Thị trường BĐS vẫn âm thầm biến chuyển từng ngày từng giờ ở mỗi phân khúc khác nhau. Nằm trong mảng cho thuê, thuê mua dài hạn, những ki ốt bán hàng tại các khu chợ đêm tấp nập luôn được hỏi thuê với tần suất cao.
"Tấc đất tấc vàng"
Sự ví von này hoàn toàn đúng với những thước đất trong các khu chợ đêm dân sinh ra đời vài năm nay tại địa bàn Tp. Hà Nội. Trong số này, lâu đời nhất là chợ đêm Hàng Đào – Đồng Xuân (Hoàn Kiếm), bắt đầu được biết đến vào năm 2003. Kết nối hợp lý với tuyến phố đi bộ Hàng Đào – Đồng Xuân, chợ đêm Đồng Xuân nhiều năm qua trở thành điểm đến không hẹn mà gặp của giới học sinh, sinh viên tại Thủ đô vào dịp cuối tuần.
Giá thuê một ki ốt bán hàng 3 buổi tối ở đây cao hơn hẳn những ki ốt cùng loại ở các điểm chợ tập trung khác. Cụ thể, một ki ốt chưa đầy 5m2 tại đoạn đầu chợ từ phía đường Đinh Tiên Hoàng vào, được rao cho thuê với giá 4 triệu/tháng, làm hợp đồng tối thiểu 1 năm. Theo chủ sử dụng hiện hữu gian hàng này, rất nhiều khách hỏi thuê ngay sau khi đăng tin trên báo, tới mức không kịp trả lời.
Thậm chí, có người còn sẵn sàng trả thêm 500.000 đồng/tháng để "chắc suất". Được biết, so sánh cùng trong khu vực trung tâm quận Hoàn Kiếm, rất nhiều ki ốt, gian hàng rộng (7-14m2) tại Trung tâm thương mại chợ Hàng Da, với hạ tầng hiện đại, liên tục chào khách nhưng không ai hỏi. Bởi vì giá cả (tính theo mức 8-10 USD/m2/tháng) không tương xứng với hiệu quả kinh doanh, giống như trường hợp Trung tâm thương mại Cửa Nam, lượng khách vào mua sắm rất hạn chế.
Không "đắt xắt ra miếng" theo kiểu chợ đêm Đồng Xuân, ki ốt chợ đêm Dịch Vọng, chợ sinh viên Phùng Khoang (Từ Liêm, Hà Nội) được dân kinh doanh nhỏ lẻ quan tâm với số lượng đông, nhờ ưu thế gần các điểm trường tập trung. Khó có thể so sánh mật độ sinh viên, học sinh tìm tới chợ Dịch Vọng hay Phùng Khoang đông hơn. Chỉ biết, tình trạng tắc đường (vì người đi bộ) thường xuyên xảy ra từ 20-22h tại đầu chợ Phùng Khoang (điểm giao với đường Nguyễn Trãi) và cảnh xe cộ được để tràn ra lề đường đoạn rẽ từ đường Phạm Hùng vào Xuân Thủy. Phùng Khoang là tâm điểm của sinh viên các trường đại học, như: Kiến trúc, Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Bưu chính Viễn thông, Đại học Nhạc họa Trung ương, Học viện An Ninh, Cao đẳng Xây dựng số 1…. Dịch Vọng là chợ đêm dành cho sinh viên các trường: Đại học Quốc gia HN, Đại học Sư phạm, Đại học Thương mại, Đại học Sân khấu Điện Ảnh, trường Múa, trường Xiếc, Học viện KTQS, Đại học Du lịch, Đại học Điện lực…
Tình trạng mông lung về thông tin (dẫn tới bị lừa đảo) chủ yếu diễn ra với giao dịch mua bán ki-ốt chợ.
Chính vì nhu cầu "ăn, mua sắm" rất lớn của những khách hàng trẻ, các ki ốt chợ tại đây đều được lấp đầy, với giá thuê ngày càng có xu hướng tăng. Điển hình, ki ốt 7m2 tại chợ Phùng Khoang, có giá thuê 3,3 triệu đồng/tháng, chỉ cần ký hợp đồng tối thiểu 3 tháng (gồm cả phí chuyển nhượng và điện nước). Tại chợ đêm Dịch Vọng, mỗi suất thuê ki ốt 6-8m2, được rao 3 triệu đồng/tháng,… Đương nhiên, những lời rao trên các diễn đàn về BĐS dạng này không nhiều và chỉ những ai nhanh chân mới mong kết nối thành công giao dịch.
Lúng túng giấy tờ pháp lý
Cũng như các loại hình BĐS khác, những ki ốt, gian hàng mini trong chợ đêm luôn đòi hỏi tính pháp lý về sở hữu lẫn sử dụng. Ở đây, đa phần giao dịch thuê dài hạn (6 tháng trở lên) thường được bên cho thuê cung cấp giấy tờ chứng nhận sử dụng dài hạn, hoặc đứng tên sở hữu (do ban quản lý chợ xác nhận). Tuy nhiên, quá trình đi đến giao dịch thành công và sử dụng một cách thuận lợi, rất nhiều gian nan.
Tất cả đều xoay quanh vấn đề pháp lý và pháp nhân thực sự của chủ sở hữu hiện tại BĐS đó. Theo bà Nụ, một tiểu thương bán hàng quần áo đang liên hệ mua "đứt" ki ốt chợ đêm Đồng Xuân, với giá ngót 100 triệu đồng, những giấy tờ mà chủ ki ốt đưa ra khó xác minh thực tế. Cụ thể, người bán khẳng định và cho bà này xem hợp đồng của họ với ban quản lý chợ. Căn cứ hợp đồng, người bán đứng tên chính chủ và được toàn quyền sang nhượng, cho thuê ki ốt. Điều khiến khách mua "lăn tăn", chính là không biết xác thực nội dung hợp đồng này ra sao. Liệu sau vài tháng sử dụng, ki ốt bỗng nhiên bị ban quản lý chợ thu lại, mất trắng hay được đền bù (?!).
Tình trạng mông lung về thông tin chủ yếu diễn ra với giao dịch mua bán ki ốt. Tại chợ Phùng Khoang, đã không ít trường hợp người mua phải "ngậm quả đắng", vì bỏ ra gần 80 triệu đồng mà chỉ được sử dụng ki ốt 1 tháng (bị thu hồi vì người bán lại cũng là người thuê dài hạn!). Tuy nhiên, vì lợi nhuận sinh lời từ bán hàng tại chợ đêm rất lớn, nên không ít người vẫn bất chấp rủi ro để lao vào mua các suất ki ốt.
Kinh nghiệm từ bà Hiên, một chủ ki ốt bán hàng thâm niên 5 năm tại chợ đêm Phùng Khoang cho thấy, đầu tiên người mua cần kiểm tra giá trị pháp lý của hợp đồng giữa người bán với cơ quan quản lý. Cách thức đơn giản nhất là liên hệ với ban quản lý chợ để xác minh. Về thủ tục khi mua lại ki ốt, nên chuẩn bị hồ sơ gồm: giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu và nếu người bán là vợ hoặc chồng thì yêu cầu giấy chứng nhận kết hôn.Những hồ sơ tài liệu này đều phải có chứng thực của UBND phường, xã theo quy định.