh tế cho tới khi Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (còn gọi là Luật Đặc khu) được Quốc hội thông qua. Đồng thời, lãnh đạo địa phương đề xuất cho phép tỉnh sử dụng ngân sách địa phương lập mới quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc theo hướng trở thành Khu kinh tế Phú Quốc.

Một góc huyện đảo Phú Quốc, nơi có nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng đang được triển khai. Ảnh: UBND tỉnh Kiên Giang

Trước đó, tháng 8/2018, Thủ tướng đã đồng ý chủ trương cho phép tỉnh Kiên Giang lập quy hoạch đảo Phú Quốc theo định hướng trở thành đặc khu kinh tế. Huyện đảo này được định hướng phát triển không gian các khu chức năng, vùng phát triển đô thị, không gian vùng phát triển khu phức hợp du lịch, dịch vụ và dân cư, không gian vùng phát triển nông nghiệp và lâm nghiệp, không gian vùng đặc biệt với sân bay, cảng biển, khu phi thuế quan.

Dựa trên chủ trương này, UBND tỉnh Kiên Giang đã thực hiện một số thủ tục lập quy hoạch. Tuy nhiên, theo lãnh đạo tỉnh, đến nay Quốc hội vẫn chưa đưa trở lại Dự án Luật Đặc khu vào chương trình xây dựng pháp luật sau khi hoãn xem xét vào cuối năm 2018. Do đó, việc quy hoạch tỉnh gặp vướng mắc khi chưa xác định cơ sở pháp lý, trình tự thủ tục, nội dung quy hoạch và lập hội đồng thẩm định.

Tỉnh Kiên Giang cũng cho biết, đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2004 đến nay đã không còn phù hợp với thực tế phát triển huyện đảo Phú Quốc.

Ngoài ra, theo Luật Quy hoạch, việc xây dựng quy hoạch cấp huyện sẽ được tích hợp vào quy hoạch tỉnh nhưng nhiều mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế xã hội của đảo Phú Quốc hiện đã vượt quy hoạch được duyệt. Do đó, nếu chờ quy hoạch tỉnh được lập theo Luật Quy hoạch sẽ khó khăn cho Phú Quốc trong định hướng các mục tiêu, phương hướng phát triển, cản trở quá trình thu hút kêu gọi đầu tư.

Theo Nghị định 29/2018, Khu kinh tế là khu vực có không gian kinh tế riêng biệt với môi trường đầu tư và kinh doanh đặc biệt thuận lợi cho các nhà đầu tư. Một khu kinh tế phải có diện tích tối thiểu là 100 km2, có vị trí địa lý thuận lại cho phát triển kinh tế khu vực (có cảng biển nước sâu hoặc gần sân bay), kết nối thuận lợi với các trục giao thông huyết mạch của quốc gia và quốc tế...

Khu kinh tế cũng được hưởng một số ưu đãi về thuế, ngành nghề ưu tiên, song mức ưu đãi thấp hơn so với những dự kiến triển khai với đặc khu kinh tế. Ví dụ, dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, tại khu kinh tế không được hưởng ưu đãi. Mức thuế thu nhập doanh nghiệp phải đóng với các dự án này là 20%. Còn tại đặc khu mức thuế là 17% trong 5 năm đầu. Về thuế tiêu thụ đặc biệt, đối với dịch vụ kinh doanh casino, trò chơi có thưởng, dịch vụ kinh doanh đặt cược, tại khu kinh tế mức thuế được tính là 30 - 35%. Tại đặc khu, mức thuế được ưu đãi là 15% trong 10 năm.

Hiện nay, Việt Nam có một số khu kinh tế như Chu Lai, Vũng Áng, Dung Quất, Nhơn Hội, Đình Vũ - Cát Hải...

Dự án Đặc khu kinh tế là định hướng của Bộ Chính trị, dự kiến triển khai tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hoà) và Phú Quốc (Kiên Giang).

Nguyễn Hà (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.